Độ lượng, bao dung mới cảm hóa được học trò

22/06/2019 06:38
THẠCH HOÀI SƠN
(GDVN) - Hãy độ lượng, bao dung khi mình có thể để cảm hóa các em, để các em thấy thầy cô nếu “khó khăn, gắt gao” cũng vì muốn mình nên người, muốn mình trưởng thành.

LTS: Cho rằng, cảm hóa, giáo dục học sinh bằng tình thương yêu thực sự, bằng sự độ lượng, bao dung sẽ có kết quả bền lâu hơn là giáo dục bằng mệnh lệnh, bằng sự bắt buộc, thầy Thạch Hoài Sơn đã có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Năm ấy, tôi được trên điều động về làm hiệu phó trường chuyên của tỉnh. Đây là trách nhiệm nặng nề nhưng tôi tự dặn lòng mình hết sức cố gắng để không mất lòng tin của cấp trên, của đồng nghiệp.

Đúng như ai đã nói: “Mọi lý thuyết đều là màu xám”, bởi vì dù đã qua trường lớp quản lý (đạt loại khá) nhưng tôi vẫn nhiều khi lúng túng trước những tình huống thực tế xảy ra hàng ngày trong môi trường giáo dục.

Được phân công phụ trách cơ sở vật chất và quản lý, giáo dục đạo đức học sinh, tôi cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Phần cơ sở vật chất thì kiểm tra thường xuyên, bố trí khoa học các phòng học, phòng thí nghiệm, thiết bị hư hỏng thì có kế hoạch sửa chữa kịp thời…

Nhưng, phần quản lý học sinh thì thật vất vả bởi các em thường thích “tự do”, không thích sự gò bó như đồng phục, nam bỏ áo trong quần, xếp hàng trước khi vào lớp, giữ gìn vệ sinh chung…

Tình cảm thầy trò (Ảnh minh họa: vtv.vn).
Tình cảm thầy trò (Ảnh minh họa: vtv.vn).

Tôi nhắc nhở các em rằng, đứng ở trong khuôn viên nhà trường dù chỉ ít phút vẫn phải đồng phục đàng hoàng…

Có những học sinh nam hình như không chịu được sự gò bó, có khi chưa ra khỏi cổng trường là vội giật áo tung ra… cho mát.

Tôi cùng Đoàn trường phối hợp, trực ngay cầu thang, cổng trường để nhắc nhở các em thực hiện tốt nội quy…

Những học sinh vi phạm nhiều lần thường bị nhắc trước lớp… Từ đó, các em tự giác hơn trong việc thực hiện mọi quy định của nhà trường.

Thời điểm đó, tôi lúc nào cũng tỏ ra nghiêm nghị, ít khi nở nụ cười với các em cũng như ít tha thứ những lỗi lầm nhỏ của lứa tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” này mà chỉ biết làm bằng mọi cách để đưa các em… vào vòng kiềm tỏa.

Hình như các em chỉ làm bộ sợ tôi trước mặt, còn sau lưng thì vẫn vi phạm để… thể hiện mình.

Một lần nọ, tôi từ cầu thang bước xuống, đi dọc căntin của trường thì bất ngờ có một nam học sinh đi ngang qua. Em mỉm cười chào tôi có vẻ thân thiện rồi đi sát, quàng tay lên vai tôi như “đôi bạn học tập” và cùng rảo bước…

Suy nghĩ rất nhanh và tôi phán đoán phía sau em chắc là có chuyện gì “bí ẩn” nhưng tôi làm như không biết, không để ý và vẫn trò chuyện… Đến gần cửa phòng ban giám hiệu, em mới buông tay và chào tôi, chạy ngược trở lại lớp…

Cái đấm cửa của Phùng
Cái đấm cửa của Phùng

Sau này, tôi mới biết là có ba nam học sinh khác, đố em này: “Mày dám quàng cổ thầy không? Nếu dám thì tụi tao thua một chầu kem đó!”. Em đã làm được và được ăn kem miễn phí.

Nếu tôi tỏ ra khắt khe, cố chấp thì tôi sẽ cảnh báo học sinh này không được có hành vi hỗn hào như thế. Vì học sinh sao lại dám quàng cổ thầy? Làm như vậy là vô lễ!...

Nhưng tôi biết tất cả và mỉm cười độ lượng, tha thứ cho em vì đây chỉ là chuyện đùa của các em, không hề có ý gì xúc phạm mình cả.

Bằng chứng là từ đó, các em tỏ ra thân thiện hơn và tôi thường xuyên trò chuyện, tìm hiểu các em để có cách giáo dục hiệu quả…

Các em vui vẻ trò chuyện cùng thầy, giữa thầy và trò hầu như không còn khoảng cách, luôn có sự tin yêu, thành tâm, thành thật với nhau…

Mãi sau này, qua lời đồng nghiệp kể lại: mỗi khi có họp hành, cuối buổi các em thường tự giác thu gom chai nước, ly nước bỏ vào thùng rác theo quy định.

Mỗi khi làm như thế, các em thường bảo nhau: “Thầy của mình thường nhắc chuyện này! Thấy phòng họp, phòng học vệ sinh sạch sẽ là trúng ý thầy lắm!”.

Dù tôi đã nghỉ hưu, nhưng được học trò nhắc lại như thế cũng cảm thấy ấm lòng. Thành quả công việc là tạo thành thói quen tốt giữ gìn vệ sinh chung đã được các em thực hiện với sự tự giác cao, coi đó là điều bình thường trong sinh hoạt.

Hãy độ lượng, bao dung khi mình có thể để cảm hóa các em, để các em thấy thầy cô nếu “khó khăn, gắt gao” cũng chỉ vì muốn mình nên người, muốn mình trưởng thành khi mỗi ngày đến lớp!

Cảm hóa, giáo dục học sinh bằng tình thương yêu thực sự, bằng sự độ lượng, bao dung sẽ có kết quả bền lâu hơn là giáo dục bằng mệnh lệnh, bằng sự bắt buộc…

THẠCH HOÀI SƠN