Bài trước, xem tại đây
Thứ hai, để đổi mới toàn diện giáo dục, đào tạo, việc cấp bách hiện nay là gì?
Đã có những ý kiến trên nhiều diễn đàn về thói giả dối trong giáo dục, về cách thức ngành này tạo đào tạo ra những “công dân biết nghe lời”, “công dân học thuộc lòng” chứ không phải là những con người sáng tạo.
Nói cách khác, trong chừng mực nào đó, giáo dục đang góp phần cùng với một số ngành, lĩnh vực khác làm thui chột tài năng thế hệ trẻ, tạo nên những tấm gương xấu về sự gian lận ngay khi trẻ em còn đang ngồi trên ghế nhà trường.
Nhiệm vụ cấp bách hiện nay để “Đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo …” không phải là đi tìm “Triết lý giáo dục Việt Nam”, cũng không phải là chương trình, sách giáo khoa hay bàn luận về điều này, luật kia mặc dù đó đều là những vấn đề sống còn của giáo dục.
Để đổi mới toàn diện giáo dục, đào tạo, việc cấp bách hiện nay là gì? Ảnh: Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, nguồn: Vietnamnet.vn |
Người viết cho rằng trong 11 năm tới, cho đến năm 2030, phải xây dựng bằng được một nền giáo dục không gian dối, cùng với đó là một đội ngũ nhà giáo đủ tâm và tầm, những nhà giáo sẵn sàng chấp nhận bị đuổi việc vì sự trung thực trong dạy học và nghiêm khắc với học trò chứ không phải sợ “mưa đá” từ dư luận, thu mình để giữ việc làm.
Trong loạt bài “Giáo dục, đã đến lúc phải nói cho ra nhẽ”, “Giáo dục, quyền rơm vạ đá” và nhiều bài khác đăng trên báo Giáo dục Việt Nam, người viết đã không ít lần đề cập đến thực trạng giáo dục Việt Nam, đã tìm hiểu nguyên nhân vì sao Giáo dục lại trở thành mối lo của toàn xã hội.
Một nền giáo dục không gian dối sẽ loại bỏ bệnh thành tích, loại bỏ tình trạng “lò ấp tiến sĩ” và những vị giáo sư, phó giáo sư không bao giờ bén mảng đến giảng đường.
Vấn đề là ai, cơ quan nào đủ quyết tâm và sức mạnh xây dựng một nền giáo dục không gian dối?
Vụ gian lận điểm thi năm 2018 tại Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình chỉ là một trong những biểu hiện của nền giáo dục gian dối đã được duy trì mấy chục năm qua.
Thật khó để nói nền giáo dục của Việt Nam sẽ thay đổi qua vụ gian lận thế kỷ này.
Tuy nhiên người dân, dư luận, những người chịu trách nhiệm hoạch định đường lối, chính sách và những người làm luật ít nhiều đã được thức tỉnh để nhận thấy thực chất giáo dục Việt Nam đang mang trong mình những ung nhọt gì.
Đổi mới hay chấn hưng giáo dục? |
Giáo dục mang trong nó đặc trưng của cơ cấu sinh ra nó là nhà nước.
Một nhà nước minh bạch không sinh ra một nền giáo dục gian dối.
Trong vòng ba năm qua, hàng chục vụ đại án được xét xử, chỉ riêng Bộ Công thương đã có 12 dự án nghìn tỷ phải đưa vào tầm ngắm, ngót trăm cán bộ diện trung ương quản lý bị xử lý từ khiển trách, cảnh cáo đến khai trừ hoặc ngồi tù.
Từng có ý kiến đăng trên Tạp chí Cộng sản (Tapchicongsan.org.vn), rằng “hoạt động của “nhóm lợi ích” ở nước ta đã và đang diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực quan trọng, … trong công tác cán bộ, quản lý biên chế; trong quản lý việc cấp các loại giấy phép; kể cả trong các vụ án, trong tham mưu về chủ trương, chính sách và trong điều hành… tình hình xấu đã lan rộng, khá phổ biến và khá ngang nhiên, nghiêm trọng đến mức báo động”. [5]
Ý kiến đăng trên Tạp chí Cộng sản đã phản ánh chính xác thực trạng nhà nước bởi đây là “Cơ quan lý luận và chính trị của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam”.
Người lạc quan nhất cũng thấy rằng không thể xây dựng một nền giáo dục trung thực, tiên tiến trong một nhà nước khi “tình hình xấu đã lan rộng đến mức báo động”, nhất là khi các nhóm lợi ích đã vươn vòi bạch tuộc vào các lĩnh vực “tham mưu về chủ trương, chính sách và trong điều hành…”.
Trong hoàn cảnh đó, người dân cần một câu trả lời trung thực từ cơ quan nhà nước: “Giáo dục có thực sự được coi là quốc sách hàng đầu” – điều đã được ghi trong Hiến pháp?
Đặt câu hỏi này bởi 20% chi ngân sách Nhà nước dành cho giáo dục theo quy định của Quốc hội thực chất là không thể kiểm chứng nếu không nói là chỉ tồn tại trong văn bản.
Dưới đây là một số ý kiến:
“Không tách bạch rạch ròi giữa “chi đầu tư phát triển” và “chi thường xuyên” nên phần chi thường xuyên cho giáo dục – đào tạo chỉ khoảng 14-15% tổng chi ngân sách.
Việc mập mờ nguồn chi dẫn tới các phương án xác định tổng chi ngân sách Nhà nước cho giáo dục không thống nhất cả trong dự toán lẫn quyết toán”. [6]
Giáo dục Việt Nam và bản giao hưởng Định mệnh của Beethoven |
Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Văn Nhã (Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội) phát biểu:
“Quốc hội phân bổ ngân sách cho giáo dục theo đầu dân còn các địa phương lại phân bổ ngân sách theo đầu học sinh. Điều này là bất cập, cần phải nghiên cứu". [7]
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: "Trước nay việc phân bổ ngân sách Nhà nước cho ngành giáo dục vẫn theo kiểu “chia bánh”, cứ mỗi Bộ, ngành, địa phương một ít.
Các Bộ và địa phương xài hết tiền, Bộ GD-ĐT không nắm được nhưng cuối cùng phải chịu trách nhiệm giải trình trước Quốc hội". [7]
Quốc hội quy định 20%, thực chất chi 14-15% nhưng lại kèm thêm “mập mờ nguồn chi” có nên xem là biểu hiện gian dối ngay từ đầu vào – tức là có biểu hiện bớt xén nguồn sống của giáo dục?
Ở tầm vĩ mô còn như thế thì việc các tỉnh, huyện bớt xén nguồn chi cho giáo dục và về đến trường là bớt xén bữa ăn của trẻ nhỏ cũng không có gì lạ.
Vậy nên câu hỏi: “Ai, cơ quan nào đủ quyết tâm và sức mạnh xây dựng một nền giáo dục không gian dối” không phải là dành riêng cho lãnh đạo ngành Giáo dục, cũng không phải dành riêng cho Quốc hội hoặc Chính phủ.
Và người viết tin rằng những ai đọc bài này đều sẽ tìm ra câu trả lời.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://laodong.vn/giao-duc/cac-dia-phuong-chiu-trach-nhiem-ve-chat-luong-ky-thi-thpt-quoc-gia-2019-736798.ldo
[2] https://www.nguoiduatin.vn/dbqh-nguyen-lan-hieu-khong-the-noi-gian-lan-thi-cu-trach-nhiem-hoan-toan-la-loi-cua-dia-phuong-a435966.html
[3] https://dantri.com.vn/xa-hoi/bo-truong-nha-nhan-trach-nhiem-ca-nhan-ve-vu-gian-lan-thi-cu-20190531095014573.htm
[4]http://vneconomy.vn/gian-lan-thi-cu-bo-truong-phung-xuan-nha-nhan-trach-nhiem-gi-20190531100938475.htm
[5] http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Nghiencuu-Traodoi/2015/33662/Loi-ich-nhom-va-Chu-nghia-tu-ban-than-huu-canh.aspx
[6] http://thoibaonganhang.vn/cap-kenh-nguon-tai-chinh-cho-giao-duc-83861.html