“Em sắp không thể trụ được nữa rồi!”

27/04/2020 14:03
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Mùa dịch Covid-19 giáo viên tư thục không có lương vẫn phải gồng lưng trả nợ vay ngân hàng. Có giáo viên chua chát có thể không ăn nhưng không thể ngừng trả nợ

Một đồng nghiệp của chúng tôi dạy tại một trường mẫu giáo tư thục tại Bình Thuận buồn rầu cho biết: “Bao giờ tỉnh mình mới cho học sinh đi học lại chị ơi! Em sắp không thể trụ được nữa rồi!”.

Giáo viên một trường mầm non ở quận 12 (TPHCM) nghỉ việc không lương phải bán cháo dinh dưỡng, hoa quả để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống trong thời gian học sinh nghỉ học phòng dịch. (Ảnh: Báo Lao động)
Giáo viên một trường mầm non ở quận 12 (TPHCM) nghỉ việc không lương phải bán cháo dinh dưỡng, hoa quả để kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống trong thời gian học sinh nghỉ học phòng dịch. (Ảnh: Báo Lao động)

Cô bạn đồng nghiệp cho biết, hơn 3 tháng nay học sinh nghỉ học cũng là lúc nhà trường không có tiền trả lương cho giáo viên. Ai nấy tự phải lo cho cuộc sống gia đình vốn đã khốn khó nay không có thu nhập càng trở nên túng quẫn hơn.

Không đi dạy lại phải thực hiện tốt lệnh cách ly xã hội (mình là giáo viên càng phải gương mẫu hơn) nên đa phần những thầy cô giáo đều rơi vào khủng hoảng kinh tế.

Cô bạn đồng nghiệp còn nói mình may mắn hơn một số đồng nghiệp khác vì còn có nghề tay trái viết văn.

Có điều từ ngày dịch bệnh Covid-19 hoành hành thì những tờ báo cô cộng tác trước đây cũng hạn chế đăng bài. Có báo đăng thì nhuận bút cũng giảm đi khá nhiều.

Đồng lương của chồng cô hơn 5 triệu/tháng phải dành trọn để trả tiền vay ngân hàng để làm nhà. Gia đình 4 người (2 vợ chồng và 2 đứa con) chỉ bấu víu vào gần 2 triệu đồng tiền cô viết báo.

“Em phải cắt giảm tối đa các mức chi tiêu, sữa cho con cũng không còn mua nữa nhưng với số tiền ấy cũng chẳng đủ gồng trong một tháng”.

Dù thế, lại vẫn hơn nhiều đồng nghiệp khác đã không có thêm 2 triệu đồng/tháng mà nợ ngân hàng vẫn cứ phải trả đều đặn.

“Em sắp không thể trụ được nữa rồi!” ảnh 2
Nước mắt trường mầm non tư thục thời Covid-19

Giáo viên thì gần như trên 90% là “con nợ” của các ngân hàng. Nhưng cũng nhờ được là “con nợ’ mà ai cũng có nhà ở, xe cộ đi lại.

“Không vay ngân hàng mà trông chờ vào đồng lương còm hàng tháng thì cứ đợ đến mồng thất cũng chẳng bao giờ có được một cục đất chọi chim”, có thầy cô đã khẳng định như đinh đóng cột như vậy.

Bởi thế, mùa dịch Covid-19 giáo viên tư thục không có lương nhưng vẫn phải gồng lưng mà trả nợ vay.

Khổ nhất là không phải nợ một ngân hàng, có người nợ đến vài ba nơi. Cô giáo L. nói rằng: “Ăn có thể nhịn, có thể ăn mắm mút dòi nhưng nợ thì nhất định phải trả. Nay, không có lương buộc phải xoay đủ cách để không bị rơi vào nợ xấu. Nếu đã có tên trong nợ xấu thì xem như sau này chẳng còn cơ hội để xin vay tiền”.

Có cô đã phải xin đi làm phụ việc theo giờ cho một số gia đình để kiếm thêm vài đồng về có tiền trả nợ. Người lại tìm cách bán hàng online, bán đồ ăn, uống ship đến tận nhà. Người không có khiếu nấu ăn, bán đồ lại đi chạy xe ôm, làm shipper.

Vất vả cả ngày đến khuya cũng chỉ kiếm được ít tiền đã thấy là may mắn.

Một số thầy cô giáo trường tư khi nghe Chính phủ có gói hỗ trợ an sinh xã hội mùa dịch đã vô cùng vui mừng. Thế nhưng không ít người thắc mắc: “Chẳng biết giáo viên chúng tôi có được nằm trong những đối tượng được nhận trợ cấp hay không?”.

Giờ chỉ biết chờ đợi, và đôi khi chờ đợi cũng có được chút niềm vui an ủi.

Đỗ Quyên