Đó là kiến nghị của nhiều cử tri tại buổi tiếp xúc cử tri hai quận Hải Châu và Sơn Trà của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng ngày 4/10, nhằm chuẩn bị cho kỳ họp thứ tư – Quốc hội khóa XIV sắp tới.
Cử tri Lê Chí Bảy kiến nghị chống tham nhũng phải thu hồi tài sản, không để "hy sinh đời bố, củng cố đời con". Ảnh: TT |
Tại quận Sơn Trà, cử tri Lê Chí Bảy (phường Thọ Quang) cho rằng, về vấn đề bán đảo Sơn Trà, có nhiều ý kiến cử tri phát biểu nhưng đại biểu quốc hội trả lời chưa thỏa đáng.
Theo ông Bảy, Sơn Trà không chỉ có giá trị về môi trường, là “lá phổi” xanh của thành phố mà còn lại vị trí quân sự quan trọng.
Vậy tại sao chính quyền lại để doanh nghiệp ngang nhiên xây dựng 42 móng biệt thự không phép mà không biết, trong khi người dân chỉ cần xây một bờ tường sai cũng bị đập bỏ.
Đảng viên, nhân dân Đà Nẵng đang mong muốn điều gì? |
“Cử tri đề nghị phải chấm dứt ngay việc xây dựng trên bán đảo Sơn Trà”, ông Bảy kiến nghị.
Về vấn đề chống tham nhũng, ông Bảy nói hiện Tổng Bí thư đã chỉ đạo rõ ràng, nghiêm túc nhưng khâu thực hiện vẫn chưa được cương quyết.
Trong đó, vấn đề quan trọng nhất trong cuộc chiến chống tham nhũng theo ông Bảy là phải thu hồi được bao nhiêu tài sản tham nhũng, chứ không phải đưa ra xét xử rồi giao cho cơ quan pháp luật thi hành án.
“Những vụ việc tham nhũng xảy ra ở lĩnh vực ngân hàng, rồi vụ Trịnh Xuân Thanh... phải công khai cho dân biết việc thu hồi tài sản”, ông Bảy kiến nghị.
Ông Bảy cũng cho rằng, không thể có chuyện quan chức “hạ cánh an toàn”.
Bởi có nhiều vị khi còn đương chức, nắm quyền hành thì vơ vét, tham nhũng, sẵn sàng “hy sinh đời bố để củng cố đời con”, gây bức xúc trong dư luận.
Ông này dẫn chứng đó là trường hợp nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai Phạm Thế Dũng khi bị Ủy ban kiểm tra Trung ương kết luận có sai phạm đã nói rằng: “tôi nghỉ hưu hai năm rồi, họ xử sao thì xử”. Nói như vậy là coi thường pháp luật, coi thường nhân dân.
Rồi vụ ông Nguyễn Xuân Anh – Bí thư Thành ủy Đà Nẵng được cho là sở hữu 12 lô đất ven biển.
Khi tìm hiểu thì đứng tên những lô đất này là một lái xe cho gia đình ông Xuân Anh với mức lương 3-4 triệu đồng/tháng. Với mức lương đó thì làm sao mua nổi từng ấy đất?
Từ những ví dụ trên, ông Bảy đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội phải suy nghĩ, nghiên cứu làm sao để chống tham nhũng có hiệu quả.
“Tôi nghĩ chống tham nhũng thì phải thu hồi được tài sản mà họ đã lấy. Trong đó, vấn đề kê khai tài sản cần phải được thực hiện nghiêm túc”, ông Bảy cho hay.
Đồng quan điểm trên, cử tri Lê Thọ Truyền (phường An Hải Đông, Sơn Trà) đề nghị sửa đổi luật phòng, chống tham nhũng.
“Mọi tài sản liên quan đến tham nhũng phải được kiểm tra và thu hồi. Yêu cầu công chức kê khai tài sản, nếu giải trình khối tài sản đó không hợp lý cũng phải bị thu hồi.
Chứ không thể có chuyện quan chức nói từng đi nuôi heo, buôn chổi đót... dành tiền xây biệt thự được”, ông Truyền bức xúc.
Ngoài ra, ông Truyền cũng đề nghị quốc hội lập cơ quan giám sát việc kê khai tài sản của công chức. Chứ không thể để công chức kê khai tài sản rồi cất hồ sơ đó vào tủ sắt bí mật.
“Chúng tôi vẫn chưa yên lòng khi nạn tham nhũng vẫn còn tràn lan từ Trung ương xuống địa phương.
Và cũng rất buồn khi Ủy ban kiểm tra Trung ương kết luận những sai phạm của hai vị lãnh đạo cao nhất của thành phố (Bí thư và Chủ tịch thành phố Đà Nẵng).
Trước đó, đồng chí Xuân Anh (Bí thư thành phố) còn nói, nếu ai phát hiện ông có thêm một lô đất nào nữa (ngoài ngôi nhà ở số 43 Nguyễn Thái Học) mà gia đình đang ở thì ông sẽ từ chức.
Vậy giờ ông Xuân Anh có từ chức không?”, cử tri Truyền nói.
Tại quận Hải Châu, cử tri Đặng Vân (phường Hòa Cường Bắc) cũng yêu cầu đoàn đại biểu quốc hội thành phố tăng cường giám sát hoạt động của các cấp, chính quyền.
Cử tri này cũng cho rằng, phải điều tra và thu hồi toàn bộ nhà, đất mà Bí thư Nguyễn Xuân Anh đã nhận từ doanh nghiệp.
Đoàn đại biểu quốc hội thành phố Đà Nẵng đã ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của cử tri, đồng thời sẽ chuyển các kiến nghị đó đến cơ quan chức năng liên quan giải quyết.