Thời gian đây nhiều trường học trên khắp cả nước đâu đó vẫn còn xảy ra những vụ có dấu hiệu bị ngộ độc thực phẩm như đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, đau đầu phải nhập viện.
Một lần nữa vấn đề bữa ăn học đường được phụ huynh, những người đặt niềm tin, gửi con tại trường rất lo ngại nếu vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm không được kiểm soát chặt chẽ.
Như vụ khoảng 20 học sinh Trường tiểu học Trưng Trắc (quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh) nghi bị ngộ độc. Theo đó, vào khoảng 18h ngày 7/10, khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1 đã tiếp nhận các bệnh nhân là học sinh của Trường tiểu học Trưng Trắc. Các cháu có biểu hiện rối loạn tiêu hóa.
Hà Nội nỗ lực đảm bảo an toàn thực phẩm học đường |
Sự việc 22 học sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh có dấu hiệu bị ngộ độc lại một lần nữa khiến dư luận lo ngại suất ăn bán trú tại trường chưa đảm bảo an toàn thực phẩm.
Còn tại Hà Nội, ngày 11/9, tại Trường tiểu học, mầm non CGD Victory (khu đô thị Văn Quán, quận Hà Đông) đã xảy ra hiện tượng khoảng 6 học sinh có biểu hiện như đau đầu, buồn nôn, tiêu chảy.
Phía lãnh đạo Trường Tiểu học thuộc hệ thống giáo dục CGD Victory xác nhận vừa qua tại cơ sở giáo dục này xảy ra tình trạng có 6 học sinh bị đau bụng, buồn nôn.
Chi cục An toàn thực phẩm Hà Nội đã vào kiểm tra. Bước đầu tạm kết luận các cháu bị rối loạn tiêu hóa, không phải nhập viện. Hiện các cháu đã đi học bình thường.
Trước đó, theo thông tin ban đầu, ngày 12/9, Trường tiểu học, mầm non Victory thuộc công ty cổ phần Đào tạo quốc tế, Hệ thống giáo dục CGD Victory ở đường 19/5, khu đô thị Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội xảy ra việc có nhiều học sinh với biểu hiện đau bụng, buồn nôn nghi ngộ độc thực phẩm, đoàn công tác của Chi Cục An toàn thực phẩm Hà Nội đã đến lấy mẫu xét nghiệm cũng như kiểm tra bếp ăn tại đây.
Còn tại Hải Dương, 51 học sinh Trường Tiểu học Cẩm Thượng (Thành phố Hải Dương) có biểu hiện đau bụng, nôn mửa nghi ngộ độc thực phẩm. Số học sinh này đã không thể đến lớp vào ngày 26/9.
Lanh đạo Phường Cẩm Thượng cũng xác nhận việc này và thông tin thêm ngày 26/9, 51 học sinh đang học tại trường Tiểu học Cẩm Thượng (phường Cẩm Thượng) phải xin nghỉ vì có biểu hiện đau đầu, buồn nôn.
Trong đó, 4 học sinh được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương. Sáng 27/9, 3 cháu sức khỏe ổn định, gia đình xin về. Nhiều học sinh bị nhẹ hơn được chăm sóc sức khỏe tại nhà.
Nhiều học sinh trường tiểu học Tứ Cường (Thanh Miện, Hải Dương) nhập viện vì có dấu hiệu buồn nôn, đau bụng. Ảnh: NVCC. |
Còn trong 2 ngày (từ ngày 1 đến 2/10), 70 học sinh Trường Tiểu học Tứ Cường (huyện Thanh Miện, Hải Dương) có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, sốt, tiêu chảy phải tới các cơ sở y tế để theo dõi, điều trị.
Khi phát hiện các em có biểu hiện bất thường, gia đình đã đưa đến Trạm Y tế xã Tứ Cường, Trung tâm Y tế huyện Thanh Miện và Bệnh viện Nhi Hải Dương điều trị.
Trước đó không lâu ngày 13/9, tại Phú Thọ, 80 trẻ ở Trường Mầm non xã Thụy Liễu nhập viện nghi bị ngộ độc thực phẩm, lúc 22h ngày 13/9, Trung tâm tiếp nhận điều trị 1 trẻ từ Trường Mầm non Thụy Liễu nhập viện với triệu chứng đau bụng, nôn, sốt cao.
Tiếp đó trong ngày 14/9, Trung tâm tiếp nhận hơn 30 trẻ cũng là học sinh của Trường Mầm non Thụy Liễu nhập viện với triệu chứng tương tự. Đến sáng 16/9, đã có 80 trẻ là học sinh của trường trên vào điều trị tại Trung tâm.
Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm, các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê bước đầu nghi ngờ trẻ bị ngộ độc thực phẩm và báo cáo lãnh đạo UBND huyện, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Phú Thọ. Đến nay không có trẻ nào trong tình trạng nặng. Sức khỏe của các cháu dần ổn định và xuất viện sớm.
Tại Đắk Nông, sáng 22/8, trên địa bàn xã Kiến Thành, huyện Đắk R’lấp có tổ chức Hội trại hè 2019 với hàng trăm học sinh của nhiều trường tham gia. Hội trại hè được tổ chức tại Trường trung học cơ sở Trần Quang Khải (xã Kiến Thành, huyện Đắk R’lấp).
Sau bữa cơm tối khoảng 17h cùng ngày, nhiều em có biểu hiện đau bụng, đi cầu, nôn ói nghi do ngộ độc thực phẩm nên phải nhập viện điều trị. Theo báo cáo, trong số 10 em nhập viện.
Vào ngày 24/10, 18 học học Trường tiểu học Võ Thị Sáu có biểu hiện đau đầu, buồn nôn, đau bụng. Ngay sau khi xảy ra sự việc, các giáo viên của trường đã đưa 18 học sinh đến Trạm Y tế phường Yết Kiêu, sau đó 6 học sinh được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh để cấp cứu.
Cách đây không lâu dư luận giật mình, hơn 300 học sinh trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình phải nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm. Ảnh: NVCC. |
Trên đây chỉ là một số vụ việc liên quan đến an toàn thực phẩm xảy ra trong trường học. Trên cả nước con số học sinh bị ngộ độc sau bữa ăn bán trú tại trường không phải ít.
Thực tế, hầu hết trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tại các tỉnh, thành phố đều tổ chức bữa ăn bán trú. Có hai hình thức, một là hợp đồng với đơn vị dịch vụ bên ngoài, đến giờ họ sẽ mang thức ăn đến chia cho học sinh. Cách này nhà trường sẽ không mất không gian làm bếp, tuy nhiên đồ ăn không được nóng sốt và quan trọng nhất khó kiểm soát được chất lượng.
Cách thứ hai là tổ chức bếp ăn ngay tại trường. Với cách này, nhà trường phải có khuôn viên đủ rộng, trang thiết bị đảm bảo và thầy cô sẽ thêm công việc bán trú, cho học sinh ăn.
Cách này, phụ huynh và nhà trường có thể kiểm soát được nguồn thực phẩm đầu vào, quy trình chế biến và thức ăn do không phải di chuyển xa nên khi tới tay học sinh vẫn còn ấm.
Suất ăn của con ở trường lèo tèo thế này, có bố mẹ nào cầm lòng được không? |
Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hậu - Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi đồng 2, bữa ăn của học sinh trong nhà trường rất quan trọng cả về dinh dưỡng và đặc biệt phải đảm bảo an toàn.
Về dinh dưỡng, bữa ăn tại trường là một trong 2 bữa ăn chính trong ngày của trẻ và ảnh hưởng tới sức khỏe, tâm sinh lý lẫn sự phát triển về sau của trẻ.
Theo đó, trước hết bữa ăn phải có đầy đủ nhóm dinh dưỡng phù hợp với lứa tuổi: chất đạm, chất béo, các khoáng chất, vi chất cần thiết cho sự phát triển. Từ đó trẻ mới được cung cấp đầy đủ năng lượng cho các hoạt động thể chất, trí não.
Không chỉ đủ chất, theo Bác sĩ Hậu, bữa ăn cho trẻ cũng phải đảm bảo an toàn. Tức là khi ăn những phần thức ăn này trẻ phải được đảm bảo là không bị ngộ độc, không bị những đợt nhiễm trùng, nhiễm khuẩn, như vậy mới đảm bảo trẻ phát triển được tốt nhất.
Bác sĩ Hậu phân tích: “Nếu bữa ăn không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, trẻ sẽ có nguy cơ ngộ độc cấp tính. Cụ thể, trẻ bị sốt, nôn ói, tiêu chảy, trẻ sẽ phải nghỉ học và hụt kiến thức ngày hôm đó. Nặng hơn, trẻ có thể bị mất nước, bị những biến chứng, nhiễm khuẩn từ đường tiêu hóa hoặc biến chứng nặng nề từ những độc chất.
Về lâu dài, nếu bữa ăn không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chứa những độc chất không được phép vào cơ thể sẽ làm trẻ bị ngộ độc mãn, ảnh hưởng đến toàn bộ chức năng của cơ thể hoặc trẻ cũng có thể không tăng trưởng bình thường”.
Theo nhiều chuyên gia, tình trạng ngộ độc thực phẩm xảy ra sau khi ăn, uống phải thực phẩm nhiễm khuẩn, nhiễm độc hoặc có chứa chất gây độc, thức ăn bị ôi thiu… Thông thường ngộ độc cấp tính sẽ xuất hiện sau vài phút, vài giờ hoặc 1 - 2 ngày sau khi ăn.
Ngộ độc thực phẩm nặng thì có thể dẫn tới tử vong, nhẹ cũng gây mệt mỏi cả về thể chất và tinh thần cho người bệnh. Vì vậy, tự bảo vệ mình là biện pháp thiết thực đầu tiên cần nghĩ tới, trong đó việc trang bị một số kiến thức về các bước sơ cứu khi bị ngộ độc thực phẩm là việc làm cần thiết.
Khi chẳng may bị ngộ độc thực phẩm, người bệnh thường có các biểu hiện buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, đôi khi có kèm theo các triệu chứng phụ như nhức đầu, chóng mặt, đau cơ, khó thở... tùy theo nguyên nhân gây ngộ độc. Và khi thấy chính mình hoặc người thân có các dấu hiệu của ngộ độc thực phẩm như đã kể trên, cần thực hiện các bước sơ cứu dưới đây:
Gây nôn (nếu người bệnh không có biểu hiện nôn): Để hạn chế độc tố ngấm vào cơ thể, biện pháp sơ cứu đầu tiên nên làm là kích thích để người bị ngộ độc nôn những thức ăn trong dạ dày ra ngoài. Có thể dùng tay đã rửa sạch đặt vào lưỡi người bệnh để kích thích gây nôn.
Nôn được càng nhiều thức ăn trong dạ dày ra càng tốt. Khi tiến hành gây nôn cho người bệnh, cần để người bệnh nằm nghiêng, kê hơi cao phần đầu để chất thải nôn ra không bị trào ngược vào phổi, không gây sặc cho người bệnh. Với người bệnh bị ngộ độc thực phẩm đã hôn mê thì không nên kích thích gây nôn vì sẽ dễ gây sặc, ngạt thở.
Cho người bệnh uống nhiều nước và nghỉ ngơi: Sau khi người bệnh nôn và đi ngoài thì cơ thể sẽ bị mất nước. Chính vì vậy cần tiến hành bù nước cho người bệnh bằng cách cho uống nhiều nước lọc, uống nước oresol hoặc uống nước gạo rang để bù nước cho người bệnh.
Gọi cấp cứu 115 hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất: Dù đã tiến hành sơ cứu ban đầu nhưng bệnh nhân vẫn có thể gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào. Vậy nên bệnh nhân cần được sự trợ giúp của nhân viên y tế bằng cách gọi cấp cứu 115 hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.