Lời kêu gọi nhân tâm từ người trong cuộc
Phó giáo sư Nguyễn Thị Xuyên – Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của bữa ăn học đường:
“Dinh dưỡng hợp lý rất quan trọng đối với sự tăng trưởng và kiểm soát sức khỏe, bệnh tật trong chu kỳ vòng đời.
Bữa ăn học đường chiếm một phần quan trọng trong khẩu phần ăn thực tế hàng ngày của trẻ.
Sán, trong tâm của hiệu trưởng? |
Tuy nhiên cho đến nay còn một số hạn chế bao gồm chưa có các danh mục thực phẩm cung cấp năng lượng, các vi chất thiết yếu cho từng nhóm tuổi, cho từng mùa.
Vì vậy cho đến thời điểm này các thực phẩm, món ăn được đưa vào bữa ăn học đường chủ yếu mang tính cảm tính, chưa dựa trên các cơ sở khoa học dinh dưỡng”.
Như vậy, bản thân những người đứng đầu lĩnh vực dinh dưỡng cũng hiểu được tầm quan trọng và ý nghĩa của bữa ăn học đường.
Lý thuyết là vậy nhưng trên thực tế vì sao cứ bẵng đi một thời gian lại có một số vụ ngộ độc thực phẩm trong trường học?
Phải chăng chúng ta đang thiếu một cơ chế quản lý chất lượng bữa ăn học đường?
Trên thực tế quy trình giao nhận thực phẩm đối với các trường mầm non, tiểu học bán trú được thực hiện đảm bảo có: một kế toán, thủ kho, bếp trường, đại diện Ban giám hiệu, đại diện giáo viên, đại diện phụ huynh tham gia giám sát.
Trong số đó chỉ có đại diện phụ huynh là bên đứng về quyền lợi trực tiếp của trẻ nhỏ. Vì thế thực ra quy trình giám sát nguồn thực phẩm vẫn là một quy trình khép kín.
Do đó nếu từ hiệu trưởng, kế toán, bếp ăn “cùng một giuộc” thì rất khó kiểm soát chất lượng bữa ăn học đường.
Mực ngâm hóa chất, sau đó được đưa vào sau cánh cổng trường học (Ảnh: Vũ Ninh) |
Từ thực tiễn, những vụ phát hiện thực phẩm bẩn đưa vào trường học đều do phụ huynh phát hiện.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã từng có những bài viết vạch trần thủ đoạn ăn chia giữa các trường, công ty cung cấp thực phẩm…Từ đó tính toán ra được con số bị cắt xén trong mỗi bữa ăn phải lên đến 50%.
Dưới đây là lời tâm sự gần như bất lực của một kế toán, trực tiếp hàng ngày chứng kiến thực phẩm bẩn đi vào trường học.
Tấm lòng của một người mẹ cũng có con đi học, tấm lòng của một người tử tế hàng ngày chứng kiến những bữa ăn bị cắt xén nhưng không thể làm gì được.
Chị N.T.H, kế toán một trường tiểu học tại huyện Thường Tín (Hà Nội) bộc bạch:
“Nhiều khi nhìn suất ăn trong trường cho con trẻ mình không thể nào cầm lòng được.
Có hôm chỉ một cái đậu, một miếng trứng, có hôm thì có ít thịt. Trường không nấu mà nhập đồ hộp của công ty Việt Cường.
Công ty này thường mang đồ ăn đến trường vào lúc 10 giờ sáng. Nhiều hôm đồ ăn nguội tanh nguội ngắt. Mấy hôm trước còn quên cho thịt kho chỉ có một miếng đậu sốt cà chua.
Hôm có thịt bò bằm sốt cà chua thì thay bằng thịt lợn mà cái mùi thì nó khó ăn. Giáo viên lắm lúc phải lấy suất cơm của mình cho học sinh ăn.
Bữa phụ hôm thì có sữa, hôm 2 cái bánh gạo, hôm 1 cái bánh bông lan. Là người trong ngành chúng tôi hiểu hết vấn đề này nhưng không thể đấu tranh ra mặt được.
Có thể do mình hèn? Nhưng nhiều hôm nhìn các con ăn chỉ ứa nước mắt, ức chế mà không làm gì được”.
Bữa cơm học đường như thế này, các phụ huynh đoán xem nó đáng giá bao nhiêu? (Ảnh: Vũ Ninh) |
Những lời tâm sự của chị H. rất đáng để suy ngẫm vì nó là tiếng nói của người trong cuộc tận mắt từng ngày chứng kiến những đứa trẻ - mầm non đất nước đang phải ăn những suất ăn kém chất lượng, thiếu dinh dưỡng.
Chị H. hỏi: Đôi lúc tôi không biết đây có phải là một hành vi “đầu độc” giống nòi hay không? Thực phẩm kém chất lượng, bữa ăn thiếu dinh dưỡng thì con trẻ sao mà phát triển được?
Tại sao chỉ đến khi phụ huynh phát hiện ra mới biết được chất lượng bữa ăn học đường lại kém đến thế?
Chúng tôi cho rằng có mấy nguyên nhân sau:
Thứ nhất: Thị trường cung cấp thực phẩm vào trường học là một miếng mồi béo bở mà bất kỳ công ty, doanh nghiệp, thương nhân…nào cũng muốn nhúng tay vào.
Theo tiết lộ của một chủ doanh nghiệp cung cấp thực phẩm vào trường học lợi nhuận từ lĩnh vực này rất lớn nên họ sẽ bằng mọi cách thu lợi từ học sinh, phụ huynh.
Thứ hai: Cơ chế kiểm soát thực phẩm vào trường học hiện nay gần như là khép kín bao gồm đại diện nhà trường, công ty thực phẩm. Cho nên phụ huynh rất khó để biết con mình hôm nay ăn gì? Có chất lượng hay không?
Thứ ba: Để được cấp thực phẩm vào trường học phải trải qua nhiều cầu, cho nên các công ty buộc phải cắt xén khẩu phần ăn, chọn những loại thực phẩm kém chất lượng để có lãi.
Suất cơm của học sinh do chính giáo viên trong trường gửi ra (Ảnh:V.N) |
Theo thạc sĩ Đỗ Nghiêm Thanh Phương: “Khi những vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra, trường sẽ phải chịu trách nhiệm chính qua các khâu giám sát lỏng lẻo, quy trình tiếp nhận, sơ chế và chế biến thực phẩm chưa đảm bảo.
Phòng Giáo dục và Đào tạo trực tiếp quản lý sẽ có trách nhiệm chỉ đạo, kiểm soát và xử lý”.
Mặc dù lý thuyết là vậy nhưng trên thực tế quy trình móc nối từ Phòng Giáo dục cho đến nhà trường và các công ty thực phẩm rất tinh vi.
Những bóng ma núp trong các bếp ăn học đường vẫn ngày đêm bòn rút, bớt xén bữa ăn của học sinh làm giàu trên sức khỏe và tương lai giống nòi Việt Nam.
Với cơ chế hiện nay các trường đang không biết sợ?
Nếu cơ quan chức năng mở một cuộc tổng kiểm tra trên diện rộng đối với bữa ăn học đường sẽ có bao nhiêu trường đủ điều kiện cấp bếp ăn, bao nhiêu trường không đủ điều kiện.
Từ thực tiễn những vụ thực phẩm trường học bị phanh phui và xử lý không khiến các trường cảm thấy hoảng sợ.
Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về dinh dưỡng |
Hiện nay, việc quy định về bữa ăn học đường căn cứ theo Thông tư Liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT:
Cụ thể, theo điều 6. Bảo đảm các điều kiện về an toàn thực phẩm
1. Trường học có bếp ăn nội trú, bán trú
a) Bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất về an toàn vệ sinh thực phẩm theo khoản 1, khoản 2, khoản 3, mục VI và yêu cầu vệ sinh đối với hoạt động bảo quản, chế biến thực phẩm theo khoản 5 của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN 07:2010/BYT) phòng chống bệnh truyền nhiễm trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân ban hành kèm theo Thông tư số 46/2010/TT-BYT;
b) Bếp ăn, nhà ăn (khu vực ăn uống), căng tin trong trường học bảo đảm theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 30/2012/TT-BYT ngày 05 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố;
c) Đối với người làm việc tại nhà ăn, bếp ăn trong trường học phải đảm bảo các yêu cầu về sức khỏe theo quy định Thông tư số 15/2012/TT-BYT ngày 12 tháng 9 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Điều này cho thấy cả Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế đều rất quan tâm đến dinh dưỡng và chất lượng bữa ăn học đường.
Tuy nhiên khi đi sâu vào quá trình thực tế chúng tôi nhận thấy rằng: Hầu hết các công ty cung cấp thực phẩm đều có giấy tờ, hồ sơ rất chuẩn theo đúng các yêu cầu của Thông tư số 15/2012/TT-BYT.
Vậy thì tại sao thực phẩm vẫn bẩn và trẻ vẫn ngộ độc?
Một số công ty tiết lộ rằng có thể mua được những bộ hồ sơ kiểu như trên. Chẳng hạn, giám đốc N.V.X của công ty thực phẩm A.V tiết lộ một bộ hồ sơ như vậy có thể mua với mức giá khoảng 50 triệu đồng.
Vì vậy việc đánh giá chất lượng bữa ăn trường học thông qua hợp đồng cung cấp thực phẩm, hồ sơ năng lực của công ty là chưa đầy đủ, vẫn có kẽ hở cho những kẻ muốn lách luật.
Bên cạnh đó chế tài xử lý các công ty, trường học để xảy ra tình trạng học sinh ngộ độc và cung cấp thực phẩm kém chất lượng như thế nào? Trong Thông tư số 15/2012/TT-BYT cũng chưa quy định thật rõ ràng.
Việc kiểm soát bữa ăn học đường thông qua hồ sơ năng lực và hợp đồng mua bán vẫn có kẽ hở cho những kẻ lách luật (Ảnh:V.N) |
Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hưng cho biết: “Hiện tại, vẫn phải giám sát lẫn nhau bằng các hợp đồng, chứ liên tục kiểm tra mỗi ngày cũng khó, không đủ kinh phí để thực hiện các xét nghiệm kiểm tra mỗi ngày.
Còn việc đánh giá, kiểm nghiệm chất lượng thực phẩm bằng mắt thường là rất khó.
Việc đánh giá cảm quan tùy thuộc kinh nghiệm của mỗi người, bên cạnh đó, cảm nhận lúc đúng lúc sai, không thể đánh giá khi chưa có kiểm tra chính xác. Kinh nghiệm chỉ có thể tham khảo chứ chưa thể đem ra kết luận.
Trước hết, về nguyên tắc, đối với những bếp ăn tập thể như thế phải có nguồn cung cấp thực phẩm rõ ràng, giữa hai bên phải có hợp đồng cụ thể.
Từ đó, khi giao nhận thực phẩm hàng ngày, phải có những phiếu thông tin, chỉ số rõ ràng đúng quy định.
Và thỉnh thoảng vẫn phải có một lần kiểm tra đột xuất những vấn đề dư lượng trong thực phẩm có đảm bảo trong giới hạn an toàn hay không để kịp thời xử lý”.
Một tờ giấy chứng nhận như thế này? có phản ánh hết chất lượng của bữa ăn học đường được hay không? (Ảnh:V.N) |
Bằng những trải nghiệm thực tế, chúng tôi thấy rằng cần phải có một cơ chế kiểm soát nguồn thực phẩm rõ ràng hơn, khách quan hơn: Phải có sự thanh kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng với tần suất nhiều hơn; sự giám sát, phản biện của phụ huynh học sinh và từ chính học sinh cùng một chế tài xử phạt mang tính răn đe đối với các trường và các công ty thực phẩm.
Có như thế mới có thể trừng trị tình trạng nhờn luật, lách luật. Việc quản lý lỏng lẻo và để cho các trường tự túc tự tác như hiện nay rất nguy hiểm vì nó ảnh hưởng đến chất lượng sống và cả một thế hệ sau này.
Cuối cùng, xin được trích dẫn lời “khẩn cầu” của chị N.T.H: “Tôi chỉ mong các trường làm gì cũng phải có tâm một chút.
Có ít thì cho học sinh ăn ít, có nhiều ăn nhiều nhưng phải đủ, đúng và chất lượng.
Nhà trường hãy đặt địa vị vào phụ huynh như chúng tôi nếu cứ suốt ngày nơm nớp con bị ngộ độc, ăn phải thực phẩm ôi thiu. Có rất nhiều khoản có thể thu bù vào tại sao lỡ ăn cả miếng ăn của con trẻ”.