Sau sự việc nhà trường để quên học sinh trên ô tô đã dẫn đến tử vong của cháu Lê Hoàng L. ở trường quốc tế Gateway thì dư luận ngỡ ngàng về nhiều chuyện của một trường “quốc tế”.
Bởi, trường quốc tế Gateway không phải là trường “quốc tế” - đó là khẳng định của ông Phạm Ngọc Anh- Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Cầu Giấy.
Trường "quốc tế" Gateway là tự trường đặt tên để thu hút học sinh, để đánh vào tâm lý sính ngoại của một số phụ huynh. Vậy, cơ quan quản lý, thanh tra ở đâu mà để xảy ra tình trạng này?
Những khoảng trống đã bộc lộ sau sự cố học sinh tử vong, nếu không ai nói cho phụ huynh biết trường quốc tế Gateway không phải là trường “quốc tế” thì làm sao phụ huynh biết được?
Các nhà đầu tư tự thêm chữ "quốc tế" để thu hút học sinh (Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn) |
Dư luận ngỡ ngàng!
Khi trao đổi với báo chí, ông Phạm Ngọc Anh- Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy Phạm đã khẳng định là trên địa bàn quận không có trường nào là trường quốc tế. Tên "trường quốc tế Gateway" là cách mà trường tự đặt để thu hút thêm học sinh
Gateway tự gán mác trường “quốc tế” cho tất cả các tên giao dịch của mình. Danh xưng trường quốc tế giúp Gateway tạo được hình ảnh như một ngôi trường đào tạo với tiêu chuẩn chất lượng cao, uy tín.
Được biết, hệ thống trường phổ thông liên cấp quốc tế Gateway có 3 cơ sở là Gateway Cầu Giấy, Gateway Tây Hồ và Gateway Hải Phòng. Hệ thống trường này, thuộc quản lý của tập đoàn Edufit - một tập đoàn giáo dục tại Việt Nam.
Như vậy, hệ thống trường không chỉ một cơ sở mà có tới 3 cơ sở với quy mô trường lớp rất lớn. Có tới 2 cơ sở tại thủ đô Hà Nội và 1 cơ sở ở thành phố Hải Phòng.
Vậy, tại sao cơ quan quản lý biết đó không phải là trường “quốc tế” nhưng không có sự nhắc nhở, yêu cầu thay đổi “nhãn mác” mà để nó mặc nhiên tồn tại, tuyển sinh để đến khi sự cố xảy ra thì vị Trưởng phòng Giáo dục quận mới nói lên sự thật của tên trường?
Liệu trên cả nước liệu sẽ còn bao nhiêu những trường “quốc tế” như thế này nữa?
Chính cách đặt tên lập lờ tên trường như trường "quốc tế" Gateway để thu hút học sinh và thu mức học phí cấp tiểu học lên đến 117,7 triệu đồng/ năm như vậy sao các cơ quan chức năng lại không “tuýt còi” cho phụ huynh biết?
Dù chưa yên tâm sao phụ huynh vẫn gửi con cho trường “quốc tế”?
Sau sự việc tử vong của một em học sinh xảy ra thì nhiều phụ huynh trường quốc tế Gateway tỏ ra lo lắng và chưa thực sự yên tâm với cách đưa đón học sinh của nhà trường.
Chính vì thế, khi trao đổi với phóng viên Báo Công lý, ông Trương Tất Thành - Hội trưởng phụ huynh lớp 1 Tokyo cho rằng:
“Hiện nay việc thông tin giữa nhà trường và phụ huynh đang không thông suốt. Nhà trường có một nguyên tắc là không cho số điện thoại của giáo viên. Như vậy là giáo viên không có liên hệ nào với phụ huynh cả.
Ngay chính mình là Hội trưởng hội phụ huynh học sinh mà mình còn không biết số điện thoại của cô chủ nhiệm luôn. Ngược lại cũng vậy, cô chủ nhiệm cũng không hề có bất kỳ số điện thoại nào của phụ huynh học sinh”.
Về trách nhiệm là Hội trưởng phụ huynh của lớp, ông Thành cho rằng: "Sẽ đưa ra quan điểm cá nhân, ý kiến tập thể, đóng góp với nhà trường để nhà trường rút kinh nghiệm thôi chứ như thế này không ai dám đưa con vào đây học nữa.
Một trường quốc tế như này nó phải chuyên nghiệp chứ, như này chưa chuyên nghiệp đâu".
Từ những chia sẻ của Hội trưởng hội phụ huynh lớp 1 cho chúng ta thấy rằng phụ huynh cũng đã nhìn rõ thấy những bất cập, hạn chế trong việc quản lý của nhà trường. Bởi, khi mà giáo viên chủ nhiệm lớp và phụ huynh không biết số điện thoại của nhau ở thời điểm này giữa đất thủ đô thì thực sự là điều…bất ngờ.
Thông tin 2 chiều giữa giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh không có, không trao đổi được thì trường “quốc tế” liệu đã hơn gì những trường công lập ở vùng sâu, vùng xa hiện nay?
|
Chính vì không có sự ràng buộc như vậy nên khi học sinh vắng mặt trong lớp thì giáo viên chủ nhiệm đã không thể liên lạc được với phụ huynh và cái chết tức tưởi của em học sinh 6 tuổi vừa qua của nhà trường cũng là điều dễ hiểu.
Vậy, tại sao phụ huynh biết được như vậy mà vẫn “gửi trứng cho ác”?
Phải chăng tâm lý sính ngoại đã ăn sâu vào tư tưởng của một bộ phận phụ huynh hiện nay? Ai cũng muốn con trưởng thành, cũng muốn con bằng bạn bằng bè mà bỏ qua khâu ràng buộc cần thiết nhất trong việc quản lý học sinh.
Trong khi, học phí cấp tiểu học của trường quốc tế Gateway là rất cao. Theo chia sẻ của phụ trong trường thì giá chưa khuyến mãi là 180 triệu đồng/năm, còn khuyến mãi rồi là 167 triệu đồng/năm bao gồm việc đưa đón.
Số tiền này đủ để đóng học phí cho gần 700 học sinh trường trung học cơ sở công lập ở nông thôn (270 000 đồng/ học sinh/ năm).
Với số tiền đầu tư lớn như vậy mà cảm thấy con chưa được an toàn, chưa thấy sự “chuyên nghiệp” của nhà trường thì học trường “quốc tế” như vậy để làm gì?
Từ sự cố học sinh bị tử vong cho chúng ta thấy còn rất nhiều bất cập ở trường quốc tế Gateway và cả sự lỏng lẻo trong việc cấp phép và thanh, kiểm tra của các cơ quan chức năng sở tại.
Chính vì sự lỏng lẻo đó đã mặc nhiên cho những ngôi trường “treo đầu dê bán thịt chó” tồn tại ngay giữa đất thủ đô.
Ngày nay, khi mà kinh tế phát triển, điều kiện nhiều gia đình được nâng lên, nhu cầu và mong muốn chính đáng của phụ huynh là con mình được giáo dục, đào tạo ở những ngôi trường tốt nhất cũng hoàn toàn phù hợp.
Song, có lẽ phụ huynh cũng cần tìm hiểu kỹ ngôi trường mà con mình sẽ học nó tốt như thế nào? Đừng vì ngôi trường có những "nhãn mác đẹp" dù biết rằng nó chưa tạo được sự yên tâm nhưng vẫn gửi con vào học.
Tài liệu tham khảo:
//congly.vn/xa-hoi/doi-song/phu-huynh-lo-lang-tu-dua-con-den-truong-sau-vu-hoc-sinh-truong-gateway-tu-vong-308470.html