Vì sao không thể kiểm soát nổi chất lượng bữa ăn trường học?
Nếu phụ huynh tin rằng việc mình đóng bao nhiêu tiền cho một suất ăn của con thì con sẽ được ăn suất ăn có giá trị tương đương số tiền đó tức là phụ huynh vẫn chưa hiểu về con đường thực phẩm đi từ chợ đến bàn ăn học sinh.
Tại sao, báo chí đã từng phản ánh rất nhiều về chất lượng bữa ăn học đường: kém dinh dưỡng, bị ăn bớt, ăn xén…thậm chí đã từng có cả một chiến dịch nói không, bài trừ thực phẩm bẩn? Nhưng tình trạng này vẫn không được cải thiện.
Liên minh ma quỷ trong bếp ăn các trường học (1) |
Trong quá trình xâm nhập vào một công ty cung cấp thực phẩm cho các trường học chúng tôi nhận thấy rằng:
Có cả một đường dây cung cấp thực phẩm trường học với nhiều cầu trung gian.
Qua mỗi cầu, công ty thực phẩm lại phải chiết khấu một ít. Do vậy thực phẩm đến bàn ăn của trẻ đôi khi chỉ bằng một nửa giá trị so với số tiền phụ huynh đóng góp.
Thị trường cung cấp thực phẩm, sữa, hoa quả, đồ dùng học tập….vào trong các trường học là một thị trường vô cùng màu mỡ.
Lý do bởi các trường học luôn có một lượng khách hàng ổn định (học sinh) còn phụ huynh thì không tiếc tiền cho con ăn uống tại trường.
Do vậy các thương lái, công ty thực phẩm bằng mọi cách có thể chen chân vào thị trường này. Theo tiết lộ của một thương lái tại chợ Long Biên: Chỉ cần cái gật đầu của hiệu trưởng là ngay lập tức có lãi.
Thực phẩm muốn đưa vào trường học có 2 con đường:
Một là, các thương lái, công ty mua giấy phép sau đó trực tiếp lấy thực phẩm cung cấp thẳng cho các trường.
Hai là, các thương lái mua giấy phép của các công ty được quyền cung cấp thực phẩm sau đó làm việc với trường để đưa rau củ, thịt cá vào trong các trường. Như vậy các công ty chỉ là đơn vị trung gian bán giấy phép.
Chỉ cần bỏ ra khoảng 50 triệu đồng là có thể mua hồ sơ năng lực rất dễ dàng (Ảnh:V.N) |
Muốn được cái gật đầu của hiệu trưởng, sự đồng ý của nhà trường cũng có 2 con đường:
Một là, Phòng Giáo dục chỉ đạo cho các trường phải lấy thực phẩm của công ty thực phẩm đã được chỉ định.
Hai là, Các công ty mang hồ sơ năng lực mời chào các trường. Sau khi nhận được sự đồng ý của các hiệu trưởng sẽ cung cấp thực phẩm cho trường học.
Như vậy, bằng cách này hay cách khác, để có thể đưa thực phẩm vào trường học, các công ty phải bỏ thầu với mức giá thấp và “đi đêm” với phòng Giáo dục hoặc Hiệu trưởng.
Lấy ví dụ tại công ty thực phẩm A.V mà phóng viên xâm nhập. Theo người chủ công ty: Để có thể đưa thực phẩm vào trong các trường tại một Quận (Hà Nội), công ty phải bỏ ra số tiến 1.1 tỷ đồng lo lót cho Phòng Giáo dục và bồi dưỡng mỗi hiệu trưởng từ 8-10% giá trị của đơn hàng.
Sau khi các công ty thực phẩm đã đặt được một chân vào trong các trường. Những công ty này còn phải chiết khấu thêm cho bộ phận kế toán, giáo viên, nhà bếp.
Chỉ tính riêng 3 cầu này (Phòng giáo dục, hiệu trưởng, nhà bếp) các công ty đã mất khoảng 30-40%. Thêm vào đó là chi phí vận chuyển, thuê nhân công, tiền xe cộ, bến bãi, tiền lãi khoảng 10-30%.
Khi cộng tất cả chi phí này lại phụ huynh có thể thấy khấu hao đi 50% chi phí cho một bữa ăn.
Như vậy thực chất giá trị thực của mỗi bữa ăn chỉ bằng một nửa so với số tiền đáng lẽ ra các con được hưởng.
Điều này rất hợp lý nếu phụ huynh căn cứ thực tế giá trị bữa ăn các con đang thụ hưởng.
Chẳng hạn một suất ăn có giá trị 25.000 đồng nhưng thực tế nếu nhìn vào thực đơn và các món ăn thì chỉ tính khoảng 12.000 đồng – 20.000 đồng. Số tiền 5000 – 13.000 đồng trên được tính vào chi phí lo lót mà chúng tôi đã phân tích ở trên.
Các loại giấy chứng nhận cũng có thể mua được cho nên thực phẩm sạch, bẩn lẫn lộn (Ảnh:V.N) |
Do vậy mỗi khi phát hiện các trường hợp ăn bớt, ăn xén hoặc thực phẩm trường học mất an toàn vệ sinh, dư luận xã hội thường có xu hướng đổ lỗi cho nhà bếp và các công ty thực phẩm.
Điều này đúng như chưa đủ. Bởi nhà trường có điên đâu mà không biết suất ăn các con bị cắt xén?
Chính các trường là những người đồng ý cho các công ty thực phẩm và nhà bếp tổ chức nấu ăn. Và cũng chính hiệu trưởng là người ngửa tay cầm những đồng hoa hồng?
Cho nên để nói: Ngăn chặn tình trạng ăn bớt xén, thực phẩm kém chất lượng vào trong trường học vô cùng khó. Bởi, nó có sự tiếp tay, thông đồng từ trên xuống dưới: Từ cơ quan quản lý, trường học, công ty thực phẩm, nhà bếp, hiệu trưởng, kế toán.
Đây là một dây chuyền, một liên minh ma quỷ chui rúc trong bếp ăn các trường học, làm giàu trên sức khỏe, tương lai của con trẻ.
Xử lý hiệu quả là phải xử lý cả một liên minh ma quỷ từ người cho phép các công ty thực phẩm vào trường học; thương lái, công ty cung cấp thực phẩm, hiệu trưởng, bếp trưởng.
Nhưng xử lý thế nào khi cấp trên bao che cấp dưới, cấp dưới móc ngoặc với các công ty bên ngoài.
Vì thế chỉ sau một thời gian là các vụ việc đi vào ngõ cụt, cuối cùng hòa cả làng, ai về nhà đấy. Thiệt thòi chỉ có phụ huynh và con em chúng ta.
Xã hội cần phải lên án, phụ huynh cần phải lên tiếng
Những người trong cuộc hiểu được bản chất câu chuyện này thường chủ động không cho con cái ăn cơm bán trú tại trường học. Tất nhiên tùy từng trường, tùy cách nghĩ và lương tâm của hiệu trưởng các con sẽ được ăn ngon hay kham khổ.
Chuyện hoa hồng đương nhiên có chỉ là có ít hay có nhiều. Mới đây, phụ huynh phản ánh: Phải đóng 160.000 đồng cho một suất ăn tại một trường quốc tế.
Tiết lộ choáng váng của một đầu mối cung cấp thực phẩm trong trường học |
Nhưng nhìn hình ảnh phụ huynh chụp lại thì suất ăn này chỉ đáng giá từ 10.000 đồng -20.000 đồng.
Số tiền chênh lệch còn lại không vào túi liên minh ma quỷ kia thì vào túi ai?
Điểm lại những vụ bê bối thực phẩm trường học hầu hết đều do phụ huynh phản ánh.
Nếu như không có phụ huynh phản ánh thì con cái chúng ta sẽ phải ăn những bữa ăn bị bớt xén kèm theo nỗi lo thực phẩm bẩn.
Trong khi đó việc đợi chờ các trường kiểm soát chặt chẽ vấn đề bữa ăn còn rất nhiêu khê vì vấn đề lợi ích chằng chịt.
Phụ huynh hơn ai hết là người cần sát sao, bảo vệ sức khỏe của con mình. Cần phải thay đổi tư duy ban phát thành tư duy dịch vụ.
Rõ ràng phụ huynh cơm đóng gạo góp để con cái được ăn uống tại trường chứ đâu có đi xin nhà bếp, đâu có xin các trường mà để họ thích cho con ăn gì thì cho.
Bữa ăn này được các trường thu 25.000 đồng (Ảnh:V.N) |
Xin kết lại bài viết bằng lời “thú nhận” của một thương lái để quý phụ huynh hiểu rõ hơn về thị phần bữa ăn học đường bán trú hiện nay:
“Các trường họ chẳng quan tâm mình đưa gì vào trường đâu họ chỉ cần có phần trăm chiết khấu và quà cáp các dịp. Tôi bỏ nghề này vì thấy nó thất đức quá.
Làm cái này giàu thì có giàu nhưng ăn trên mồ hôi công sức phụ huynh, ăn trên sức khỏe của học sinh.
Có thời điểm trường nhập về cả tấn mực thối cho các cháu ăn. Bảo sao quả trứng ngoài chợ 2000 đồng, vào trường 4000 đồng”.
Không thể phủ nhận, những hành vi như thế này chẳng khác nào đầu độc thế hệ tương lai của đất nước. Phải xử lý nghiêm minh cả một đường dây như thế để làm gương, để răn đe các trường.
Việc kêu gọi lương tâm của nhà trường, của hiệu trưởng có khó hay không?