Nhiều hoạt động văn hóa chào mừng ngày giải phóng Thủ đô

10/10/2016 11:41
Theo TTXVN
(GDVN) - Kỷ niệm ngày giải phóng Thủ đô 10/10 vẫn luôn là cơ hội “nô nức” các hoạt động văn hóa, nghệ thuật chào mừng được tổ chức để phục vụ nhu cầu hưởng thụ.

Rộn ràng lời ca, tiếng hát

Cũng như mọi năm, năm nay các hoạt động được trải rộng khắp trên địa bàn Thủ đô, tại vườn hoa Lý Thái Tổ, trước cửa Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, Quảng trường Cách mạng tháng Tám, Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, thị xã Sơn Tây và một số địa điểm khác trên địa bàn thành phố... đặc biệt trong hai ngày 9 và 10/10.

Nhiều hoạt động văn hóa chào mừng ngày giải phóng Thủ đô ảnh 1

Hội sách Hà Nội 2016 thu hút đông đảo người đọc.

Diễn ra từ ngày 5/10 và kéo dài tới hết ngày 10/10, Lễ hội “Âm nhạc mùa thu Hà Nội” tại Khu Di tích Hoàng thành Thăng Long, đã mang tới khán giả yêu nhạc Thủ đô những ca khúc hay về Hà Nội, về tình yêu tuổi trẻ của Việt Nam và Quốc tế. 

Đúng tối 10/10, sẽ có hai sân khấu biểu diễn lớn được dàn dựng với nhiều tiết mục biểu diễn ngợi ca đất nước: Tại khu vực cầu Thê Húc - Đền Ngọc Sơn sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật “Hương sắc Tháng 10” của Nhà hát Chèo biểu diễn. Còn tại sân khấu trước cửa Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình sẽ là chương trình biểu diễn hoành tráng của Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long. 

Bên cạnh đó, tại khu vực Nhà bát giác, Trung tâm văn hóa Kim Đồng sẽ phối hợp với Nhà hát chèo Hà Nội tổ chức một chương trình nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc, cũng vào tối 10/10.

Trước thời điểm ngày 10/10, Thủ đô cũng đã rộn ràng mỗi tối với hàng loạt các chương trình văn hóa, nghệ thuật.

Thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội, chương trình kỷ niệm 62 năm ngày Giải phóng Thủ đô diễn ra trong 3 ngày (từ 8 - 10/10) với tổng số 20 buổi biểu diễn ở các quận, huyện (trong đó những đơn vị trực thuộc sở diễn 11 buổi).

Cụ thể, tại quận Ba Đình sẽ là chương trình biểu diễn của Câu lạc bộ Màu thời gian, quận Nam Từ Liêm là chương trình biểu diễn của Nhà hát, nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội, huyện Hoài Đức là chương trình với chủ đề Quan họ Bắc Ninh…

Nhà hát Kịch Hà Nội cũng đã mang chùm hài kịch và những trích đoạn nổi tiếng biểu diễn tại sân khấu của trung tâm huyện Chương Mỹ (tối 8/10), sau đó biểu diễn tại huyện Quốc Oai và Thường Tín vào tối 9/10. 

Còn Nhà hát Cải lương Hà Nội mang những trích đoạn tân cổ, chùm hài kịch ngắn biểu diễn tại huyện Đông Anh (8/10), huyện Thanh Trì, Mê Linh (9/10).

Nhà hát Chèo Hà Nội cử những đoàn biểu diễn phục vụ nhân dân ở huyện Ứng Hòa (8/10), huyện Sóc Sơn (9/10).

Bên cạnh đó, rất nhiều đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp và các tỉnh bạn cũng tham gia biểu diễn phục vụ nhân dân Hà Nội như Câu lạc bộ Quan họ Bắc Ninh, Đoàn Cải lương Thái Bình, đoàn Cải lương Nam Định…

Tôn vinh văn hóa đọc

Cũng nhân dịp này, tại Hà Nội đã diễn ra nhiều hoạt động tôn vinh văn hóa đọc.

Thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng là “Hội sách Hà Nội 2016”, diễn ra từ ngày 6 - 11/10, tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, với sự góp mặt của 170 gian hàng, đến từ 46 nhà xuất bản, công ty sách trong nước và 20 thương hiệu xuất bản nước ngoài.

Các thể loại sách được giới thiệu trong hội sách rất phong phú, đa dạng như sách thiếu nhi, văn học, văn hóa xã hội sách kinh tế, khoa học kỹ thuật, ngoại văn, điện tử và thiết bị số...

Tại Hội sách Hà Nội năm nay diễn ra nhiều cuộc giao lưu với các tác giả, dịch giả, chuyên gia:

Giao lưu “Chuyện tình yêu ai cũng có đôi điều muốn nói” giữa anh Chánh Văn - Đoàn Công Lê Huy, họa sĩ Thùy Cốm, nhà văn Trang Hạ với các bạn trẻ; giao lưu với nhà văn Nguyễn Đình Tú mang tên “Nguyễn Đình Tú - Một góc nhìn khác”, xung quanh ba tác phẩm viết cho thiếu nhi của anh là “Ba nàng lính ngự lâm”, “Chú bé đeo ba lô màu đỏ”, “Thế gian màu gì?”; trò chuyện “Thanh niên Việt nên làm gì?” với Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, tác giả Đinh Trần Tuấn Linh và Tiến sĩ Nguyễn Đức Hưng, ...

Trong khuôn khổ hội sách, Ban tổ chức tổ chức chiếu phim tài liệu giới thiệu di sản của Hà Nội; phát động ủng hộ sách cho các trường học, điểm bưu điện văn hóa ở các xã miền núi và nhân dân, chiến sĩ huyện đảo Trường Sa, Lý Sơn. 

Và đặc biệt, tại hội sách, sáng 9/10, đã diễn ra Lễ trao giải cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc Thủ đô 2016”; là cuộc thi được tổ chức nhằm góp phần xây dựng, giáo dục và nuôi dưỡng tình yêu sách cho các em thiếu nhi Thủ đô trong thời đại hội nhập và phát triển. 

Nhiều hoạt động văn hóa chào mừng ngày giải phóng Thủ đô ảnh 2

Nguyên do để Điện Biên Phủ được cả ta và Pháp chọn làm điểm quyết chiến

Diễn ra từ 1/6 đến 15/9/2016, sau hơn 3 tháng phát động,cuộc thi đã thu hút hơn 10.000 học sinh Tiểu học, Trung học Cơ sở tại Hà Nội tham dự với hơn 1.000 bài dự thi bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt.

Ban tổ chức đã chấm và lựa chọn được 20 Đại sứ Văn hóa đọc Thủ đô phần tiếng Việt cùng 5 Đại sứ Văn hóa đọc Thủ đô phần tiếng Anh.

Những bài thi được chọn vào vòng chung khảo đều thể hiện sự xuất sắc trong ý tưởng, cách chọn sách, nội dung, kỹ thuật viết và khả năng sáng tạo như bài dự thi của em Lê Hà Thanh (huyện Phú Xuyên), em Nguyễn Vân Thùy Linh (quận Hoàn Kiếm), em Nguyễn Cảnh Thắng (quận Bắc Từ Liêm)... 

Đặc biệt, hai thí sinh có bài viết xuất sắc nhất và thể hiện tốt nhất trong vòng phỏng vấn trực tiếp với Ban giám khảo đã được lựa chọn làm Đại sứ Văn hóa đọc tiêu biểu của Thủ đô.

Theo đó, danh hiệu Đại sứ Văn hóa đọc tiêu biểu Thủ đô phần tiếng Việt thuộc về em Nguyễn Vân Thùy Linh (sinh năm 2002, quận Hoàn Kiếm) với bài dự thi về cuốn tiểu thuyết lịch sử “Hồ Quý Ly” của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh và danh hiệu Đại sứ Văn hóa đọc tiêu biểu Thủ đô phần tiếng Anh thuộc về em Cao Mỹ Duyên (trường Tiểu học Lý Thái Tổ, quận Cầu Giấy) với bài dự thi về cuốn sách “Những tấm lòng cao cả” của nhà văn Edmondo De Amicis. 

Theo TTXVN