Ngày 12/9, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả công tác 8 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 4 tháng cuối năm 2019.
Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam - bà Nguyễn Thị Minh chủ trì hội nghị.
Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh chủ trì và phát biểu tại hội nghị. |
Tham dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương có: Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Văn Trường; các Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Phạm Lương Sơn, Trần Đình Liệu, Đào Việt Ánh, Lê Hùng Sơn; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Tại điểm cầu địa phương có: Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội 63 tỉnh thành phố và đại diện các phòng nghiệp vụ.
Bảo hiểm xã hội hoàn thành nhiều chỉ tiêu nhiệm vụ
Tại Hội nghị, Chánh Văn phòng Bảo hiểm xã hội Việt Nam Chu Mạnh Sinh báo cáo kết quả công tác của Ngành trong 8 tháng đầu năm.
Theo đó, toàn quốc, số người tham gia Bảo hiểm xã hội khoảng 15,08 triệu người (Bảo hiểm xã hội bắt buộc 14,65 triệu người; Bảo hiểm xã hội tự nguyện 437 nghìn người); Bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp 14,53 triệu người, Bảo hiểm thất nghiệp 12,88 triệu người; Bảo hiểm y tế 85,14 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 89,7% dân số.
Toàn Ngành thu Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp 228.998 tỷ đồng, đạt 63,6% so với kế hoạch năm 2019.
Tổng số nợ phải tính lãi (từ 1 tháng trở lên) của Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố khoảng 7.043 tỷ đồng, bằng 1,85% so với kế hoạch thu giao năm 2019.
Toàn Ngành đã giải quyết 75.587 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp Bảo hiểm xã hội hàng tháng; giải quyết 569.860 người hưởng trợ cấp 1 lần; 6.864.531 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; phối hợp với ngành Lao động-Thương binh và Xã hội giải quyết 544.062 người hưởng các chế độ Bảo hiểm thất nghiệp; thanh toán chi phí khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế cho 119.444 triệu lượt người khám chữa bệnh nội trú và ngoại trú.
Toàn quốc cấp 14,9 triệu sổ Bảo hiểm xã hội, đạt tỷ lệ 99,4% trên tổng số người tham gia Bảo hiểm xã hội; cấp 85,14 triệu thẻ Bảo hiểm y tế.
Số sổ Bảo hiểm xã hội đã thực hiện rà soát, bàn giao là 13.475.392 sổ, đạt 99,39% trên tổng số lao động đang tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Số chi Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp là 207.014 tỷ đồng, đạt 62,3% kế hoạch năm. Cơ quan Bảo hiểm xã hội và Bưu điện đang phối hợp thực hiện chi trả cho khoảng 3,1 triệu người hưởng lương hưu và trợ cấp Bảo hiểm xã hội hằng tháng;
Trong đó, chi bằng tiền mặt cho khoảng 2,6 triệu người, chi qua tài khoản ngân hàng cá nhân khoảng 558 nghìn người.
Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam - ông Trần Đình Liệu đánh giá: Những kết quả 8 tháng đầu năm cơ bản hoàn thành những chỉ tiêu nhiệm vụ mà Ngành đã đặt ra. Đặc biệt, công tác phát triển người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt kết quả vượt bậc. 8 tháng năm 2019, số người tăng mới gần bằng cả 10 năm thực hiện chính sách này.
Về bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong tháng 8/2019 tăng hơn 102 nghìn người, khởi sắc so với những tháng trước. Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin tiếp tục mạng lại hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ, phục vụ người tham gia… cho thấy sự cố gắng, nỗ lực của toàn Ngành trong điều kiện sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế.
Tổng giám đốc Nguyễn Thị Minh yêu cầu toàn ngành cần tập trung cao độ cho các nhiệm vụ khác để hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu nhiệm vụ, kế hoạch đã đặt ra. |
4 nhiệm vụ trọng tâm triển khai
Tại hội nghị, Bảo hiểm xã hội một số tỉnh, thành phố đã báo cáo kết quả hoạt động; đồng thời nêu những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải trong thực hiện nhiệm vụ.
Giám đốc Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh - ông Phan Văn Mến cho biết, so với bình quân chung cả nước, nhiều chỉ tiêu nhiệm vụ của đơn vị đang thấp hơn như: tỷ lệ người tham gia Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội bắt buộc, Bảo hiểm xã hội tự nguyện; tình hình sử dụng quỹ khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế cao hơn dự toán…
Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, Bảo hiểm xã hội thành phố đã và đang triển khai nhiều giải pháp, quyết tâm phấn đấu trong 4 tháng cuối năm, mỗi tháng phát triển được ít nhất 30.000 người tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc, 15.000 người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện và hoàn thành tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế trong tháng 10/2019 (tăng thêm 2% dân số).
Trong quản lý quỹ khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội thành phố đặt ra 4 mục tiêu: đảm bảo quyền lợi người bệnh; quản lý tốt nguồn quỹ; kiểm soát chi phí thuốc, cận lâm sàng và kiểm soát tiền giường bệnh.
Ông Nguyễn Đức Hòa - Giám đốc Bảo hiểm xã hội Thành phố Hà Nội cũng thông tin, tính đến hết tháng 8/2019, thành phố đã hoàn thành tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội bắt buộc đạt 96% kế hoạch. Trong phát triển Bảo hiểm xã hội tự nguyện, thành phố đã tổ chức 542 hội nghị tuyên truyền mang lại kết quả tích cực và đặt mục tiêu hết năm 2019, mỗi xã có ít nhất 25 người tham gia loại hình bảo hiểm này.
Tuy nhiên, hiện nay, tình hình nợ đọng, trốn đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn thành phố vẫn cao. Bảo hiểm xã hội thành phố đang tập trung đẩy mạnh thanh tra chuyên ngành, đột xuất và phối hợp xử lý hình sự các đơn vị có số nợ lớn, kéo dài…
Ghi nhận, đánh giá cao những kết quả, nỗ lực của Bảo hiểm xã hội các địa phương thời gian qua, tuy nhiên Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh nhận định vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại trong triển khai, thực hiện nhiệm vụ của Ngành cần được đặc biệt quan tâm đẩy mạnh trong 4 tháng cuối năm.
Trong đó, có 4 nhiệm vụ trọng tâm, gồm: phát triển người tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc; giảm nợ đọng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp; quản lý quỹ khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế và rà soát, cập nhật dữ liệu hộ gia đình.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh chỉ đạo: Trong phát triển người tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc, Bảo hiểm xã hội các địa phương cần bám sát vào dữ liệu chia sẻ từ ngành Thuế để tiếp cận, tuyên truyền, vận động; mục tiêu là phải hoàn thành và vượt mức chỉ tiêu này.
Trong giảm nợ đọng, Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố phải tăng cường công tác thanh tra đột xuất, thanh tra chuyên ngành và phối hợp xử lý hình sự các đơn vị vi phạm; cán bộ chuyên quản thu phải bám sát cơ sở, thường xuyên thông tin về tình hình nợ đọng cho doanh nghiệp để đôn đốc, nhắc nhở.
Điểm cầu bảo hiểm xã hội tỉnh An Giang. |
Về quản lý quỹ khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế, Hệ thống Thông tin giám định Bảo hiểm y tế của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thống kê chi tiết tình hình sử dụng quỹ của từng cơ sở y tế theo tháng, theo quý, Bảo hiểm xã hội các tỉnh cần theo sát nguồn dữ liệu này để thông báo, tổ chức giám định chuyên đề, thanh tra, kiểm tra khi phát hiện những dấu hiệu bất thường.
Đồng thời cũng cần kết hợp giữa giám định điện tử và giám định tại chỗ để kiểm soát tốt nguồn dữ liệu thực tế và dữ liệu được đưa lên hệ thống. Với công tác rà soát, cập nhật dữ liệu hộ gia đình, các địa phương phải đẩy nhanh tiến độ, tăng cường phối hợp với ngành Bưu điện để hoàn thành, đảm chất lượng thông tin trước ngày 01/10/2019.
Ngoài 4 nhiệm vụ trọng tâm trên, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh cũng yêu cầu, toàn ngành cần tập trung cao độ cho các nhiệm vụ khác để hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu nhiệm vụ, kế hoạch đã đặt ra như: Công tác giải quyết chế độ, tuyên truyền, công nghệ thông tin, đào tạo…
“Để làm được điều đó, ngoài các giải pháp chuyên môn, kỹ thuật thì các đơn vị, địa phương cần phát huy tinh thần trách nhiệm của từng cán bộ, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu gắn với công tác thi đua khen thưởng để kịp thời động viên, khích lệ công chức, viên chức, người lao động hoàn thành nhiệm vụ được giao”, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh nói.