Phản ánh đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, một phụ huynh có con đang học lớp 4 Trường Tiểu học Kim Đồng (quận Ba Đình, thành phố Hà Nội) bức xúc trước việc nhiều năm nay đóng tiền quỹ phụ huynh lớp rất lớn so với thu nhập của nhiều gia đình.
Việc họp phụ huynh lớp một năm chia làm hai lần vào đầu năm học và giữa năm học khi kết thúc học kỳ 1. Nội dung chủ yếu bàn về việc đóng quỹ lớp, quỹ trường, mua sắm. Kết thúc buổi họp là chia bình quân mỗi phụ huynh đóng bao nhiêu tiền.
Nói về khoản quỹ lớp, phụ huynh này bức xúc cho biết: “Riêng năm học này tôi đã phải đóng 3,4 triệu đồng tiền quỹ lớp cho con đang học khối 4. Một năm quỹ lớp chia làm 2 lần đóng góp vào đầu năm học và đầu học kỳ 2.
Kỳ 1 mỗi phụ huynh chỉ đóng riêng tiền tiền quỹ lớp đã 1,7 triệu đồng cộng với quỹ trường 200.000 đồng/năm.
Vừa bước sang học kỳ 2, ban phụ huynh lớp thông báo yêu cầu phụ huynh đóng quỹ lớp học kỳ 2, số tiền không vẫn như kỳ 1 là 1,7 triệu đồng.
Hình thức đóng qua chuyển khoản vào một số tài khoản của một người trong ban phụ huynh lớp làm thủ quỹ”.
Phụ huynh Trường Tiểu học Kim Đồng (quận Ba Đình) cho biết, nhiều năm nay phải đóng góp khoản quỹ lớp, quỹ trường lên đến vài triệu đồng/học sinh mà không biết họ chi tiêu vào việc gì. Ảnh: Vũ Phương. |
Phụ huynh này cũng thông tin, không phải riêng năm học này (2019-2020) đóng quỹ lớp cao như vậy mà nhiều năm trước cũng đóng góp như vậy.
“Thật khó hiểu, tôi cũng thắc mắc khoản tiền kỳ 1 mỗi phụ huynh đóng 1,7 triệu đồng mà hơn 50 học sinh, tính ra số tiền không hề nhỏ khoảng 90 triệu đồng. Trong một kỳ có mấy tháng học mà chi tiêu gì hết số tiền lớn như vậy?.
Tôi có thắc mắc, ban phụ huynh nói các khoản chi tiêu cho lớp, phụ huynh có thể gặp riêng để đọc, còn không in ra giấy hay đưa lên nhóm của lớp được vì lý do tế nhị”, phụ huynh này nói.
Để con mình được yên thân, phụ huynh này chọn cách im lặng và ngậm ngùi đóng tiền, nhưng vẫn băn khoăn về những khoản thu chi nếu thực sự vì các con thì cớ gì không thể công khai.
“Nội dung buổi họp phụ huynh chỉ xoay quan nội dung đóng tiền. Kết thúc buổi họp phụ huynh là yêu cầu phụ huynh đóng tiền mặt hoặc chuyển khoản. Ban phụ huynh lớp độc diễn còn phụ huynh ngồi dưới im lặng và làm theo”, một phụ huynh Trường Tiểu học Kim Đồng nói. |
Không riêng phụ huynh khối 4, phụ huynh khối 1 Trường Tiểu học Kim Đồng cũng kêu trời vì vào đầu năm học đóng tiền quỹ lớp, quỹ trường, mua sắm trang thiết bị cho các con cũng rất lớn.
Phụ huynh có con đang học lớp 1 Trường Tiểu học Kim Đồng thông tin, học kỳ 1 mỗi phụ huynh đóng quỹ lớp đóng 1,6 triệu đồng. Sang học kỳ 2 phụ huynh tiếp tục đóng tổng cộng 2 triệu đồng gồm tiền quỹ lớp, quỹ trường, tiền dụng cụ học tập và khoản phụ thu.
“Tôi có thắc mắc về những khoản chi tiêu cụ thể gồm những khoản gì ban phụ huynh có thể in ra giấy hoặc đưa lên nhóm chung của lớp để tất cả phụ huynh nắm được.
Tuy nhiên, đại diện ban phụ huynh của lớp lấy lý do mạng xã hội phức tạp sợ phụ huynh đưa lên mạng xã hội ảnh hưởng đến lớp, đến nhà trường.
Họ nói, phụ huynh nào muốn biết chi tiết ban phụ huynh chi tiêu những khoản nào có thể đến gặp riêng ban phụ huynh để xem.
Vào cuối học kỳ ban phụ huynh lớp sẽ đọc công khai những khoản thu chi để phụ huynh nắm được chứ không in ra giấy hay đưa lên nhóm, cả trường chứ không riêng gì lớp mình. Các lớp khác và cả các lớp đã ra trường cũng vậy, phụ huynh không được chụp chiếu. Họ nói đây là lý do tế nhị”.
Một lớp 1 Trường Tiểu học Kim Đồng phụ huynh nộp quỹ lớp kỳ 2 số tiền 2 triệu đồng (bên trái) và đầu năm học 1,6 triệu đồng quỹ lớp năm học 2019-2020. Ảnh: NVCC. |
Một phụ huynh lớp 1 Trường Tiểu học Kim Đồng nộp quỹ phụ huynh lớp (nội dung nộp khoanh đỏ) số tiền 1,6 triệu đồng kỳ 1 năm học 2019-2020. Ảnh: NVCC. |
Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh, Điều 10, khoản 3 đã quy định rõ:
“Việc thu, chi kinh phí của Ban đại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ; sau khi chi tiêu phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh lớp và các cuộc họp toàn thể Ban đại diện cha mẹ học sinh trường. Không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh”.
Nhiều năm gần đây, vấn đề lạm thu tại không ít trường phổ thông trên cả nước vào đầu năm học lại xảy ra vấn đề “nóng” gây bức xúc lớn trong phụ huynh học sinh và dư luận xã hội.
Có phụ huynh gửi ý kiến đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã thẳng thắn cho rằng, ban đại diện cha mẹ học sinh có khi chỉ là “bức bình phong” để hiệu trưởng lạm thu, đưa ra những khoản thu trên trời gắn mác tự nguyện.
Một ý kiến khác cũng nhận được nhiều sự quan tâm của độc giả, phụ huynh đòi xóa bỏ, giải tán ban đại diện cha mẹ học sinh càng sớm càng tốt.