LTS: Là một du học sinh trở về từ Hà Lan và được cách li phòng chống dịch Covid, Nguyễn Dương chia sẻ cảm xúc khi về quê hương và những ngày sống tại Trung tâm cách li tập trung - Pháo binh 58 - Sư đoàn 308 - Quốc Oai, Hà Nội.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Mỗi năm tôi đều chờ đến mùa hè. Không phải do đây là mùa yêu thích mà là nỗi khao khát được đoàn tụ của người con đi học xa xứ.
Tuy nhiên, khao khát này càng được đẩy lên cao hơn khi diễn biến của dịch Covid-19 ở châu Âu trở nên phức tạp.
Khi nhận được thông báo ngừng giảng dạy vào một buổi tối giữa tháng ba, trong tâm trí chỉ hiện lên một ý nghĩ: “Về thôi”.
Đây thực chất không phải là quyết định được đưa ra một cách cảm tính hay chủ quan.
Nguyễn Dương là một du học sinh trở về từ Hà Lan |
Hoang mang cả nửa tháng, các trang truy cập chủ yếu là các trang tin cập về tình hình số ca nhiễm mới trong ngày.
Dù năm cuối, sắp tốt nghiệp nhưng nỗi lo sợ bệnh dịch lại bao trùm cả con đường phía trước, sự tập trung cũng phân tán ra nhiều ngả.
Các nước châu Âu sống dưới tấm chăn ấm yên bấy lâu giờ lao đao vì dịch, có lẽ phần nào cũng vì sự chậm chạp của lục địa già này.
“Sống trong lo sợ” có lẽ là cụm từ miêu tả chính xác nhất cuộc sống tại trời Âu của tôi trong vòng mấy tuần qua.
“Luận văn thì sao đây? Tại sao dân ở đây họ lại chủ quan vậy? Liệu đeo khẩu trang ra đường có bị kì thị hay đánh đập không?”
Tác giả Nguyễn Dương |
Các mối tơ cứ nối tiếp nhau như vậy. Nhưng con người mà, ai cũng muốn tìm được cảm giác an toàn và hạnh phúc, nhất là trong những hoàn cảnh éo le.
Và có lẽ, không nơi đâu mang lại được xúc cảm đó nhiều hơn nhà.
Chuyến bay dài hơn 17 tiếng sẽ mang tôi trở về với nơi chôn rau cắt rốn, quê hương Việt Nam.
Tôi lúc đó còn tự chuẩn bị sẵn kịch bản cho mình rằng nếu Chính phủ không cho đi cách li tập trung thì bằng mọi cách sẽ phải xin đi bằng được.
Bởi lẽ, chẳng ai chắc chắn rằng sau quãng đường bay dài và thời gian tiếp xúc đám đông lâu, mình không bị dương tính với Covid-19.
Hạn chế khả năng lây lan ra cộng đồng, tiết kiệm được được tiềm lực cho Chính phủ, cũng là cách giảm lo âu, tăng hạnh phúc cho xã hội vào lúc này.
Khoảnh khắc máy bay hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, tôi đã khóc.
Có lẽ là vì mệt mỏi do chuyến bay dài, có thể là do mang tai sưng đau do đeo chặt khẩu trang hơn một ngày đường, hoặc chỉ đơn giản vì cảm thấy được che chở.
Nhưng không phải chỉ có thế...
Tôi đọc được trong một bài báo có viết: “Khi khó khăn, ai cũng muốn quay đầu về nhà”.
Không phải vì tiền, không phải vì bữa cơm, mà ngay trong lúc hoạn nạn, tình yêu thương chính là sự an ủi.
Trung tâm cách li tập trung - Pháo binh 58 - Sư đoàn 308 - Quốc Oai, Hà Nội. |
Như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng nói: “Trong cuộc chiến này, Việt Nam quyết không để ai bị bỏ lại.”
Đất nước dang rộng vòng tay như chim mẹ, ôm những đứa con xa xứ vào lòng, một nghĩa cử mới cao đẹp biết bao.
Có lẽ tình người Việt mãi ấm áp như vậy, một thứ đặc sản khó thể tìm được ở bất kì một quốc gia nào khác trong thời điểm khó khăn này.
Những ngày cách ly mới chỉ bắt đầu nhưng chưa một giây phút nào tôi cảm thấy lo sợ, thiếu thốn hay có những xúc cảm lộn xộn như mấy tuần trước, bởi trong quân khu này, bất cứ thứ gì có thể thiếu thốn trừ tình yêu thương và sự bao bọc.
Các anh bộ đội với đức hy sinh cao cả luôn tận tình chăm sóc chúng tôi, cơm ăn ba bữa đầy đủ dinh dưỡng, nhường giường để đảm bảo kiều bào được an giấc và luôn ân cần hỏi thăm mỗi ngày.
Bữa ăn của Nguyễn Dương trong những ngày cách li. |
Ngoài ra, không thể không kể đến sự tận tâm của các y bác sĩ túc trực mỗi ngày chăm lo cho sức khỏe của mỗi chúng tôi.
Hơn hết, ở Việt Nam tức là gần gia đình, và có lẽ, những ai đã đi xa đều hiểu được điều này hạnh phúc và quý giá đến nhường nào.
Ngay lúc này, cần chung tay, không ai cần ca thán! |
Sẽ không còn cảm giác cô đơn, trơ trọi nơi xứ người, mà thay vào đó là sự an toàn và yên tâm đến từ những người ta yêu thương nhất.
Hạnh phúc có lúc thật phức tạp, nhưng có lúc lại thật giản đơn. Chỉ cần được về tổ thì đàn chim sẽ luôn có được nơi trú ẩn ấm áp nhất.
Được quan tâm, chăm sóc, yêu thương, và bao bọc thì mọi nỗi sợ sẽ lại bay biến như con sóng ngoài đại dương xô vào bờ cát rồi tan thành bọt nước trắng xóa.
Đó chính là sức mạnh của hạnh phúc mà tôi đã lĩnh ngộ được qua cơn bão mang tên “Covid-19” vừa được tự thân trải nghiệm.