LTS: Chia sẻ về ngày hội đọc sách được tổ chức ở một số trường như hiện nay, cô Phan Tuyết đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.
Hàng năm, cứ vào đầu tháng 10, nhiều trường học trên cả nước lại tưng bừng tổ chức hoạt động giáo dục mang tên “Ngày hội đọc sách” cho giáo viên và học sinh trong toàn địa bàn.
Các em học sinh đọc sách tại Ngày hội đọc sách (Ảnh minh họa: Tuổi trẻ Phú Yên). |
Điều đáng nói là ngày ra quân sôi nổi, rầm rộ bao nhiêu, chuỗi ngày sau lại im lìm, tẻ nhạt bấy nhiêu. Học sinh cũng chưa có được nhu cầu đến thư viện đọc sách mỗi ngày.
Nguyên nhân chủ yếu là việc người lớn vẫn chuộng cách tổ chức mang nặng tính hình thức phô trương, chưa thật sự khơi dậy được lòng đam mê, nhu cầu cần đọc sách của lớp trẻ.
Phát động phong trào “Ngày hội đọc sách” rầm rộ
Cách tổ chức quen thuộc nhất năm nào cũng như năm ấy. Một trường được chọn đăng cai tổ chức mẫu “Ngày hội đọc sách”, Ban giám hiệu nhiều trường học trong cùng địa bàn sẽ tới dự.
Sau đó về trường, họ bắt đầu triển khai cho toàn thể giáo viên và học sinh trường mình tham gia.
Có trường sẽ tổ chức một buổi đọc sách cho học sinh toàn trường chỉ đơn giản là đọc sách và giao lưu trả lời các câu hỏi xoay quanh cuốn sách ấy.
Trường lại tổ chức một cách khá bài bản với nhiều các hoạt động bổ trợ như kể chuyện về sách, sân khấu hóa nội dung về sách, giới thiệu sách, tác dụng của việc đọc sách.
Có trường lại thông qua ngày hội đọc sách tổ chức việc quyên góp, ủng hộ sách hay cho thư viện.
Thế nhưng sau ngày hội đọc sách ấy, lượng học sinh đến thư viện trường để đọc cũng không tăng hơn.
Âm thầm mà hiệu quả
Không tổ chức “Ngày hội đọc sách” sôi nổi như nhiều nơi nhưng học sinh Trường trung học phổ thông Ngô Quyền Phú Quý Bình Thuận lại đến thư viện đọc sách mỗi ngày một đông.
Thầy Nguyễn Hải Thọ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “hiện nay, các em học sinh rất ít đọc sách. Từ thực tế đó, trong những năm qua, nhà trường đã có nhiều biện pháp để khắc phục tình trạng trên như: tuyên truyền, đổi mới hoạt động thư viện, bổ sung thêm các đầu sách nhằm lôi cuốn các em học sinh nhưng vẫn không hiệu quả.
Do vậy, lần này trường quyết định đưa tiết đọc sách vào hoạt động giáo dục của trường”.
Thế là một tuần mỗi lớp đều có một tiết đọc sách bắt buộc tại thư viện của trường. Tiết đọc này được thủ thư theo dõi và đánh giá, xếp loại giống như một tiết học trên lớp.
Thời gian đọc được bố trí theo đơn vị lớp, mỗi lớp được xếp thời khóa biểu cụ thể như những tiết học chính khóa khác.
Mới đầu, không ít học sinh cũng miễn cưỡng vào thư viện, hờ hững xem sách. Thế nhưng chỉ sau thời gian ngắn, nhờ được nghe cô thủ thư giới thiệu về những cuốn sách hay, được ngồi trong một không gian rộng rãi, thoáng mát với nhiều sự lựa chọn sách theo đúng sở thích của mình…không ít học sinh nơi này, đã có cảm giác đợi chờ đến tiết đọc sách theo thời khóa biểu.
Không chỉ thế, giờ ra chơi, đầu giờ hoặc những buổi học thể dục, học sinh đến thư viện đọc sách ngày một đông hơn.
Theo chân mấy cô cậu học trò để bước vào thư viện, chính tác giả bài viết cũng bị hớp hồn bởi cách bài trí sách trong thư viện của Trường trung học phổ thông Phú Quý khá đẹp mắt.
Hàng nghìn đầu sách được trưng bày trên kệ, cô thư viện cho biết “sách mới, sách hay cũng liên tục được cập nhật. Điều này cũng là điểm hút kéo các em đến với thư viện”.
Một điều thú vị mà chúng tôi được biết, đó là “hình phạt” có một không hai của thầy Lê quang Trọng - Phó hiệu trưởng nhà trường dành cho học sinh vi phạm là “đọc một cuốn sách và nêu cảm nghĩ của em về nội dung cuốn sách ấy”.
Những nỗ lực âm thầm của các thầy cô giáo nơi đây đang hàng ngày khuyến khích văn hóa đọc trong nhà trường. Đồng thời góp phần tôn vinh và nâng cao giá trị của sách.