Thi giáo viên giỏi chỉ để nâng lương, thăng hạng thì nên sớm dẹp đi

24/01/2019 13:41
Thùy Linh
(GDVN) - Kỳ thi giáo viên giỏi như ở Hải Phòng có dấu hiệu dối trá. Đối với giáo dục, bất cứ việc làm nào thể hiện sự không trung thực đều là điều tối kị.

Vừa qua, dư luận xã hội hết sức quan tâm tới thông tin sự việc một số trường học ở Hải Phòng cho học sinh có học lực yếu ở nhà trong thời gian tổ chức thi giáo viên giỏi

Nhiều phụ huynh bất bình trước việc chỉ vì giáo viên thi mà học sinh yếu kém bị phân biệt đối xử buộc phải nghỉ học ở nhà, chỉ có học sinh khá giỏi mới được ngồi học để phục vụ cô “diễn”…

Trước thông tin trên, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo một tổ công tác tiến hành kiểm tra, rà soát ngay tại Hải Phòng để kịp thời có biện pháp chấn chỉnh, đồng thời làm căn cứ cho việc sửa đổi Thông tư 21/2010/TT-BGDĐT ngày 20/7/2010 Ban hành Điều lệ hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Dù Bộ đã tiến hành kiểm tra và có kết luận, song theo nhiều chuyên gia giáo dục, bệnh “diễn” tại thi giáo viên giỏi đã tồn tại nhiều năm qua trên phạm vi cả nước. 

Theo Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ, thi giáo viên giỏi chỉ để nâng lương, thăng hạng thì nên dẹp sớm đi (Ảnh minh họa: TTXVN)
Theo Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ, thi giáo viên giỏi chỉ để nâng lương, thăng hạng thì nên dẹp sớm đi (Ảnh minh họa: TTXVN)

Không phản đối kỳ thi giáo viên giỏi vì kỳ thi để chọn người tài là hoàn toàn hợp lý nhưng câu chuyện diễn ra ở Hải Phòng vừa qua khiến Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam rằng:

“Kỳ thi giáo viên giỏi như vậy mang tính chất dối trá. Đối với giáo dục, bất cứ việc làm nào thể hiện sự không trung thực đều là điều tối kị”. 

Theo thầy Nhĩ, trong một lớp học với nhiều đối tượng học trò khác nhau, giáo viên giỏi là dạy làm sao để tất cả học sinh đều tiếp thu được, em nào giỏi thì phát huy năng lực, em nào trung bình, yếu thì ngày càng tiến bộ. 

Thi giáo viên giỏi chỉ để nâng lương, thăng hạng thì nên sớm dẹp đi ảnh 2Thầy Nguyễn Xuân Khang: Tóm lại, hãy bỏ hết các cuộc thi đi

Ngoài ra, thầy Nhĩ còn cho rằng: “Việc học sinh yếu kém bị phân biệt đối xử buộc phải nghỉ học ở nhà, chỉ có học sinh khá giỏi mới được ngồi học, điều này đã tạo ra bất bình đẳng trong học sinh, gây ra sự tự ti đối với các em bị yêu cầu ở nhà, thậm chí gây ra kiêu ngạo đối với các em khá giỏi”.
 
Từ đó, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh: “Giáo viên giỏi phải được thể hiện thông qua chất lượng học sinh ngày càng được nâng lên chứ giáo viên thi chỉ để lấy thành tích nâng lương, thăng hạng thì nên dẹp sớm đi”. 

Cũng liên quan đến vấn đề này, là một nhà giáo công tác lâu năm trong ngành giáo dục, chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cũng thừa nhận, cách tổ chức thi giáo viên giỏi như hiện nay bộc lộ nhiều hạn chế, nặng về hình thức. 

“Là giáo viên giỏi thì trong một tiết học phải làm sao để học sinh đã học giỏi sẽ giỏi hơn, em yếu vẫn tiếp thu được kiến thức và không ai bị tụt lại phía sau bài giảng, chứ không phải qua một tiết dạy có sự chuẩn bị kỹ càng như hiện nay” – Giáo sư Phạm Tất Dong chia sẻ.

Hơn nữa, theo thầy Dong, kỳ thi giáo viên giỏi với mục đích là tìm ra người có năng lực tốt rồi từ đó đưa năng lực ấy chia sẻ với các giáo viên trong và ngoài trường chứ không phải thi chỉ để tôn vinh.

Chính vì lâu nay việc thi giáo viên giỏi mới chỉ dừng lại ở tôn vinh và mục đích tự thân của người đi thi chỉ nghĩ tới phần thưởng thế nên mới có chuyện như ở Hải Phòng.

Thùy Linh