Thầy Nguyễn Xuân Khang: Tóm lại, hãy bỏ hết các cuộc thi đi

19/01/2019 06:26
Thùy Linh
(GDVN) - "Nếu chúng ta muốn thay đổi căn bản, toàn diện giáo dục thì tôi chỉ muốn nói một câu là: Hãy bỏ Thông tư 21, tức là bỏ các cuộc thi đi".

Câu chuyện mà phụ huynh phản ánh nhà trường chỉ chọn học sinh giỏi đến lớp, em nào yếu kém phải ở nhà để cô giáo thi dạy giỏi ở Hải Phòng một lần nữa khiến dư luận đặt câu hỏi về bệnh thành tích trong giáo dục. 

Theo một số giáo viên, tình trạng này đã tồn tại nhiều năm, không phải hiện tượng cá biệt. 

Đồng tình với ý kiến này, trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội) nhận định rằng: “Tôi không bất ngờ về câu chuyện “thi giáo viên giỏi” ở Hải Phòng, vì đó là chuyện thường ngày ở huyện, diễn ra nhiều năm nay ở nhiều địa phương trên cả nước”. 

Thầy Khang nhớ lại những ngày cuối năm 2018, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chuyến công tác tại tỉnh Yên Bái. 

Tại đây, người đứng đầu ngành Giáo dục đã có các cuộc gặp gỡ, nói chuyện thân tình, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trong tỉnh. 

Qua lắng nghe, Bộ trưởng rất trăn trở về căn bệnh thành tích trong giáo dục. Theo Bộ trưởng, sáng kiến kinh nghiệm là một trong những nguyên nhân của bệnh thành tích, thi đua dạy tốt học tốt là việc cần có trong mỗi nhà trường nhưng phải tốt thật, chứ không phải gây áp lực theo hướng xấu. Cuộc thi mà không thiết thực, "diễn là chính" sẽ rất phản cảm. 

Thầy Nguyễn Xuân Khang không bất ngờ về câu chuyện “thi giáo viên giỏi” ở Hải Phòng, vì đó là chuyện thường ngày ở huyện, diễn ra nhiều năm nay ở nhiều địa phương trên cả nước (Ảnh minh họa đăng trên giaoduc.net.vn)
Thầy Nguyễn Xuân Khang không bất ngờ về câu chuyện “thi giáo viên giỏi” ở Hải Phòng, vì đó là chuyện thường ngày ở huyện, diễn ra nhiều năm nay ở nhiều địa phương trên cả nước (Ảnh minh họa đăng trên giaoduc.net.vn)

Chia sẻ thêm với phóng viên, thầy Khang cho biết, năm 2018, thầy cũng đã gửi 5 kiến nghị tới Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Nguyễn Thị Nghĩa với mong muốn giảm những áp lực không cần thiết cho giáo viên và nhà trường, bao gồm:

Thứ nhất, không áp đặt chỉ tiêu thi đua, bảo đảm nguyên tắc tự nguyện tham gia thi đua của tập thể, cá nhân theo quy định (Điều 3, Thông tư số 22/2018/TT-BGDĐT ngày 28/8/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo);

Thứ hai
, bỏ khen thưởng ở cấp cơ sở, quận/huyện, tỉnh/thành phố... Chỉ giữ lại khen thưởng ở cấp Trung ương (Bộ, Chính phủ) - Khen nhiều quá (thưởng thì ít, không có tiền) nên “nhàm”.

Thứ ba, bỏ các cuộc thi “Giáo viên dạy giỏi”; “Giáo viên chủ nhiệm giỏi”, “Tổng phụ trách giỏi”... (các cuộc thi này đã không còn thực chất, gây áp lực cực kỳ lớn cho giáo viên).

Thứ tư, bỏ việc “Dự giờ theo chuyên đề cấp quận/huyện” (không học tập được gì, thường tâng bốc hoặc xoi mói lẫn nhau, phản tác dụng);

Thứ năm, bỏ việc kiểm tra cấp phòng, cấp sở các loại sổ sách của giáo viên, của trường. Trao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục về việc này.

Muốn bỏ thi giáo viên dạy giỏi phải sửa đổi Thông tư 59

Chia sẻ rõ hơn về 5 kiến nghị của mình, thầy Khang cho rằng, nhiều năm nay chúng ta đã ra sức chống căn bệnh thành tích mà nguyên nhân là từ thi đua. Nếu làm được 5 việc trên thì giáo viên sẽ có thêm thời gian và công sức tập trung cho việc dạy dỗ và chăm sóc học sinh. 

Nhiều người bày tỏ, tưởng rằng khi đưa ra các hội thi thì sẽ nâng cao năng lực giáo viên nhưng khi đối chiếu với Điều 21, tại Thông tư 21/2010/TT-BGDĐT ngày 20/7/2010 Ban hành Điều lệ hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên thì cho thấy: 

1. Kết quả Hội thi là căn cứ để đánh giá, xếp loại thi đua của đơn vị và cá nhân.

2. Danh hiệu giáo viên dạy giỏi là căn cứ để xem xét, thực hiện các chế độ chính sách đối với giáo viên.

3. Căn cứ điều kiện cụ thể, Uỷ ban nhân dân các cấp, các cơ quan quản lý giáo dục địa phương quy định chế độ ưu đãi đối với giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi, đối với tập thể có nhiều thành tích trong Hội thi”.

Nhìn vào những điều này, thầy Khang cho rằng, kết quả hội thi liên quan tới cơm, áo, gạo, tiền của giáo viên và liên quan đến sự thăng tiến của cán bộ quản lý cơ sở nên giáo viên trở thành những diễn viên chính, học sinh buộc phải trở thành diễn viên phụ, cả hai cùng diễn cho ban giám khảo xem, đánh giá ai đạt, ai chưa đạt.

Do đó, giáo viên “diễn” bằng mọi cách để đạt được kết quả tốt nhất chứ không đơn thuần tham gia cuộc thi là xuất phát từ mục đích nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ và lại càng không phải vì học sinh. 

Tuy nhiên thầy cũng không phủ nhận chuyện vẫn còn có những giáo viên tự nguyện đăng ký tham gia các cuộc thi để nâng cao năng lực nhưng con số này rất ít. Bởi lẽ, thi cử rất áp lực hơn nữa hầu hết nhà trường sẽ là người chọn và cử giáo viên đi thi. 

Thầy Nguyễn Xuân Khang: Tóm lại, hãy bỏ hết các cuộc thi đi ảnh 2Bộ Giáo dục đã chỉ đạo, thi giáo viên giỏi phải giữ nguyên sĩ số

Được biết, hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang trong quá trình rà soát, sửa đổi Thông tư 21 theo hướng thiết thực, tạo điều kiện cho giáo viên đổi mới phương pháp dạy học có chất lượng; khắc phục triệt để việc áp dụng các quy định một cách máy móc, hình thức, gây lãng phí và tạo áp lực cho giáo viên.

Dự kiến trong thời gian tới, dự thảo Thông tư 21 sửa đổi sẽ được đăng tải trên mạng để lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân trước khi ban hành.

Tuy nhiên khi phóng viên hỏi điều bất cập nhất trong Thông tư 21 mà thầy Khang muốn sửa đổi nhất là nội dung nào thì thầy đáp: “Nếu chúng ta muốn thay đổi căn bản, toàn diện giáo dục thì tôi chỉ muốn nói một câu là: Hãy bỏ Thông tư 21, tức là bỏ các cuộc thi đi. 

Nếu chỉ sửa đổi thì tức là vẫn còn giữ lại một phần nào đó, căn bệnh mà không được điều trị tận gốc thì làm sao đổi mới được, giáo viên, học sinh còn phải diễn thì làm sao phát huy năng lực phẩm chất của người học được”.  

Thùy Linh