Sau vụ việc nước sinh hoạt của Nhà máy nước mặt Sông Đà nhiễm dầu thải khiến hàng vạn người dân ở phía Tây Hà Nội lao đao, Cơ quan điều tra đã vào cuộc điều tra rốt ráo để xử lý đối với những người có hành vi sai trái.
Ở góc nhìn phổ quát của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng – Thiếu tướng, Thường trực Ủy ban Quốc phòng, An ninh của Quốc hội thì điều quan trọng bây giờ là phải nhanh chóng xem xét tổng thể nguồn nước từ sông lấy vào các nhà máy và quy trình lọc của mỗi nhà máy có đảm bảo cho ra nước sạch thật sự không?
Nếu một ngày nào đó chất bẩn tiếp tục xả ra thì các nhà máy có phát hiện và ngăn chặn được không? Các thiết bị lọc của mỗi nhà máy có thể là "tấm áo giáp" bảo vệ sức khỏe nhân dân không?
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng cho rằng, Quốc hội cần một chương trình giám sát nước sinh hoạt trên toàn quốc, vì sức khỏe của hàng triệu học sinh. |
Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh nhấn mạnh, bắt buộc phải đặt ra và giải quyết rốt ráo bởi nó không đơn thuần là sức khỏe của người lớn nữa, mà quan trọng hơn là sức khỏe của hàng vạn học sinh, trẻ nhỏ.
Tướng Hồng phân tích: “Lâu nay ở chỗ này chỗ khác người dân đã kêu quá nhiều về nước bẩn, nhưng xong rồi lại lắng xuống và người dân vẫn tiếp tục trả tiền để sử dụng nước trong sự ấm ức. Vụ việc nước nhiễm dầu thải lần này là một bài học đắt giá, các cơ quan có thẩm quyền phải nghiêm túc nhìn nhận và giải quyết căn cơ vấn đề này trên cả nước.
Theo tôi, phải tiến hành rà soát và đảm bảo an ninh, an toàn nguồn nước trên các con sông được khai thác cung cấp nước sinh hoạt cho dân. Vấn đề này phải được xem xét làm ngay, nhưng để làm được thì phải ở tầm Quốc hội, Chính phủ. Ở nhiều quốc gia, họ coi đây là vấn đề hết sức hệ trọng và có các biện pháp bảo vệ rất rõ ràng.
Thứ hai, đưa vấn đề kinh doanh nước sạch trở thành lĩnh vực mang tính đặc thù có điều kiện. Không thể cứ có tiền bỏ ra làm nhà máy xong hút nước lên bán cho dân, mà phải có quy chuẩn chặt chẽ, phải xem các nước tiên tiến người ta làm thế nào thì học tập mà áp dụng.
Sau vụ nước nhiễm dầu thải, Hà Nội liệu có kiểm tra tất cả các nhà máy nước? |
Vụ nước nhiễm dầu lần này cho thấy quy trình lọc của nhà máy có vấn đề và các cơ quan chức năng phải nhanh chóng làm rõ, bởi vì nếu có kẻ nào đổ chất độc còn nặng hơn cả dầu thải thì nhà máy có phát hiện được không?
Đây cũng là vấn đề phải đặt ra cho tất cả các nhà máy nước. Phải xem thế giới áp dụng công nghệ gì và Việt Nam đang dùng công nghệ gì?
Phải có quy chuẩn đồng bộ và cập nhật theo định kỳ chung với những nước văn minh, chứ không thể để tình trạng dùng công nghệ lạc hậu, hút nước bán cho dân kiếm lời.
Thứ ba, cần phải triển khai ngay sự kết nối các tuyến ống cung cấp nước sạch. Thực tế cho thấy từ vụ việc này là khi Nhà máy nước sông Đà gặp sự cố thì dân thiếu nước trầm trọng, phải xếp hàng đi xách từng can về ăn, uống. Nếu như tính toán trước được vấn đề này thì đâu đến mức người dân khổ sở như vậy. Ở thế kỷ XXI rồi, kinh tế phát triển đến mức này rồi mà nhận thức vẫn còn chậm, cứ chạy theo từng vụ việc thì phải xem lại năng lực cán bộ.
Thứ tư, nước là do người dân trả tiền mua chứ không phải cấp miễn phí cho nên người dân phải được quyền giám sát, được quyền kiểm tra ở các nhà máy bất cứ thời điểm nào khi có nghi ngờ về chất lượng nước. Nếu các nhà máy làm ăn đàng hoàng thì chẳng việc gì phải lo ngại việc đó, chỉ những chỗ không đàng hoàng mới muốn che đậy thôi.
Ở tầm Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm để người dân được hành động bảo vệ mình. Tôi đã từng tới thăm nhà máy nước ở Singapore, họ hoàn toàn công khai quy trình lắng, lọc và người dân có quyền vào kiểm tra bất cứ lúc nào. Sự vào cuộc, giám sát của người dân vô cùng cần thiết, vừa bảo vệ chính mình vừa góp phần giúp các cơ quan chức năng phát hiện vi phạm”.
Ở nhiều khu vực, người dân phải xếp hàng để được nhận nước miễn phí mang về ăn, uống. Cơ quan chức năng khuyến cáo ở thời điểm hiện tại, người dân chỉ nên dùng nước từ Nhà máy nước mặt sông Đà để tắm, giặt. |
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng cho biết, ông sẽ sớm có ý kiến với Quốc hội về nội dung này, bởi đây là vấn đề hết sức hệ trọng của đất nước, là sức khỏe toàn dân, trong đó có các cháu học sinh – những thế hệ tương lai của dân tộc.
Đại biểu Hồng đặt vấn đề: “Phải xem lại một cách nghiêm túc các nhà máy nước hiện nay có làm đúng quy định của Bộ Y tế không? Ai kiểm tra, ai giám sát rằng nước họ bán ra sạch thật sự?
Liệu rằng việc lấy mẫu kiểm tra định kỳ bởi một cơ quan nào đó có đảm bảo chính xác không? Và để phòng tránh tiêu cực trong kiểm định chất lượng nước thì có các biện pháp gì? Trong thế giới công nghệ hiện đại như ngày nay, tất cả đều có thể áp dụng cho ra kết quả chính xác, vấn đề là những nhà quản lý tư duy thế nào để kiểm tra, kiểm soát được.
Tôi cho rằng đối với hàng triệu người dân đang trả tiền mua nước sinh hoạt không hề biết quy định, yêu cầu bắt buộc về các chỉ tiêu chất lượng nước ra sao? Họ cũng không hề biết các nhà máy khai thác và làm sạch nước bằng quy trình nào? Thật không công bằng khi mà người dân phải trả tiền mua một sản phẩm tù mù chất lượng.
Vụ việc nước nhiễm dầu bẩn đã cho thấy rõ ràng quy trình lọc ở Nhà máy nước sông Đà lỏng lẻo, kỹ thuật kém, các công đoạn lắng lọc không đạt. Đó là tôi còn chưa đề cập tới vấn đề đạo đức kinh doanh, anh không kiểm soát được nên mới dẫn tới bơm nước bẩn ra, đến giờ chưa xin lỗi dân mà còn cứ trả lời loanh quanh.
Cuối cùng, tôi nhấn mạnh lại một lần nữa là Thành phố Hà Nội cần phải tiến hành rà soát toàn bộ quy trình khai thác nước của các nhà máy và các địa phương khác cũng nên sớm chủ động triển khai công tác này”.