Trong năm qua, Vũ “nhôm” là một trong những nhân vật được dư luận cả nước quan tâm vì liên quan đến các vụ án tham nhũng, vi phạm pháp luật. Cùng với Vũ “nhôm” là nhiều quan chức, cựu quan chức bị kỷ luật, điều tra và đưa ra xét xử.
Vấn đề đặt ra, tại sao Vũ “nhôm” lại có thể phạm tội trong nhiều lĩnh vực và dính líu đến một loạt quan chức như vậy.
Bình luận về nhân vật này, ông Phan Xuân Xiểm, nguyên Hàm vụ trưởng, Vụ 1 Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng: “Có lẽ một mình Vũ Nhôm thì không thể sai phạm lớn đến như vậy.
Theo tôi chắc phải là những người có trách nhiệm, những cá nhân có thẩm quyền có liên quan đến”.
Ông Phan Xuân Xiểm, nguyên Hàm vụ trưởng, Vụ 1 Ủy ban kiểm tra trung ương (ảnh Trinh Phúc). |
Cũng theo ông Xiểm, những người đứng đầu địa phương, lĩnh vực phải chịu trách nhiệm về những sai phạm mà Vũ “nhôm” gây ra. Chứ không thể có chuyện sai phạm xảy ra trên địa bàn, lĩnh vực mình quản lý nhưng lại cho rằng không biết.
Bởi theo ông Xiểm, một người đứng đầu địa phương thì có cả hệ thống chính quyền, bộ máy, cơ quan kiểm tra, giám sát…nhưng lại có chuyện xảy ra sai phạm không chỉ một mà nhiều vụ việc.
“Nếu không có bật đèn xanh thì làm sao có sai phạm lớn như vậy xảy ra. Cán bộ, Đảng viên có quyền đặt câu hỏi một mình Vũ "nhôm" không thể nào một mình làm được.
Vậy thì ai là người chịu trách nhiệm cuối cùng về những sai phạm này?
Tôi cho rằng đó phải là người đứng đầu chính quyền địa phương. Việc cho rằng mình không biết hay đổ cho lỗi năng lực quản lý như một số vụ việc báo chí thông tin thì không thuyết phục”.
Làm sao không để có Vũ “nhôm” thứ 2 khiến nhiều cán bộ sai phạm? |
Theo dõi thông tin các vụ việc liên quan đến Vũ “nhôm”, ông Phan Xuân Xiểm ví rằng “nó như một mớ bòng bong phải làm và tháo gỡ, bóc tách thì mới có câu trả lời thuyết phục.
Tôi cho rằng, cần thiết phải đi đến tận cùng vấn đề, công khai minh bạch ai sai phạm trong vấn đề để xử lý.
Người dân bây giờ nhận thức rất cao, nhiều cán bộ hưu trí có thừa kinh nghiệm đủ năng lực để đánh giá việc xem xét những sự vụ như vậy.
Những việc như thế nếu không làm nghiêm minh thì giáo dục thuyết phục dư luận khó”.
Vũ "nhôm" có dính líu đến nhiều cán bộ, quan chức (ảnh nguồn TTXVN). |
Vị này còn cho rằng: “Tôi băn khoăn nhất trong câu chuyện Vũ “nhôm” là việc không thể mình Vũ “nhôm” làm được.
Do đó, ai liên quan thì phải được làm rõ, phải soi rọi hết góc cạnh vấn đề. Xử lý công bằng, nghiêm khắc”.
Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Trương Minh Hoàng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội cho rằng: “Nhiều cán bộ dính líu đến sai phạm của Vũ “nhôm”trước hết là do phẩm chất của người cán bộ.
Ngoài ra, các quy định cần thiết phải hoàn thiện chặt chẽ hơn nữa. Chủ trương đưa ra nhưng có kẻ hở để lợi dụng thì cần phải nghiêm cứu chặt chẽ hơn”.
Trước đó, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin, ông Lê Thanh Vân, Ủy viên Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội cho rằng: “Vụ Vũ “nhôm” là vụ việc điển hình cho tình trạng quyền lực bị tha hóa, lạm dụng;
Việc tuyển dụng nhân sự vào ngành công an để rồi nhân sự thao túng quyền lực, núp bóng trá hình các nhiệm vụ công tác nhằm tước đoạt tài sản công làm lũng đoạn tha hóa cán bộ”.
Ai bợ đỡ cho Vũ “nhôm” dùng trò “cáo mượn oai hùm” để lộng hành? |
Theo ông Lê Thanh Vân: “Trong vụ Vũ “nhôm” đã cho thấy sự bất chấp trong thi hành pháp luật đến ngưỡng không thể chấp nhận được.
Sự nguy hiểm thể hiện ở việc, lợi ích nhóm cấu kết với nhau bất chấp pháp luật để lộng hành quyền lực, đẩy kỷ cương nhà nước, kỷ luật của Đảng đến cảnh giới lu mờ, vô pháp, vô cương.
Nếu như không phát hiện ra để xử lý vụ việc nghiêm minh thì sự tha hóa quyền lực trong bộ máy Đảng, nhà nước ngày càng nguy hiểm”.
Vị Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh: “Cũng may đã phát hiện và đưa Vũ “nhôm” ra xét xử.
Từ đó, phát hiện ra nhiều quan chức liên quan đã bị tha hóa, biến chất, bị lôi kéo bởi những lợi ích tầm thường”.
Phân tích sâu thêm về các vụ việc xung quanh cá nhân Vũ “nhôm”, ông Lê Thanh Vân cho rằng: “Có người nói Vũ “nhôm” là tác nhân để làm tha hóa nhiều cán bộ cấp cao hay sự sa sút về phẩm chất, việc tu dưỡng rèn luyện không thường xuyên, liên tục nên nhiều cán bộ đã bị đốn ngã bởi lợi ích vật chất, bỏ qua lợi ích chung của Đảng, nhà nước và nhân dân để vun vén lợi ích cho cá nhân.
Nhưng qua theo dõi vụ Vũ “nhôm”, tôi thấy có hơi khác với nhiều vụ việc tham nhũng khác ở chỗ: “Đó là sự đồng lõa của cấp trên và cấp dưới.
Vũ “nhôm” biết được để mà thâu tóm về tài sản phải bắt đầu có sức ép từ phía trên nên Vũ “nhôm” rất tinh ranh đi tìm các quan hệ thân tín bằng nhiều cách để có văn bản chỉ đạo phía trên, rồi trao đổi ngang cấp với nhau, sau đó khiến cấp dưới có độ tin cậy và cứ thế thực hiện.
Vũ “nhôm” lợi dụng danh nghĩa quyền lực, như câu dân gian hay nói là “cáo mượn oai hùm” nhằm thao túm hệ thống, ép buộc, dụ dỗ, lôi kéo cán bộ đồng lõa, bẻ cong chính sách pháp luật, chiếm đoạt tài sản công và cùng nhau chia chác lợi ích”.