Chỉ vì muốn dâng đơn đăng ký được tiếp dân nhưng cô giáo Nguyễn Thị Hoa Anh, giáo viên Trường tiểu học Võ Thị Sáu, Thành phố Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk vẫn không được tiếp.
Đơn tơ cáo của cô giáo Hoa Anh (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Địa điểm tiếp dân 32 Lê Thị Hồng Gấm từ chối với lý do:
“Ủy ban Nhân dân thành phố đã ra quyết định nên cứ chấp hành theo quyết định”. Nói rồi họ bỏ đi.
Bức xúc, cô giáo Hoa Anh đã lên Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu được gặp văn thư để đưa đơn đăng ký gặp Chủ tịch tỉnh.
Cán bộ văn thư cũng không chịu ra gặp, họ để cô giáo ngồi đợi từ 9 giờ đến hơn 11 giờ sáng vẫn không gửi được đơn.
Cô đành phải quỳ trước cổng ủy ban tỉnh với một mong muốn duy nhất nộp được đơn đăng ký tiếp công dân.
Cô Hoa Anh gửi đơn tố cáo về việc điều động viên chức ngành giáo dục của Ủy ban Nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột
Trong đơn nêu rõ: Từ ngày ra trường (1994) được phân công giảng dạy tại Trường Tiểu học Buôn Ky là một ngôi trường vùng khó khăn của tỉnh.
Đối tượng học sinh là con em đồng bào dân tộc Ê-đê.
Tại đây tôi luôn nhiệt tình, tâm huyết dạy dỗ các em cống hiến cho nền giáo dục trong lúc còn khó khăn và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy học của mình.
Ngày 23/8/2018, tôi nhận được quyết định số 5426/QĐ- UBND, ngày 17/8/2018 của Chủ Tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột về việc điều động viên chức giáo dục và tôi là đối tượng bị điều động tại quyết định nêu trên.
Cụ thể: Điều động tôi từ Trường Tiểu học Võ Thị Sáu sang trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh, thời gian kể từ ngày ra quyết định và có hiệu lực ngay trong ngày 17/8/2018.
Lý do nêu trong quyết định: “Điều chuyển giáo viên từ trường thừa sang trường thiếu.”
Sau khi nhận được Quyết định số 5426/QĐ- UBND, ngày 17/8/2018, ngày 20/9/2018 tôi nộp đơn khiếu nại lần đầu đến Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân thành phố Ban Ma Thuột về việc không xem xét đầy đủ và toàn diện liên quan đến vụ việc điều động viên chức.
Ngày 23/10/2018, tôi nhận được công văn số 3593/UBND-VP, ngày 22/10/2018 của Ủy ban Nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột về việc trả lời đơn kiến nghị của tôi với một loạt nội dung, cụ thể:
Thực hiện Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT…..về việc dạy thêm, học thêm; Quyết định số 08/2013/QĐ-UBND….. về việc dạy thêm, học thêm; Kế hoạch số 45/ KH-UBND… về việc kiểm tra…. dạy thêm, học thêm….;
Trong công văn số 3593/UBND-VP căn cứ điều chuyển công tác của tôi được đưa ra hoàn toàn sai biệt so với căn cứ của Quyết định số 5426/QĐ- UBND.
Tôi đã tiếp tục làm đơn khiếu nại nhiều lần, gửi lên Ủy ban Nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột và Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk.
Tôi có nhận được công văn số 10129 UBND – KGVX thông báo đã nhận được đơn khiếu nại của tôi và hướng dẫn tôi gửi đơn khiếu nại đến Ủy ban Nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột để được giải quyết.
Đến ngày 30/01/2019 Ủy ban Nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột có thông báo Số 213/TB- UBND, không giải quyết đơn của tôi nữa.
Nhưng tôi thấy việc giải quyết của Ủy ban Nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột không đúng với quy định của pháp luật và xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của tôi.
Nên tôi tiếp tục gửi đơn lên Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk nhưng đến nay sự việc của tôi vẫn chưa được giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
Nay tôi làm đơn Tố cáo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột có các nội dung:
Thư nhất: Không thực hiện “hành vi hành chính” của mình để thụ lý giải quyết khiếu nại lần đầu đúng qui định pháp luật.
Thư hai: Đối với việc điều động viên chức giáo dục:
1/ Lý do nêu trong quyết định: “Điều chuyển giáo viên từ trường thừa sang trường thiếu.” là không đúng sự thật:
|
Tại thời điểm điều chuyển tôi, trường tôi đang thiếu giáo viên trầm trọng, Ban giám hiệu nhà trường cô Phó hiệu trưởng Lương Thị Bích Nguyên vừa phải làm công tác quản lí vừa phải kiêm thêm việc dạy lớp.
Tôi là một viên chức, giáo viên có nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, tôi luôn tâm huyết tận tình dạy dỗ các em học sinh và có nhiều thành tích như giáo viên giỏi tỉnh, nhiều năm liền là chiến sĩ thi đua, được Ủy ban Nhân dân thành phố tặng bằng khen.
Bản thân tôi luôn phấn đấu học hỏi để nâng cao nghiệp vụ, tận tâm với nghề. Được đồng nghiệp tin yêu, phụ huynh học sinh quý mến.
Gia đình tôi thuộc diện chính sách: Cha mẹ tôi đều tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cha tôi là thương binh loại A, thương tật hạng 4/4, đã đóng góp một phần thân thể cho đất nước.
Hiện nay, gia đình tôi lại đang hết sức khó khăn. Chồng tôi không có việc làm. Cả gia đình tôi bây giờ 5 người chỉ dựa vào một đồng lương eo hẹp của tôi.
Ba đứa con đang tuổi ăn học, hiện nay cả 2 cháu đang học đại học, và một cháu nhỏ mới hơn 3 tuổi.
Sức khỏe của tôi sau khi sinh cháu cũng rất yếu vì năm nay tôi cũng đã 45 tuổi. Cũng vì điều kiện không có nên cháu thứ 3 cũng bị suy dinh dưỡng ốm đau liên tục đang cần sự chăm sóc của mẹ.
Không biết Ủy ban Nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột căn cứ vào đâu để ban hành Quyết định điều động số 5426/QĐ- UBND, ngày 17/8/2018 của Chủ Tịch Ủy ban Nhân dân Tp Buôn Ma Thuột về việc điều động tôi từ Trường Tiểu học Võ Thị Sáu sang trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh với lý do: “Điều chuyển giáo viên từ trường thừa sang trường thiếu?”
2/ Quyết định Điều động không đúng luật
Theo Luật Cán bộ, công chức: Điều động, luân chuyển, biệt phái dành cho Cán bộ, công chức.
- Còn đối với tôi là Viên chức, theo Luật viên chức 2010 thì đối tượng bắt buộc phải là biệt phái.
- Theo quy định tại khoản 10, Điều 7, Luật Cán bộ, công chức thì “ Điều động là việc cán bộ, công chức được cơ quan có thẩm quyền quyết định chuyển từ cơ quan, tổ chức, đơn vị này đến làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị khác” Và khoản 12, Điều 7, Luật Cán bộ, công chức Biệt pháilà việccông chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị này được cửđến làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị khác theo yêu cầu nhiệm vụ.
-Theo quy định tại khoản 1, khoản 2, Điều 36, Luật viên chức 2010 thì “Biệt phái viên chức là việc viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập này được cử đi làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị khác theo yêu cầu nhiệm vụ trong một thời hạn nhất định. Thời hạn cử biệt phái không quá 03 năm.”
Như vậy, đối với đối tượng là cán bộ, công chức thì không nhất thiết bắt buộc phải là điều động, hoặc biệt phái còn đối với viên chức thì đối tượng bắt buộc phải là biệt pháivà biệt phái trong thời hạn không quá 03 năm, tức là phải có thời hạn nhất định;
Đồng thời theo quy định tại khoản 6, Điều 36 Luật viên chức thì đối với viên chức là “Khi hết thời hạn biệt phái, viên chức trở về đơn vị cũ công tác.
Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập cử viên chức biệt phái có trách nhiệm tiếp nhận và bố trí việc làm cho viên chức hết thời hạn biệt phái phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ của viên chức.
*Thứ ba, đối với việc quy cho tôi vi phạm dạy thêm, học thêm là thiếu căn cứ:
Ngày 26/6/2017, Ủy ban Nhân dân phường Tân Thành, kiểm tra rồi lập biên bản vi phạm; ngày 27/6/2017, Ủy ban Nhân dân phường Tân Thành có Tờ trình số 37/TTr- UBND đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột xử lý sự việc vi phạm dạy thêm, học thêm đối với tôi rồi Ủy ban Nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột quy cho vi phạm dạy thêm, học thêm là thiếu can cứ và không khách quan, cụ thể:
1/ Khi cho rằng, nếu có căn cứ chứng minh cho một viên chức có sai phạm thì việc xem xét kỷ luật bắt buộc phải áp dụng bằng một trong các hình thức kỉ luật, gồm có 4 hình thức, cụ thể: Theo quy định tại khoản 1, điều 52 Luật viên chức là:
“Khiển trách, cảnh cáo, cách chức ( áp dụng cho viên chức quản lý), buộc thôi việc.” và đương nhiên cũng phải được tiến hành các bước kỷ luật theo quy định của Luật viên chức.
Như vậy, dựa vào việc quy cho tôi có dạy thêm, học thêm vào ngày 26/6/2017 để làm căn cứ ban hành Quyết định số 5426/QĐ- UBND, ngày 17/8/2018 và văn bản số 3593/UBND-VP, ngày 22/10/2018 UBND Tp. BMT điều động buộc tôi phải chuyển công tác từ Trường Tiểu học Võ Thị Sáu sang trường Tiểu học Đinh Bộ Lĩnh là có vi phạm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật về Viên chức.
Thêm nữa các văn bản mà Ủy ban Nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột viện dẫn trong công văn và thông báo cho tôi cũng không có hình thức kỉ luật nào là “ điều chuyển” công tác.
2/ Thời gian nghỉ hè anh chị em trong gia đình, bạn bè, xóm làng chỉ nhờ tôi vừa trông con nhỏ của tôi vừa giúp con họ ôn bài để họ yên tâm đi làm.
Tôi chỉ bày cho con cháu học cũng không thu một đồng học phí sao phạt tôi vi phạm dạy thêm?
Bản thân tôi đã luôn phấn đấu trong công tác và đạt rất nhiều thành tích. Ngoài 10 năm giảng dạy ngôi trường vùng khó khăn, đối tượng học sinh là con em đồng bào dân tộc Ê-đê.
Lại (lần 2) chuyển tôi đến trường vùng khó khăn đa số là con em đồng bào dân tộc thiểu số đây là một hành vi không khách quan, thiếu công bằng, không đảm bảo quyền lợi của cá nhân tôi và cũng chưa đúng với các quy định của pháp luật.
Tạo cho tôi bao khó khăn trong cuộc sống, ức chế về tâm lý luôn cảm thấy tự ti, măc cảm, làm giảm sút hiệu quả công việc.
Với những lý do nêu trên, căn cứ các giấy tờ, tài liệu có trong hồ sơ vụ việc, đối chiếu theo các quy định của pháp luật về: Tố cáo, Cán bộ, công chức, viên chức và các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan.
Rất mong quý lãnh đạo Ủy Ban Nhân tỉnh Đắk Lắk điều tra, xác minh làm rõ, xem xét giải quyết theo đúng luật tố cáo hiện hành.
Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tôi theo đúng quy định của pháp luật.
Tòa soạn Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận thấy, trên đây chỉ là đơn của cô giáo, chưa phải kết luận hay ý kiến của các cơ quan có trách nhiệm địa phương.
Tuy nhiên, nguyện vọng của cô giáo đáng được quan tâm, tiếp nhận và giải quyết.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi có ý kiến của các cơ quan hữu quan.