Tháng 3 âm lịch hằng năm là tháng mà người dân đảo Lý Sơn chọn ngày thắp hương khấn vái, làm Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Trong ngày ấy, họ thả hoa đăng, thả thuyền cùng hình nhân thế mạng, khấn hương hồn những người đã ra đi vì Hoàng Sa được sớm siêu thoát, sớm quay về với quê hương bản quán.
Báu vật khẳng định chủ quyền
Nếu theo quy ước của họ Đặng (20 năm mới được mở rương một lần), thì đến năm 2019 thì mới đến lượt mở. Thế nhưng vào năm 2009, tuy mới được một nửa thời hạn, thì rộ lên chuyện chủ quyền đối với vùng biển đảo Hoàng Sa.
Ông Lên, anh Thành (bên trái sang) đang nhận bằng khen của Bộ Ngoại giao trao tặng. |
Tuy không biết chữ Hán, nhưng ông trưởng tộc họ Đặng Lên linh cảm rằng tài liệu nằm trong chiếc rương của dòng họ Đặng mà mình đang giữ, có liên quan đến vấn đề đang được cả dư luận quốc tế quan tâm trên. Vì thế sau khi bàn bạc với mọi người trong dòng họ, ông Lên quyết định tổ chức làm lễ xin mở rương và in ra một số bản phụ. Đồng thời, ông giao cho anh Thành mang một bản tìm đến Sở VHTTDL tỉnh để nhờ người có kiến thức, am hiểu xem xét.
TS Nguyễn Đăng Vũ - Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Ngãi, người tiếp nhận tờ lệnh này, nhớ lại: Khi đó tôi đang dự họp thì nghe Thành gọi điện và nói, có tài liệu quan trọng mà dòng họ Đặng cất giữ từ mấy đời nay, có thể liên quan đến Hoàng Sa, muốn nhờ xem giúp.
Trước đó, trong quá trình nhiều lần tìm hiểu tại Lý Sơn, tôi có nghe nói gia tộc họ Đặng còn cất giữ nhiều tư liệu cổ rất quý nên cũng đã tiếp cận, nhưng bị người đại diện họ này từ chối. Vì vậy khi nhận được cuộc điện thoại này, tôi đã bỏ cuộc họp để gặp.
Sau khi nhận văn bản photocopy từ tay anh Thành, TS Vũ liền đi gặp ngay đến các bạn bè biết chữ Nho để cùng dịch và xác định đây là một tờ lệnh của triều đình Vua Minh Mạng, được ban vào ngày 15.4 âm lịch, năm Minh Mạng thứ 15 (năm 1835), với nội dung phái một đội thuyền gồm 3 chiếc với 24 lính thủy Lý Sơn đi thu lượm sản vật ở Hoàng Sa và đo đạc, vẽ bản đồ...
Tờ lệnh còn ghi rõ tên tuổi, nhiệm vụ những người tham gia chuyến này như: Giao cho ông Võ Văn Hùng ở Lý Sơn chọn những thanh niên khỏe mạnh và giỏi nghề bơi lặn để gia nhập đội thuyền; giao Đặng Văn Siểm (bậc tiền nhân gia tộc họ Đặng) lo kham việc đà công (người dẫn đường); giao Võ Văn Công phụ trách lương thảo. Tờ lệnh còn nêu cách tổ chức binh thuyền thành hải đội; thời gian ra khơi...
Hành trình về đất liền
Khi biết ý nghĩa to lớn và quý giá của tờ lệnh, sau khi họp bàn, ngày 9.4.2009, gia tộc họ Đặng đã thống nhất hiến tặng tư liệu quý này cho Nhà nước. Ngày đưa tờ lệnh vào đất liền, gia tộc họ Đặng đã tổ chức một lễ cúng trang nghiêm ở nhà thờ tộc. Không những hậu duệ họ Đặng đi làm ăn xa cũng vội về để tham gia, mà hàng trăm người dân ở đảo cũng đến xem và tiễn đưa tờ lệnh.
TS Vũ kể: Với ý nghĩa vô cùng đặc biệt của tờ lệnh, để đảm bảo vận chuyển an toàn về đất liền và chuyển giao cho Chính phủ, Sở VHTTDL đề nghị huy động lực lượng công an huyện, tỉnh tham gia bảo vệ và áp tải. Tờ lệnh được cất trong một chiếc cặp kim loại chuyên dụng và niêm phong, rồi khóa dính vào tay của một cán bộ công an.
Trong suốt cuộc hành trình từ khi tiếp nhận từ gia tộc họ Đặng, lên tàu và về đến trụ sở của tỉnh, tờ lệnh luôn được đông đảo lực lượng công an bảo vệ. Và sau khi tiếp nhận tờ lệnh từ tộc họ Đặng ở Lý Sơn trao tặng, cũng ngay trong tháng 4.2009, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã trao lại tài liệu trên cho đại diện Bộ Ngoại giao. Tuy chỉ vỏn vẹn có 4 trang, thế nhưng với những thông tin quý đã ghi, tờ lệnh góp thêm một bằng chứng khẳng định rằng vùng biển đảo Hoàng Sa từ xa xưa đã thuộc phạm vi cai quản của Việt Nam.
Với những đóng góp đó, ngoài khen thưởng của UBND huyện, tỉnh và các sở, ngành tỉnh Quảng Ngãi, vào đầu tháng 4.2012, Bộ Ngoại giao cũng đã trao tặng bằng khen cho Gia tộc họ Đặng ở thôn Đồng Hộ, xã An Hải, huyện Lý Sơn, vì có những đóng góp trong công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo.