Ngày khai giảng… nhớ đời
Cô Đặng Thị Thu Thảo – Trưởng lớp tình thương Phước Thiện (quận 7, thành phố Hồ Chí Minh) kể lại những ngày mở lớp đáng nhớ.
Đầu thập niên 90, huyện Nhà Bè nổi lên một số băng nhóm có tiếng tăm, như: Tuấn “mã tấu”, Trung “đen”, Vinh “Cầu Muối”…
Gia đình cô Thảo từ quận 4 sang huyện Nhà Bè để lập nghiệp nên không biết có những băng nhóm nổi tiếng như vậy.
Cô giáo Đặng Thị Thu Thảo (ảnh nhỏ) và học sinh lớp học tình thương Phước Thiện đang nắn nót viết chữ đẹp. (Ảnh: H.L) |
Khi mở lớp học, nhiều “anh – chị” tìm đến để học. Lớp học rất đông và có trên 25 học sinh.
Những học sinh này vào học rất nhốn nháo, mất trật tự và gây ồn ào với những bạn cần học. Cô Thảo nhẹ nhàng khuyên: “Chị mở lớp mong muốn cho các em có con chữ, mong các em hợp tác với chị”.
Lớp học lại ồ lên những tiếng cười, mặc cho cô Thảo đã nói hết lời.
Lúc này, một tiếng động đập mạnh vào mặt bàn rõ to và một giọng văng tục vang lên: “***, ai muốn học thì ở lại học, còn ai không muốn học thì bước ra khỏi nơi này cho tao!”.
Lớp học như đàn ong vỡ tổ bỗng chốc im phăng phắc. Không một tiếng động nhẹ và thậm chí còn có thể nghe rõ tiếng thở của từng học sinh.
Được khoảng 15 giây tĩnh lặng, lũ lượt gần nửa lớp đứng lên để bước ra ngoài và nhường chỗ lại cho sự im lặng cần thiết để cô Thảo có thể tiếp tục dạy.
Đến đây, em học sinh vỗ bàn cất tiếng: “Dạ, cô dạy tiếp đi cô”.
Cô Thảo run lẩy bẩy, người toát mồ hôi hột vừa lạ lẫm, ngạc nhiên xen lẫn một chút sợ hãi. Ít phút bình tâm, cô bắt đầu cho bài học đầu tiên với các học sinh.
Cầm viên phấn trên tay, cô Thảo đánh rơi xuống đất liên tục. Đó là buổi khai giảng cô Thảo không thể nào quên đối với sự nghiệp đi dạy của mình.
Nhận dạng “đại ca” lớp học
Cô Thảo cảm giác không thể đứng vững trên lớp nên nói với học sinh, thôi các em về đi rồi mai chúng ta sẽ tiếp tục dạy. Các bạn trong lớp lần lượt chào cô Thảo rồi ra về trong trật tự.
Chiều hôm đó, cô Thảo sang nhà hàng xóm để thuật lại câu chuyện khi sáng. Ông anh hàng xóm bèn nói, ngày mai cô cứ vào dạy rồi tui đứng ngoài nhận dạng cho.
Học sinh lớp học tình thương Phước Thiện. (Ảnh: H.L) |
Hôm sau, ông anh hàng xóm đứng từ xa để quan sát các em học sinh vào học. Cô Thảo nháy mắt về người học sinh vỗ bàn hôm trước.
Chiều đến, ông anh này đã chỉ cho cô Thảo biết và nhận dạng từng học sinh một trong nhóm. Người vỗ bàn là Tuấn “mã tấu” và là “đại ca” của những học sinh nào và thân thiết với những học sinh nào?
Điều bất ngờ, những học sinh có bản tính “dân chơi, giang hồ” lại chịu khó học hơn những em học sinh ngoan khác. Học được đôi tuần, cô Thảo lại thấy lớp thưa hơn và vắng những em “đại ca”.
Hỏi những em học sinh cùng đi chung, các em này nói: “Tuấn nó… “vô hộp” rồi cô ơi!”.
Cô Thảo ngớ người không biết “vô hộp” là thế nào (?!) Được các em giải thích, cô chỉ biết tặc lưỡi rồi lắc đầu. Cũng vài tuần sau, Tuấn “mã tấu” lại xuất hiện trên lớp và học đua theo chúng bạn như không có chuyện gì xảy ra.
Trong lớp, không một bạn nào thắc mắc, hỏi han hay thăm hỏi vì xem đó là chuyện bình thường với một tay “đàn anh” như Tuấn.
Hết năm đầu tiên, cô Thảo chính thức mở lớp và lớp học tình thương chịu sự quản lý về sỉ số, sổ sách với trường trực thuộc.
Cô có nói các học sinh này, các em muốn tiếp tục học phải làm đơn kêu ba mẹ điền vào để báo cáo lại với trường.
...
Tháng 9/1991, lớp học tình thương Phước Thiện chính thức đi vào hoạt động.
(còn tiếp)