LTS: Đưa ra quan điểm cho rằng, thay cho những khẩu hiệu đã trở nên nhàm chán thì ngành giáo dục, các nhà trường cần có những chủ trương, định hướng đúng sẽ phát huy được khả năng, trí tuệ của cả thầy và trò, nhà giáo Nhật Duy đã có bài viết chia sẻ.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Bây giờ, nếu chúng ta có dịp vào các trường học công lập, dù là trường lớn hay trường nhỏ, dù là trường ở chốn thị thành được đầu tư khang trang hay các trường học ở những vùng xa xôi hẻo lánh đang còn trong cảnh tranh tre nứa lá thì mọi người bắt gặp một điểm rất chung đó là trường nào cũng có rất nhiều…khẩu hiệu.
Khẩu hiệu từ cổng trường cho đến những bức tường phía trước các nhà hiệu bộ, các phòng học, hành lang, trên cầu thang, trong lớp học.
Đâu đâu chúng ta cũng thấy có khẩu hiệu nhưng xem chừng khẩu hiệu cũng chỉ là…khẩu hiệu bởi thực tế nó cũng chẳng có mấy tác dụng.
Khi đi trên các đường lộ, có dịp nhìn vào các cổng trường học, chúng ta thấy có những bảng chữ được những người thợ hồ, thợ in hay thợ cơ khí làm một cách rất cẩn thận để trang trí những khẩu hiệu của các trường học.
Thường, các câu khẩu hiệu này được trình bày rất trang trọng. Có thể được bố trí ở phía dưới tên trường hoặc chếch sang bên trái, bên phải.
Các trường học bây giờ đang có có quá nhiều…khẩu hiệu (Ảnh minh họa: lequydon.elc.vn). |
Các khẩu hiệu hay được các trường lựa chọn nhất như: Trường em sạch, đẹp, an toàn; Cổng trường em sạch, đẹp, an toàn; Trường học thân thiện, học sinh tích cực; Mỗi ngày đến trường là một ngày vui…
Khi bước vào khu vực sân trường, chúng ta thấy trường nào cũng trưng một câu khẩu hiệu to tướng ở khu vực trung tâm nhà trường, nơi tiếp giáp giữa tầng 1 và 2 của các dãy phòng học, các câu khẩu hiệu quen thuộc mà chúng ta hay thấy như:
Tiên học lễ - hậu học văn; Nơi nuôi dưỡng những ước mơ tuổi trẻ; Nơi biến những ước mơ của học sinh thành sự thật; Nơi khơi nguồn những ý tưởng sáng tạo của tuổi thơ; Giáo dục làm người là mục tiêu số 1 của nhà trường; Phụ huynh sẽ hài lòng về con mình khi đến với nhà trường…
Đi dọc theo các hành lang của các phòng học cũng không thiếu những câu khẩu hiệu được in sẵn và treo lên các bức tường như:
Mỗi ngày đến trường là một niềm vui; Mỗi thầy cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo; Nơi tiếp sức để các em vững bước vào tương lai; Đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục; Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm; Xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực.
Bước lên đến cầu thang, dù chỉ có một khoảng không gian rất nhỏ nhưng các nhà trường cũng lồng vào những câu khẩu hiệu bắt mắt như:
Đi nhẹ, nói khẽ; Không có học sinh yếu, chỉ có học sinh chưa chăm; Nghĩ tích cực - Học chăm ngoan - Làm việc tốt - Sống có ích; Học tập sáng tạo - Rèn luyện chăm ngoan - Vui chơi lành mạnh; Thầy mẫu mực - Trò chăm ngoan - Trường khang trang - Lớp thân thiện…
Phong trào nhà trường thân thiện, học sinh tích cực sẽ đi về đâu? |
Vào trong lớp học thì cả 4 bức tường phía nào cũng có khẩu hiệu để trang trí. Toàn là những câu nói hay như:
Học không biết chán, dạy người không biết mỏi; Vào lớp thuộc bài - Ra lớp hiểu bài; Đừng xấu hổ khi không biết, chỉ xấu hổ khi không học; Mỗi ngày đến trường là một niềm vui; Học để biết; Học để làm; Học để tự khẳng định mình; Học để cùng chung sống…
Nhiều lớp còn được ken đầy các khẩu hiệu, tranh ảnh tự phát nhìn không đẹp một chút nào. Bởi, mỗi lớp một kiểu, mỗi giáo viên chủ nhiệm một ý khác nhau, năm nay phát động trang trí, năm sau lại cũng phát động, thành ra cứ đóng vào, gỡ đi trông thật nham nhở cho các bức tường.
Rồi, phòng giáo viên, phòng thư viện, thiết bị, hội trường…đâu đâu cũng có những câu khẩu hiệu phù hợp với từng đặc điểm chức năng của các phòng bộ môn.
Có những câu khẩu hiệu đã được làm từ lâu năm, có những câu khẩu hiệu mới được làm đan xen vào nhau với muôn sắc màu rực rỡ.
Những nét chữ cũng như nhảy múa bởi có rất nhiều những phông chữ khác nhau. Chỗ in chữ hoa, chỗ in chữ thường, chỗ in chữ nghệ thuật…nhiều vô kể.
Hiệu trưởng này thích câu khẩu hiệu này thì in, thì treo, khi hiệu trưởng khác về lại thay đổi, lại in mới
Tuy nhiên, có một điều rất rõ là dù khẩu hiệu nhiều vô kể như vậy nhưng thực tế khi thực hiện nhiệm vụ thì kết quả lại đối ngược với khẩu hiệu rất nhiều.
Đó là tình trạng bỏ học một số nơi còn rất cao, tình trạng bạo lực học đường xảy ra khắp nơi, quy chế dân chủ mờ nhạt, hình thức.
Đặc biệt là chất lượng giảng dạy chỉ mới đạt trên những số liệu báo cáo còn chất lượng thực thì chắc chắn là còn rất xa với những con số báo cáo cho cấp trên hay trong các buổi tổng kết của nhà trường.
Việc đưa quá nhiều khẩu hiệu vào nhà trường dù chưa có những nghiên cứu thống kê về tính hiệu quả của nó. Nhưng, có lẽ nó không đem lại những lợi ích hay có những tác động lớn đến cả thầy và trò.
Một lần nữa, lại phải bàn về giữ hay bỏ “Tiên học lễ, hậu học văn”? |
Việc nhà trường tự làm hay phát động phụ huynh chung tay trang trí lớp thực ra cũng chỉ làm vui mắt thầy trò được mấy ngày đầu.
Thời gian trôi đi, những bảng khẩu hiệu đó mờ nhạt, phai màu dần. Nhất là không được quét tước thường xuyên nên những câu khẩu hiệu đó trở nên cáu bẩn. Những vết đinh thì nham nhở trên những bức tường sơn mất đi tính thẩm mỹ vốn có của nó.
Vậy nhưng, việc đầu tư cho các loại khẩu hiệu hàng năm cũng tốn một khoản kinh phí không hề ít.
Nếu tính với giá rẻ nhất hiện nay khi làm khẩu hiệu là in mực trên Bạt Hiflex thì cũng hàng trăm ngàn/m2 nên mỗi câu khẩu hiệu cũng bộn tiền.
Mỗi lớp vài câu khẩu hiệu, nhà trường cộng cả lớn nhỏ, trong và ngoài phòng học có hàng trăm khẩu hiệu như vậy chắc chắn cũng tốn rất nhiều tiền.
Đó là chưa kể hàng tháng đều có các chủ điểm hoạt động của Đoàn - Đội cũng phải treo băng rôn, khẩu hiệu đều đều…
Có lẽ, chuyện khẩu hiệu đã quá quen thuộc với mỗi người dân chúng ta, khẩu hiệu có khắp nơi. Nhưng, trong trường học thì cũng cần hạn chế.
Những khẩu hiệu nào thực sự cần thiết thì làm. Nó vừa đỡ lãng phí tiền bạc mà phòng ốc, những bức tường cũng bớt đi sự rườm rà không cần thiết.
Thay cho những khẩu hiệu đã trở nên nhàm chán thì ngành giáo dục, các nhà trường cần có những chủ trương, định hướng đúng sẽ phát huy được khả năng, trí tuệ của cả thầy và trò.
Khẩu hiệu nhiều mà ngành luôn có những sự cố đầy tai tiếng thì khẩu hiệu cũng trở nên vô nghĩa mà thôi.