Ông Nguyễn Đăng Thắng (giảng viên khoa Luật, Học viện Ngoại giao) phân tích:
Rất khó có thể dự đoán kết quả của vụ việc khi còn thiếu thông tin. Một đánh giá đầy đủ hơn chỉ có thể được đưa ra khi có các bản biện hộ và lập luận của Philippines và đặc biệt là của Trung Quốc.
Tuy nhiên, trên cơ sở tuyên bố khởi kiện của Philippines có thể có một số nhận xét sau.
Trước hết có thể thấy rằng Tòa trọng tài theo Phụ lục VII hoàn toàn có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng Điều 121 của Công ước Luật Biển đối với các cấu tạo địa chất tại Biển Đông. Vấn đề này không liên quan đến việc phân định biển hay nói đúng hơn là nó nằm trước giai đoạn phân định. Chỉ khi xác định các cấu tạo địa chất ở Biển Đông có vùng biển không và vùng biển đó rộng bao nhiêu thì mới biết có vùng chồng lấn ở đâu và có cần phân định không.
Tuy nhiên, ở đây có vấn đề đáng lưu ý là trong Tuyên bố khởi kiện của mình, Philippines giới hạn việc giải thích và áp dụng điều khoản này ở một số vị trí mà Trung Quốc đang chiếm đóng tại Biển Đông chứ mở rộng ra toàn bộ ra các cấu tạo địa chất mà Trung Quốc yêu sách ở Biển Đông. Cụ thể, Phi-líp-pin nêu rõ là vụ kiện chỉ liên quan đến bãi Hoàng Nham, ba vị trí tại Trường Sa là Gạc Ma, Châu Viên và Chữ Thập cùng các bãi ngầm là Vành Khăn, McKennan, Gaven và Xu-bi mà Philippines cho rằng nằm trên thềm lục địa của họ (tất nhiên Philippines cũng bảo lưu quyền bổ sung, sửa đổi nội dung kiện của mình).
Tuy nhiên, điểm yếu đó là Trung Quốc hoàn toàn có thể lập luận rằng yêu sách về chủ quyền của họ ở Biển Đông không chỉ giới hạn ở các vị trí mà Trung Quốc đang chiếm đóng như Philippines nêu, mà mở rộng ra nhiều vị trí khác, trong đó có cả các cấu tạo lớn hơn và nhô cao lên khỏi mặt nước.
Chẳng hạn, Trung Quốc có thể nêu ngay yêu sách đối với đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa mà Philippines đã đưa dân ra cư trú và cho rằng vị trí đó đáp ứng tiêu chuẩn là một đảo (phù hợp cho con người đến ở hoặc có được một đời sống kinh tế riêng) để có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Như vậy, sẽ có vùng chồng lấn giữa một bên là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của đảo Thị Tứ tại Trường Sa mà Trung Quốc cũng yêu sách và vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa tính từ bờ biển của Philippines. Để xác định tiếp xem phạm vi vùng biển thuộc đảo Thị Tứ và vùng biển thuộc bờ biển của Philippines là thế nào sẽ đòi hỏi phải tiến hành một công việc giống như phân định - một điều mà Tòa trọng tài theo Phụ lục VII của Công ước Luật Biển không có thẩm quyền giải quyết.
Trong trường hợp này, Philippines sẽ không đạt được mục tiêu đặt ra đó là khẳng định Trung Quốc tối đa chỉ có thể có các vùng lãnh hải rộng 12 hải lý xung quanh các cấu tạo địa chất ở Biển Đông để từ đó khẳng định Philippines có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phù hợp với Công ước nằm bên ngoài các vùng lãnh hải này.
Tất nhiên, cũng có thể Philippines đã dự trù đến việc này và có chuẩn bị để chứng minh rằng ngay cả những vị trí mà Trung Quốc yêu sách nhưng không chiếm đóng cũng không phải là "đảo" mà chỉ là "đá" theo Điều 121 của Công ước Luật Biển và do đó cũng chỉ có lãnh hải 12 hải lý. Ngoài ra, cũng không loại trừ khả năng Philippines trù bị cho các bước tiếp theo, sử dụng đến cơ chế, thủ tục khác để giải quyết vấn đề phân định với Trung Quốc.
Một khả năng nữa có thể xảy ra đó là Trung Quốc sẽ chính thức tuyên bố rằng "đường chín đoạn" là thể hiện yêu sách về quyền lịch sử hay vùng nước lịch sử của Trung Quốc về Biển Đông (từ trước đến giờ Trung Quốc vẫn "nói bóng gió" về điều này). Trên cơ sở tuyên bố đó, Trung Quốc sẽ lập luận rằng Tọa trọng tài theo Phụ lục VII của Công ước Luật Biển không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp liên quan đến "đường chín đoạn" vì Trung Quốc đã có tuyên bố năm 2006 về các ngoại lệ đối với thẩm quyền của Tòa trọng tài theo Phụ lục VII, theo đó loại bỏ các tranh chấp liên quan đến vịnh lịch sử và danh nghĩa lịch sử khỏi thẩm quyền xét xử của Tòa trọng tài.
Tuy nhiên, ở đây có một số điểm chưa rõ ràng trong quy định của Công ước về ngoại lệ này và sẽ cần Tòa trọng tài giải thích. Thứ nhất, không rõ rằng ngoại lệ đối với thẩm quyền của Tòa trọng tài được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm tất cả các tranh chấp có yếu tố lịch sử, kể cả yêu sách về quyền lịch sử và vùng nước lịch sử, hay chỉ giới hạn ở những tranh chấp liên quan đến vịnh lịch sử và danh nghĩa lịch sử theo đúng lời văn của Công ước.
Thứ hai, nếu ngoại lệ về tranh chấp có yếu tố lịch sử được hiểu theo nghĩa rộng thì cũng vẫn chưa rõ rằng liệu tranh chấp đó bao gồm cả tranh chấp về việc có tồn tại quyền lịch sử, vùng nước lịch sử hay không, hay chỉ giới hạn ở tranh chấp liên quan đến việc thực thi quyền lịch sử hay sử dụng một vùng nước lịch sử đã được xác lập và công nhận.
Nhưng có thể chắc chắn rằng Philippines đã dự trù về điều này và có chuẩn bị lập luận riêng của mình về vấn đề này theo hướng hạn chế ngoại lệ mà Trung Quốc đưa ra.
Với việc kiện Trung Quốc, Philippines thách thức tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Fu Yuing trước Ngoại trưởng del Rosario rằng không được quốc tế hóa tranh chấp giữa họ, bằng cách 1. đưa vấn đề ra Liên hợp quốc và 2. đưa vấn đề ra với các bên thứ ba, bao gồm các đồng minh của Philippines (như Mỹ) và 3. không tiến hành cuộc họp báo công khai.
Nói cách khác, Philippines đã mở mặt trận pháp lý chống lại mong muốn của Trung Quốc. Đòi hỏi của Trung Quốc rằng Biển Đông không bị quốc tế hóa nay đã bị ném xuống biển. GS Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia.