6 quyết sách cấp bách của tướng Giáp về Giáo dục VN

16/04/2011 18:12
6 giải pháp này nằm đổi mới nền giáo dục nước nhà, mà theo Đại tướng, giáo dục và đào tạo là nhân tố quyết định tiềm năng của con người Việt Nam, đưa nước ta tiến lên nhanh và vững

Ngày 6/9/2007, một số tờ báo nhận được bài viết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tiêu đề "Đổi mới có tính cách mạng nền giáo dục và đào tạo của nước nhà". Trong bài viết hơn 4.000 từ này, Đại tướng có nêu nhiều vấn đề đã từng đặt ra từ trước tới nay, đồng thời nêu 6 vấn đề "cơ bản và cấp bách" nhằm "triển khai có kết quả công cuộc đổi mới nền giáo dục và đào tạo.

Trong bài viết của mình, Đại tướng có nói rõ, giáo dục và đào tạo là nhân tố quyết định để phát huy tiềm năng trí tuệ và năng lực sáng tạo của con người Việt Nam và cộng đồng dân tộc Việt Nam, là động lực quan trọng để đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đưa nước ta tiến lên nhanh và vững, hội nhập quốc tế thắng lợi, sánh vai cùng các nước tiên tiến trên thế giới.

Giáo dục Việt Nam xin trích đăng 6 giải pháp cơ bản và cấp bách mà tướng Giáp đưa ra:

… Để triển khai có kết quả công cuộc đổi mới nền giáo dục và đào tạo, cần thực hiện ngay một số vấn đề cơ bản và cấp bách:

Trước hết, cần tổ chức lại và kiện toàn Hội đồng giáo dục quốc gia cho ngang tầm với nhiệm vụ. Đây là hội đồng khoa học, chủ yếu làm nhiệm vụ tư vấn cho Trung ương, Quốc hội và Chính phủ trong việc hoạch định chính sách và chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo ở tầm vĩ mô. Hội đồng phải tập hợp được các nhà giáo dục và khoa học có tâm huyết, những chuyên gia giỏi, am hiểu hình hình giáo dục trong nước và thế giới, có uy tín, phần lớn không phụ trách chức vụ quản lý, kể cả những người đã nghỉ hưu nhưng có năng lực, có kinh nghiệm và còn sức làm việc. Chủ tịch Hội đồng nên là một nhà khoa học giáo dục có uy tín phụ trách. Hội đồng có quy chế làm việc chặt chẽ, bảo đảm thực sự dân chủ, tôn trọng những ý kiến khác nhau, cùng nhau thảo luận đi đến kết luận và đưa ra kiến nghị với Đảng và Nhà nước.

Hai là, tổ chức nghiên cứu rà soát lại hệ thống chương trình giáo dục và sách giáo khoa. Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, ổn định chương trình làm cơ sở để sớm biên soạn xong sách giáo khoa chuẩn mực cho mọi bậc học, mọi ngành học trong một vài năm. Thay đổi cách tổ chức biên soạn chương trình, sách giáo khoa, thực hiện dân chủ, công khai, tránh độc quyền, có hội đồng thẩm định nghiêm túc, tránh sửa đi sửa lại, biên soạn kéo dài và thay đổi sách triền miên. Một số nhà khoa học nêu ý kiến có thể giải quyết vấn đề chương trình và sách giáo khoa chuẩn cho cả phổ thông và đại học trong một năm với kinh phí 100 tỷ đồng. Những ý kiến như vậy nên được trao đổi, bàn bạc.



6 quyết sách cấp bách của tướng Giáp về Giáo dục VN ảnh 1

Ảnh: Bee.net.vn

Ba là, cần nghiên cứu tổ chức hệ thống giáo dục quốc dân cho hợp lý. Sớm chấm dứt tình trạng “vừa thừa vừa thiếu cả thầy lẫn thợ”. Cấp đại học trước hết phải nâng cao chất lượng về mọi mặt, phấn đấu đến năm 2020 có một số trường đại học trọng điểm đạt đẳng cấp quốc tế. Chỉ mở thêm trường đại học khi có đủ điều kiện bảo đảm chất lượng. Sớm khắc phục tình trạng đào tạo trên đại học tràn lan, không bảo đảm chất lượng. Nghiên cứu biện pháp nâng cao chất lượng và thực hiện tốt việc phân luồng ở cấp phổ thông. Phát triển mạnh hệ thống các trường dạy nghề để đáp ứng kịp nhu cầu nhân lực có kỹ năng chuyên môn cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phấn đấu trong một thời gian ngắn nhất có thể được, làm cho bằng cấp của nước ta, lao động kỹ thuật do ta đào tạo ra được thị trường quốc tế thừa nhận.

Hết sức coi trọng phương châm gắn học với hành. Trường đại học gắn với viện nghiên cứu và các cơ sở kinh tế lớn. Trường dạy nghề gắn với các cơ sở sản xuất. Trường phổ thông phải tổ chức hướng nghiệp, gắn với đời sống kinh tế xã hội ở địa phương.

Tiếp tục chống gian lận trong thi cử, chạy theo thành tích giả. Sớm chấm dứt mọi hiện tượng tiêu cực trong ngành giáo dục.

Bốn là, cần triển khai tích cực công tác phát hiện, tuyển chọn nhân tài, tổ chức đào tạo trong nước và ngoài nước để sớm có một đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ cao, bồi dưỡng thành đội ngũ giảng viên đại học, đáp ứng yêu cầu bảo đảm chất lượng của cấp đại học. Nâng cao chất lượng cấp đại học là cơ sở để nâng cao chất lượng cấp trung học phổ thông và dạy nghề.

Đào tạo đội ngũ thầy giáo có trình độ quốc tế là vấn đề quyết định để đổi mới, hiện đại hóa nền giáo dục nước nhà. Coi trọng việc lựa chọn đúng cán bộ quản lý giáo dục, nhất là chức bộ trưởng, hiệu trưởng các trường đại học lớn và giám đốc các sở giáo dục. Những cán bộ ấy phải là những người có tâm và có tầm, có phẩm chất đạo đức và năng lực trí tuệ, năng động, sáng tạo, không bảo thủ giáo điều, có uy tín, có cách làm việc tập hợp được nhân tài, phát huy được trí tuệ của chuyên gia giỏi, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục.

Để khắc phục tình trạng thiếu hụt cán bộ đầu đàn và sự mất cân đối về cơ cấu, trước mắt, cần có cơ chế và chính sách tiếp tục sử dụng những cán bộ khoa học và giáo dục đã đến tuổi nghỉ hưu nhưng còn đủ sức khỏe, có năng lực chuyên môn và có tâm huyết.

Mặt khác, cần có chủ trương, chính sách và cơ chế tạo môi trường thuận lợi để thu hút các nhà khoa học giỏi vào đội ngũ giảng viên cao cấp của các trường đại học và các viện nghiên cứu, thu hút các chuyên gia nước ngoài, đặc biệt là các nhà khoa học người Việt ở nước ngoài tham gia giảng dạy và nghiên cứu ở các trường đại học và viện nghiên cứu của Việt Nam.

Năm là, cần tăng thích đáng đầu tư, và quan trọng hơn, cần quản lý và sử dụng có hiệu quả ngân sách đầu tư cho giáo dục và đào tạo. Mức đầu tư phải tạo điều kiện cho giáo dục và đào tạo đi trước, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Mấy năm qua, mức đầu tư cho giáo dục và đào tạo (tính theo % GDP và % ngân sách nhà nước) đã tăng đáng kể.

Ảnh: Vietnamnet

Tuy nhiên, cần thấy rõ là mức đầu tư cho giáo dục và đào tạo tính theo đầu người của nước ta còn rất thấp so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới (4), vì vậy, cần tính toán các mặt để có một mức tăng đáng kể từ nay đến năm 2020 nhằm tạo nên một sự chuyển biến căn bản về chất lượng và quy mô giáo dục và đào tạo. Đầu tư từ ngân sách nhà nước có vai trò quan trọng, nhưng chắc chắn không thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng, bởi vậy, một nguồn lực quan trọng là cần xác định trách nhiệm, cơ chế và chính sách cụ thể nhằm huy động sự đóng góp của các tổ chức kinh tế và xã hội sử dụng nguồn nhân lực được đào tạo. Đồng thời, đặc biệt quan tâm việc quản lý, phân bổ và sử dụng các nguồn đầu tư cho giáo dục và đào tạo một cách đúng hướng, hợp lý và hiệu quả, tránh gây thất thoát, lãng phí.

Dành tỷ lệ đầu tư thích đáng cho việc nâng cấp, từng bước hiện đại hóa kết cấu hạ tầng vật chất kỹ thuật cho giáo dục và đào tạo, đặc biệt là nguồn thông tin tư liệu, các trung tâm thử nghiệm, các cơ sở dạy nghề và sản xuất thử, các trung tâm đào tạo ngoại ngữ và tin học.

Cuối năm 2000, Trung ương đã có chỉ thị về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, cho đến nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống giáo dục và đào tạo vẫn còn hạn chế, còn kém so với các nước trong khu vực. Để tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục, cần có chủ trương và chính sách cụ thể tạo điều kiện cho các giáo viên, học sinh, sinh viên được dễ dàng sử dụng máy tính và Internet trong giảng dạy, nghiên cứu và học tập. Đồng thời, cần nghiên cứu thực hiện chủ trương phổ cập tiếng Anh để nâng cao hiệu quả sử dụng máy tính và Internet trong giáo dục và đào tạo, trong nghiên cứu khoa học cũng như trong hoạt động quản lý và kinh doanh (5).

Sáu, nền giáo dục của ta là nền giáo dục của dân, vì dân, do dân. Dân chủ và công bằng là tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, trước hết phải được thể hiện trong giáo dục và y tế, hai lĩnh vực trực tiếp bồi dưỡng con người. Bác Hồ mong muốn “ai cũng được học hành”. Vì vậy, xu hướng đúng đắn là phải tiến tới bỏ học phí. Nhiều nước tư bản cũng đã bỏ học phí ở cấp phổ thông, có nước bỏ học phí ở cấp đại học.

Đất nước Cuba còn nhiều khó khăn vẫn kiên trì thực hiện học tập và chữa bệnh miễn phí. Vì vậy, không lý gì ta lại chủ trương tăng học phí tràn lan (6). Phải kiên quyết thực hiện không thu học phí đối với giáo dục phổ cập theo đúng tinh thần của Hiến pháp.

Mặt khác, cần nghiên cứu kỹ chế độ học phí theo hướng không tăng mà giảm dần, tiến tới bỏ học phí ở cấp phổ thông rồi tiến đến bỏ học phí ở cấp đại học. Ở cấp mẫu giáo, mầm non, không nên hình thành một loại trường cho các cháu con nhà giàu và một loại trường cho các cháu con nhà nghèo.

Nên nghiên cứu vận dụng cơ chế khuyến khích cạnh tranh dạy tốt, học tốt, nhưng không nên phát triển tư nhân hóa trường công, phát triển xu hướng thương mại hóa giáo dục, coi nhà trường là tổ chức kinh doanh để thu lợi nhuận dưới danh nghĩa “xã hội hóa giáo dục”, không đúng với tinh thần chủ trương của Đảng và Nhà nước trong sự nghiệp xây dựng nền giáo dục của nhân dân, vì nhân dân.

********************

(4) Hiện nay, mức đầu tư cho GD-ĐT tính theo đầu người của Việt Nam chỉ bằng 1/8 của Thái Lan và chỉ bằng 1/20 mức trung bình của các nước phát triển.

(5) Hiện nay, khoảng 90% nguồn thông tin, tri thức khoa học và công nghệ trên internet được viết bằng tiếng Anh.

(6) Hiện nay, tỷ lệ đóng góp giữa nhân dân và nhà nước ở ta là 50/50, trong khi tỷ lệ đóng góp cao nhất của người dân trên thế giới khoảng 20% (Mỹ 19%, Pháp 7%, Trung Quốc 12%).

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Bài đã đăng trên VietNamNet ngày 10/9/2007)