Bí quyết học tập của học sinh người dân tộc Thái với 10 điểm môn Lịch sử

20/07/2019 07:39
Phan Tuyết
(GDVN) - Lúc nào rảnh cũng phải tự nhẩm, tự thống kê trong đầu những kiến thức mình đã học được. Có thế mới nhớ bài lâu và sâu kỹ.

Lang Văn Trường dân tộc Thái, học sinh lớp 12A Trường Trung học cơ sở&Trung học phổ thông huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa trong kỳ thi trung học phổ thông vừa qua đã đạt được số điểm ấn tượng là 26.5 (cộng điểm vùng thành 29.25đ).

Gia đình em Lang Văn Trường dân tộc Thái (Ảnh nhân vật cung cấp).
Gia đình em Lang Văn Trường dân tộc Thái (Ảnh nhân vật cung cấp).

Trong đó, môn Lịch sử em đạt 10 điểm tuyệt đối.

Có tình yêu với sử và nỗ lực của bản thân

Hỏi về bí quyết học tập để đạt được điểm cao môn sử (một môn học mà chiếm tới 70% điểm yếu kém trong kỳ thi phổ thông quốc gia vừa qua), Trường cho biết:

Em rất yêu thích môn Lịch Sử. Ngay từ khi còn nhỏ đã luôn được mẹ kể cho nghe những câu chuyện sử, tình yêu cứ lớn dần theo năm tháng.

Khi vào học phổ thông, em tìm hiểu kĩ hơn về những sự kiện diễn ra của đất nước, của thế giới.

Em Lang Văn Trường dân tộc Thái (Ảnh nhân vật cung cấp)
Em Lang Văn Trường dân tộc Thái (Ảnh nhân vật cung cấp)

Tìm hiểu về truyền thống dựng nước, giữ nước của dân tộc. Hiểu được vì sao nước mình nhỏ thế mà luôn đánh thắng kẻ thù mạnh gấp nhiều lần…

Kiến thức rộng, bao la nên em tìm cho mình nhiều phương pháp học khác nhau. Như việc học kỹ kiến thức trong sách giáo khoa, hệ thống bài học bằng sơ đồ tư duy giúp cho việc nắm chắc bài và nhớ kiến thức sâu.

Học theo phương pháp 5 W (trong tiếng Anh: What Who Where When Why, hay là: Cái gì, Ai, Ở đâu, Khi nào, Tại sao?).

Khi hỏi: “Ai chỉ cho cách học này?” Trường nói rằng tự em tìm hiểu, vận dụng vào học thấy hiệu quả nên rút ra làm bài học cho mình.

Trường cho biết, để đạt kết quả cao môn sử không thể học thuộc lòng mà phải học hiểu.

Khi đã học hiểu từ sự kiện này có thể liên tưởng đến sự kiện khác. Và khi vào thi, gặp bất kỳ dạng bài nào cũng có thể làm tốt.

Bí quyết học tập của học sinh người dân tộc Thái với 10 điểm môn Lịch sử ảnh 3
Vì sao môn Lịch sử điểm thi tốt nghiệp vẫn thấp?

Thời gian Trường đầu tư cho việc học không hề nhỏ. Mặc dù cũng phải giúp ba mẹ công việc nhà như cho gà, lợn ăn, quét dọn nhà cửa, chăm sóc vườn cây, xong việc lúc nào cũng ôm sách vở để học.

Đêm nào cũng học tận 2,3 giờ sáng mới ngủ.

Điều đặc biệt, ngoài giờ học ở trường, em đều ở nhà tự học mà không hề đi học thêm buổi nào.

“Dân ta phải biết sử ta”

Trong cuộc trò chuyện với em, đã hơn một lần chúng tôi nghe em đọc hai câu thơ của Bác: “Dân ta phải biết sử ta…”.

Là người Việt cần phải yêu, phải biết về lịch sử nước nhà, Trường khẳng định như vậy. Nếu chịu khó dành thời gian đọc, tìm hiểu sẽ thấy được lịch sử nước nhà hay, hào hùng.

Truyền thống của cha ông đáng tự hào dường nào.

Thế nên, không yêu lịch sử nước nhà sẽ không thể học sử tốt được.

Lời khuyên của Trường dành cho những học sinh đang sợ sử là không học vẹt, học thuộc lòng vì như thế sẽ dễ quên.

Lúc nào rảnh cũng phải tự nhẩm, tự thống kê trong đầu những kiến thức mình đã học được. Có thế mới nhớ bài lâu và sâu kỹ.

Phan Tuyết