Bộ Giáo dục sẽ cắt giảm thêm 91 điều kiện kinh doanh

30/03/2018 10:10
Linh Hương
(GDVN) - Cùng với kết quả năm 2017, số điều kiện kinh doanh mà Bộ đã và dự kiến cắt giảm hoặc đơn giản hóa trong năm 2018 là 120/241 điều kiện hiện hành, chiếm 49,8%.

Ngày 28/3 vừa qua, Tổ công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với Bộ giáo dục và Đào tạo về tình hình thực hiện một số nhiệm vụ, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng giao.

Theo đó, có nội dung rà soát, cắt giảm hoặc đơn giản, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không đồng bộ, bất hợp lý, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, thực hiện luật Đầu tư năm 2014, Bộ đã rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, tổng số là 241 điều kiện kinh doanh.

Ngày 28/3 vừa qua, Tổ công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với Bộ giáo dục và Đào tạo về tình hình thực hiện một số nhiệm vụ, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng giao. (Ảnh: VTV)
Ngày 28/3 vừa qua, Tổ công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với Bộ giáo dục và Đào tạo về tình hình thực hiện một số nhiệm vụ, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng giao. (Ảnh: VTV)

Năm 2017, Bộ đã chủ động cắt giảm 29 điều kiện, đơn giản hóa 22 điều kiện tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.

Ngày 21/4/2017, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 46/2017 quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.

Như vậy, tổng số điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục còn lại là 212 điều kiện kinh doanh. Trong khi đó, yêu cầu của Chính phủ là phải cắt giảm 50%. 

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo, dự kiến trong năm 2018 sẽ cắt giảm, đơn giản hóa 91 điều kiện kinh doanh, chiếm 42,9% (cắt giảm 75 điều kiện, đơn giản hóa 16 điều kiện).

Bộ Giáo dục sẽ cắt giảm thêm 91 điều kiện kinh doanh ảnh 26 vấn đề Thủ tướng giao Bộ Giáo dục cần khắc phục càng sớm càng tốt

Như vậy, cùng với kết quả năm 2017, số điều kiện kinh doanh mà Bộ đã và dự kiến cắt giảm hoặc đơn giản hóa là 120/241 điều kiện hiện hành, chiếm 49,8%.

Bộ nhìn nhận đây là kết quả bước đầu sau rà soát và dự kiến cắt giảm/đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh.

Sau khi tổ chức lấy ý kiến của các bộ, ngành và các cơ quan, tổ chức liên quan, Bộ sẽ tổng hợp và trình Thủ tướng phê duyệt phương án đề xuất cắt giảm/đơn giản hóa điều kiện kinh doanh theo quy định.

Theo đó, việc rà soát, cắt giảm/đơn giản hoá các điều kiện kinh doanh của Bộ không mang tính cơ học mà được xem xét cụ thể, chi tiết, kỹ lưỡng về tính cần thiết, tính hợp lý, hợp pháp của từng điều kiện theo quy định hiện hành.

Cùng đó, gắn kết chặt với yêu cầu đổi mới mạnh mẽ cách nhìn nhận các vấn đề, phương thức quản lý để cắt giảm các quy định một cách thực chất hiệu quả, đem lại lợi ích thiết thực cho các tổ chức, cá nhân, gỡ bỏ các rảo cản đầu tư vào lĩnh vực.

Tuy nhiên, việc này không có nghĩa là chỉ giảm về số lượng điều kiện kinh doanh mà đối với những quy định còn chưa cụ thể, minh bạch thì sẽ phải quy định rõ ràng.

Linh Hương