Cá chép hóa rồng nhờ thi hộ: Sự đồng lõa và những kẻ gian dối

07/01/2019 06:29
Vũ Ninh
(GDVN) - Mặc dù nhận thức được việc thuê người học hộ, thi hộ là vi phạm quy định của nhà trường nhưng nhiều sinh viên vẫn bất chấp, liều lĩnh.

Thật nguy hiểm với tư duy bao biện, đổ lỗi

Bằng những gì đã quan sát và trực tiếp trải nghiệm những buổi thi hộ, chúng tôi cho rằng: Qua ải thành công lần này chắc chắn lần sau M.K sẽ tiếp tục thuê người học hộ, thi hộ.

Khi mà những trường hợp như M.K thuê người thi hộ trót lọt dễ dàng như vậy rất có thể dẫn tới hiệu ứng tiêu cực xa hơn, đó là sẽ có thêm sinh viên thuê người thi hộ, học hộ.

Cá chép hóa rồng nhờ thi hộ: Thủ đoạn

Hệ lụy là người học hành chăm chỉ, thi cử đàng hoàng lại không bằng những sinh viên thuê người học hộ, thi hộ.

Chẳng hạn như cô bạn M.K kia đã từng thừa nhận còn chưa đi học buổi nào. Đến ngày thi nữ sinh này còn đang vi vu trong tận Vinh và chỉ cần bỏ vài trăm nghìn đồng là có người thi hộ, điểm cao chót vót, qua môn dễ dàng.

Cũng có một điều đáng buồn hơn khi nhiều sinh viên coi đó là chuyện hết sức bình thường, thậm chí là đồng lõa với hành vi trên như những người bạn học của M.K.

Khi tiếp xúc với các bạn sinh viên này chúng tôi nhận thấy một thứ tư duy bao biện vô cùng nguy hiểm đó là tư duy đổ lỗi.

Học hộ, thi hộ tại các trường cao đẳng, đại học như một căn bệnh nan y

Hãy nghe N.L (Sinh viên năm 4 một trường Đại học trên địa bàn Hà Nội) chia sẻ: Cô thuê người đi học hộ vì vừa đi học vừa đi làm.

Công việc không cố định nên hay bị trùng với lịch học. Phải thuê người để không phải học lại.

"Thuê học hộ cũng sợ bị phát hiện nhưng không còn cách nào khác đành phải chịu.

Không thể nghỉ làm được vì không dễ gì tìm được công việc mình thích và phù hợp với bản thân mình.

Đôi khi là mình phải hy sinh giữa học và đi làm. Hơn nữa, việc học ở trường còn quá nặng lý thuyết.Học Đại học thì nên để sinh viên chủ động học".

Đ.T (sinh viên Đại học trên địa bàn Hà Nội) thừa nhận, cậu từng đi thi hộ gián tiếp, từng thuê người học hộ và mới đây có người thuê cậu đi thi hộ.

Lý giải cho việc thuê người học hộ, Đ.T cho rằng, việc thuê người học hộ có "uẩn khúc"

"Một trong những điều ám ảnh sinh viên mỗi khi đi học là thầy cô sẽ điểm danh. Việc điểm danh này ảnh hưởng một phần đến điểm số, rồi việc qua môn.

Do đó, khi gặp thầy cô khó như vậy, sinh viên sẽ có một cách để trót lọt: thuê học hộ.

Ngoài ra có những sinh viên lười nên thuê người đi học cho nhanh.

Họ học một cách thụ động và khi có áp lực về điểm số, thi cử thì sinh viên sẽ nghĩ ra các "mánh" thi hộ gián tiếp, thi hộ trực tiếp".

Đ.T kể: "Năm nhất đại học, tôi còn hứng thú với việc học. Sang năm hai, rồi năm ba, một số sinh viên như tôi, học không phải để lấy kiến thức mà chỉ để lấy cái bằng.

Tôi coi trọng việc học ở bên ngoài giáo trình và giảng đường nhiều hơn. Đặc biệt là những người học tại chức. Việc họ thuê người học hộ là điều dễ hiểu.

Họ không có thời gian đi học, hoặc sau khi đi làm thì đã quá mệt mỏi, không thiết đến lớp. Bên cạnh đó, học như thế, có quy định phải đi học đủ số buổi nhất định rồi mới được thi. Thi xong mới được cấp chứng chỉ.

Ngoài ra, khi giỏi một môn nào đó ở trường, có người nhờ mình đi học, đi thi và có trả lợi nhuận (bằng tiền) thì không có vấn đề gì để không đi cả".

Đó cũng là lý do vì sao trường đại học nơi cậu sinh viên này theo học rộ lên phong trào sinh viên nào giỏi môn nào đó sẽ đứng ra mở lớp.

Sinh viên thi hộ (áo đỏ) trước cửa phòng thi (Ảnh: Vũ Ninh)
Sinh viên thi hộ (áo đỏ) trước cửa phòng thi (Ảnh: Vũ Ninh)

Như vậy qua lời chia sẻ của N.L và Đ.T có thể thấy việc sinh viên lấy lý do học Đại học quá nặng lý thuyết nên sinh viên phải tìm cách mà qua môn.

Theo quan sát của chúng tôi thì hầu hết những sinh viên thuê người thi hộ, học hộ đều rơi vào các môn đại cương như Triết Học, Logic học đại cương, Nhà nước và Pháp luật tức là những môn mà sinh viên cho rằng quá khó có thể qua.

Có hai vấn đề ở đây mà chúng tôi muốn đưa ra. Thứ nhất nhà trường làm sao siết chặt việc quản lý sinh viên trong vấn đề học và thi.

Có thể thấy ngay cả một ngôi trường lớn như Đại học Quốc gia Hà Nội mà vẫn có tình trạng sinh viên qua mặt giảng viên, qua mặt giám thị để thi hộ.

Thứ hai là bản thân các bạn sinh viên nghĩ gì về vấn đề học hộ, thi hộ. Tại sao chúng ta lại tiếp tay cho vấn nạn trên bằng tư duy đổ lỗi cho môn học không hấp dẫn hoặc do cách giảng dạy không thu hút sinh viên?

Trong một nền giáo dục công bằng và văn minh chẳng lẽ lại tồn tại những chuyện trên sao?

Trước khi thuê người học hộ, thi hộ hãy nghĩ đến cha mẹ ở nhà

Tại sao phụ huynh cho con cái tiền ăn học đàng hoàng lại phải mất thêm một khoản tiền nữa để cho con thuê người học hộ, thi hộ?

Cánh cửa Đại học cao vời vợi là niềm mơ ước và mong mỏi của hàng triệu sĩ tử và các bậc phụ huynh.

Đại học không phải là con đường duy nhất để thành công? Điều đó đúng? Thế nhưng tại sao nhiều bạn bước chân vào Đại học rồi lại thuê người học hộ, thi hộ, sao không học cho tử tế?

Nếu các bạn muốn thành công nhờ việc kinh doanh, đi làm thêm hoặc đơn giản chỉ muốn lên Đại học để được tự do, chơi bời? Vậy tại sao lại quyết định thi vào Đại học mà  không dành cơ hội đó cho các bạn khác nghiêm túc với việc học hơn?

Đây là một vấn nạn trong giáo dục đại học của chúng ta hiện nay. Bởi không chỉ một lần mà rất nhiều lần báo chí, các chuyên gia giáo dục, thầy cô giáo lên tiếng cảnh báo về tình trạng sinh viên thuê người học hộ, thi hộ nhan nhản như hiện nay.

Vậy gốc rễ, căn cơ của vấn đề này là gì?

Cá chép hóa rồng nhờ thi hộ: Sự đồng lõa và những kẻ gian dối ảnh 2Cá chép hóa rồng nhờ …thi hộ

Trước khi trả lời vấn đề mang tính vĩ mô bất cứ bạn sinh viên nào đang có ý định thuê người học hộ, thi hộ hãy nghĩ về cha mẹ ở nhà - những người luôn tin tưởng rằng con cái của mình đang đi học một cách nghiêm túc.

Ông Phạm Văn Thi (59 tuổi, trú tại phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng: Việc học hộ, thi hộ diễn ra là điều không ngạc nhiên bởi có cung ắt có cầu.

Mặc dù có quy định xử lý vi phạm nhưng sinh viên vẫn làm: "Làm như vậy là các cháu đang kiếm tiền phi pháp, có thể do không có công ăn việc làm ổn định, kéo theo mua bán tri thức để kiếm tiền, nuôi sống bản thân".

Ông nói thêm:"Việc thuê người học hộ, thi hộ phản ánh năng lực của người học không đáp ứng được yêu cầu của xã hội, chỉ vì danh dự hão giả dối, tấm bằng chỉ là hình thức, giả dối".

Theo ông, học hộ, thi hộ vẫn sẽ diễn ra vì có một số bộ phận người trong xã hội vẫn còn tâm lý chạy theo bằng cấp.

Đồng quan điểm, bà Bùi Thị Tuyết Mai (47 tuổi, trú tại quận Nam Từ Liêm) cho rằng thi hộ như vậy là bất công, không công bằng với những người học thật:

"Là một phụ huynh cũng có con đi học Đại học, tôi rất buồn nếu như con cái xin tiền bố mẹ đi học nhưng để đi chơi.

Đến khi đi học thì thuê người học hộ, thi hộ. Bậc làm cha mẹ ai cũng mong muốn những gì tốt đẹp nhất đến với con em mình. Ai cũng mong muốn con mình được đi học hành lên người.

Thế nhưng nếu như bạn sinh viên nào đó mà dùng tiền mua tri thức kiểu này thì cũng coi như là phản bội niềm tin của cha mẹ. Đau lắm chứ".

Cá chép hóa rồng nhờ thi hộ: Sự đồng lõa và những kẻ gian dối ảnh 3
Tài liệu ôn thi mà nữ sinh M.K đưa cho người thi hộ. (Ảnh: Vũ Ninh)

Vậy nên dù có tìm mọi lý do bao biện thì việc thuê người học hộ, thi hộ cũng là hành vi gian dối.

Sâu xa hơn những con người từ khi ngồi trong ghế nhà trường đã gian dối, thủ đoạn như vậy thì làm sao có thể cống hiến những điều trung thực cho xã hội được?

Vũ Ninh