Chính cấp sở làm hỏng chương trình của Bộ Giáo dục bằng kiểm tra học kỳ sớm

22/04/2019 06:51
NHẬT DUY
(GDVN) - Thầy và trò thì bơ phờ để dạy và học trái buổi, chất lượng vì thế cũng giảm sút theo một cách đáng kể. Điều đáng buồn là câu chuyện này năm nào cũng lặp lại.

Theo kế hoạch của ngành giáo dục và phân phối chương trình môn học thì cuối tháng 5 mới kết thúc chương trình học.

Tuy nhiên, chỉ bước vào giữa tháng 4 là khối học cuối cấp ở một số địa phương đã tổ chức kiểm tra học kỳ, các khối còn lại sẽ kiểm tra vào cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5.

Như vậy, cũng đồng nghĩa các trường phải tăng tiết để dạy cho đúng với lịch kiểm tra học kỳ. Vô tình, một số bài học trong chương trình không được dạy hoặc dạy và học qua loa.

Thầy và trò thì bơ phờ để dạy và học trái buổi, chất lượng vì thế cũng giảm sút theo. Điều đáng buồn là câu chuyện này năm nào cũng lặp lại.

Nhiều trường học đang dồn dập tăng tiết dạy trái buổi (Ảnh minh họa: vtv.vn)
Nhiều trường học đang dồn dập tăng tiết dạy trái buổi (Ảnh minh họa: vtv.vn)

Việc bố trí số tuần, số tiết cho mỗi môn học đã cố định nhưng sự "cố định" này luôn bị phá bỏ bởi lịch kiểm tra học kỳ sớm của một số địa phương.

Theo quy chế chuyên môn thì tất cả các bài học chính khóa, số tiết dạy theo phân phối chương trình học không được bỏ.

Điều này phải được thể hiện qua thời khóa biểu giảng dạy và sổ đầu bài của từng lớp. Vì thế, lịch kiểm tra càng sớm thì các trường, các tổ chuyên môn càng vất vả nhiều hơn.

Các giáo viên trong tổ chuyên môn phải họp bàn để đảo số tiết phân phối chương trình nhằm dạy những bài được xem là quan trọng trước. Các bài mà thấy ít quan trọng hơn thì đẩy về sau để khi kiểm tra xong mới có thể dạy được.

Nhiều khi lịch kiểm tra học kỳ được đẩy lên sớm hàng tháng trời cũng đồng thời phân phối chương trình bài học sẽ bị xới tung lên để sắp xếp lại.

Đặc biệt, đối với khối lớp 9 và lớp 12 phải thi chuyển cấp nên các địa phương rất chú trọng ở 2 khối học này và Sở thường ra đề kiểm tra học kỳ.

Vì thế, Sở cũng “bật đèn xanh” để các trường tăng tiết nhằm đảm bảo việc kiểm tra học kỳ chung và dành thời gian còn lại cho việc ôn tập thi chuyển cấp.

Chính vì thế, bước sang giữa học kỳ II là các trường phải lên kế hoạch tăng tiết dạy trái buổi trong ngày. Nhiều khi, sáng các em học 5 tiết, trưa về ăn cơm vội vàng rồi lại tiếp tục vào học thêm 4 tiết buổi chiều.

Chính cấp sở làm hỏng chương trình của Bộ Giáo dục bằng kiểm tra học kỳ sớm ảnh 2Học sinh vật vã ôn thi tuyển sinh vào lớp 10 nhìn từ chương trình, chính sách

Với mật độ học nhiều như vậy nên việc học buổi chiều hiệu quả rất thấp.

Học sinh thì phờ phạc vì mệt mỏi, thầy cô thì phải cố gắng nói lớn, nói nhiều để mong cho học sinh tiếp thu bài vở.

Nhưng, có lẽ việc dạy tăng tiết này chỉ đảm bảo được việc đủ số tiết quy định còn chất lượng dạy và học gần như không được bao nhiêu.

Chính vì Sở thường ra đề cho 2 khối học cuối cấp nên bắt buộc thầy cô ở các nhà trường phải dạy sớm để hoàn thành chương trình học. Trường nào cũng sợ Sở ra đề thì không biết sẽ ra vào chỗ nào nên bắt buộc phải dạy nhanh để đón đầu.

Nhưng, dạy và học dồn, học ép, học cho đủ tiết thì chất lượng dĩ nhiên sẽ bị ngó lơ.

Ngoài việc kiểm tra sớm thì trong tháng tư có 2 dịp nghỉ lễ là nghỉ Giỗ tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch) và nghỉ lễ 30/4, 1/5 nên số buổi dạy này mất đi.

Nhưng, đối với ngành giáo dục thì nghỉ lễ cùng đồng thời sẽ phải dạy bù cho đủ tiết. Vì vậy, việc tăng tiết và dạy bù lại càng nhiều hơn.

Hạn chế của việc kiểm tra sớm

Việc kiểm tra học kỳ sớm sẽ dẫn đến tình trạng dạy tăng tiết cho kịp chương trình. Vì thế, chất lượng không chỉ bị bỏ ngỏ mà còn tăng thêm sự mệt mỏi cho cả thầy và trò.

Việc tăng tiết trái buổi cũng đồng nghĩa phải dạy đủ số bài quy định đến thời điểm kiểm tra. Nhưng, đến lớp thì học sinh vật vờ, nhiều em ngủ gục trong giờ học hoặc học nhưng tinh thần không tập trung.

Kiểm tra xong, thời gian còn lại rất nhiều và cũng còn lại một số bài chưa học. Đối với khối 9 và khối 12 thì các em lao vào ôn thi nên cũng không ảnh hưởng nhiều đến việc dạy và học trên lớp. 

Tuy nhiên, đối với những khối không thi chuyển cấp thì bắt buộc các em vẫn phải vào trường cho đến ngày tổng kết năm học.

Những bài còn lại của chương trình thầy cô dạy nhưng học sinh đã biết điểm kiểm tra học kỳ rồi nên đa phần các em có học nữa đâu.

Chính cấp sở làm hỏng chương trình của Bộ Giáo dục bằng kiểm tra học kỳ sớm ảnh 3Chỉ học những môn thi con chúng tôi đã vật vã lắm rồi, các thầy cô ơi!

Tư tưởng kiểm tra rồi là không học, học cũng không thay đổi được kết quả nên đa phần các em còn không mang theo sách vở.

Mấy ngày đầu còn vào lớp ngồi chơi, sau đó là không vào lớp nữa.

Tuy nhiên, mỗi lớp vẫn lác đác vài em vào nên giáo viên vẫn phải lên “giữ lớp”. Khổ cho cả thầy và trò trong các tuần sau kiểm tra vô cùng.

Thà rằng mệt nhưng dạy thì vẫn vui, vẫn khỏe, chứ lên lớp ngồi không để “canh” học sinh chơi, đợi cho đến ngày tổng kết năm học thì chán ngán vô cùng.

Tại sao không đợi học xong chương trình rồi kiểm tra?

Việc kiểm tra học kỳ theo đúng phân phối chương trình và thiết kế bài học của sách giáo khoa không chỉ mang lại hiệu quả giảng dạy mà giảm được áp lực cho cả thầy và trò.

Khi học hết chương trình thì nhà trường, ngành giáo dục các địa phương tổ chức kiểm tra thì nó vừa nhẹ nhàng mà điều quan trong các bài học sẽ được dạy hết.

Những buổi học cuối cùng vẫn diễn ra nghiêm túc, thầy không mệt, trò nhẹ nhàng mà cái chính là phụ huynh không phải tốn thêm tiền học thêm đối với các lớp cuối cấp.

Một khi tăng tiết để kiểm tra học kỳ II sớm không chỉ là phá vỡ cách thiết kế các bài học theo hướng tích hợp của sách giáo khoa hiện hành mà còn đẩy cả thầy và trò đến quá tải.

Những bài học còn tồn đọng sau kiểm tra thì gần như chẳng thể nào dạy và học được. Thầy cô chỉ ghi khống vào sổ đầu bài bởi học sinh có học đâu, thậm chí là các em kiểm tra xong là ở nhà.

Vì điểm phần mềm điện tử đã đăng ký thì ở nhà các em vẫn xem được điểm.

Những bất cập này vẫn cứ tồn tại dai dẳng hàng chục năm qua mà lãnh đạo ngành giáo dục nhiều địa phương vẫn chưa có ý định tháo gỡ.

NHẬT DUY