Chuyên gia chỉ rõ 4 nguyên nhân làm cạn kiệt nguồn tuyển sinh ĐH

22/05/2013 15:49
Lê Viết Khuyến
(GDVN) - Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đang đứng trước nguy cơ bị ép phải tự giải thể nếu vẫn duy trì chính sách tuyển sinh như hiện nay” – TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ GD Đại học, Bộ GD&ĐT.
Từ khoảng hai năm trở lại đây và nhất là trong năm 2012, việc tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập cũng như một số trường công lập ở địa phương gặp nhiều khó khăn, hầu hết các trường đều không thực hiện được kế hoạch tuyển sinh. Riêng năm 2012 trong số hơn 80 trường ngoài công lập chỉ có một số nhỏ trường tuyển sinh được gần đủ hoặc đủ chỉ tiêu. Phần lớn trường chỉ tuyển được 30-60%, không ít trường chỉ tuyển được 20-30%, thậm chí có trường chỉ tuyển được một lượng nhỏ không đáng kể. 

Thời gian qua, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập nhận được khá nhiều ý kiến từ các trường hội viên bày tỏ lo lắng về thực trạng tuyển sinh như trên. Đến nay, sự lo lắng của từng trường đã trở thành sự lo lắng chung của cả hệ thống các trường ngoài công lập bởi tuyển sinh là vấn đề sống còn của các trường. Theo dự báo của nhiều chuyên gia giáo dục, nếu chính sách tuyển sinh đại học, cao đẳng của Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn giữ nguyên như hiện nay thì chỉ vài năm nữa sẽ có hàng loạt trường đại học, cao đẳng phải tự giải thể do cạn kiệt nguồn tuyển. 

Trước tình hình đó Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn giữ thái độ vô cảm. Một số cán bộ lãnh đạo của Bộ khi phát biểu trên các phương tiện truyền thông đại chúng vẫn nói theo quan điểm "vơ đũa cả nắm" cho rằng những trường gặp khó khăn trong tuyển sinh là do kém về cơ sở vật chất và quản lý, yếu về đội ngũ giảng viên, nội bộ mất đoàn kết, do mở quá nhiều các ngành về kinh tế,... nên người học không muốn đăng ký vào học.

Thực tế thì trong số hàng loạt trường không tuyển đủ chỉ tiêu có không ít trường đại học ngoài công lập đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm định, nhiều năm nay không hề tuyển thiếu, có cơ sở vật chất khá khang trang, có đội ngũ giảng viên là những giáo sư nổi tiếng (đến từ các đại học nước ngoài có tiếng) và có đội ngũ lãnh đạo là những người đã từng đảm đương vai trò quản lý chủ chốt trong ngành cũng như trong các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Những trường yếu kém, chạy theo "thương mại hoá" cũng có nhưng không phải tất cả các trường ngoài công lập đều yếu kém như có người đã nói.

Qua nghiên cứu ý kiến của các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập và của nhiều chuyên gia hàng đầu về giáo dục, chúng tôi cho rằng có thể có nhiều lý do nhưng lý do chính khiến phần lớn các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập không tuyển được sinh viên là nguồn tuyển sinh đã thực sự cạn kiệt, không phải luôn dôi dư như lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nói. Theo phân tích của chúng tôi có bốn nguyên nhân dẫn đến sự cạn kiệt đó: 

TS Lê Viết Khuyến.
TS Lê Viết Khuyến.

Một là, từ năm 2012 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho phép các trường đại học và cao đẳng được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh nên tổng chỉ tiêu tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy của tất cả các trường công lập đã đạt con số kỷ lục là 504.000, vượt tổng chỉ tiêu tuyển sinh của toàn ngành (cả công lập lẫn ngoài công lập) trước đó 3 năm là 502.000.

Bộ Giáo dục và Đào tạo lý giải rằng tăng chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường công lập là để tạo ra sự bình đẳng trong cạnh tranh tuyển sinh giữa các khối trường công lập và ngoài công lập nhưng trên thực tế cho tới nay giữa 2 khối trường này đã làm gì có sự bình đẳng thực sự, chí ít dưới quan niệm phổ biến của người học. Đứng trước 2 trường công và tư có chất lượng đào tạo như nhau, người học bao giờ cũng chọn trường công bởi vì trường công được nhà nước bao cấp nên họ chỉ phải nộp học phí thấp, không phải đóng thuế cho nhà nước (qua học phí) và ngoài ra còn được hưởng nhiều chế độ ưu đãi khác của nhà nước.

Như vậy là, việc tăng thoải mái chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường công lập đã làm hẹp cửa tuyển sinh cho các trường thuộc khu vực ngoài công lập. Ngoài ra, dưới một góc nhìn khác, việc tăng thoải mái quy mô tuyển sinh cho các trường công lập trong khi nguồn lực đầu tư cho các trường này lại tăng hầu như không đáng kể, trên thực tế đã làm giảm chất lượng đào tạo của hệ thống này, đi ngược lại mục tiêu của xã hội hoá giáo dục (Chất lượng của giáo dục đại học không phải chỉ được quyết định bởi 2 thông số tỷ lệ sinh viên/giảng viên và số mét vuông sàn/ sinh viên mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã áp dụng!).

Hai là,  kỳ thi tuyển sinh "ba chung" của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong nhiều năm qua thường cho kết quả rất thấp, nhiều môn thi có kết quả rất yếu, mặc dù kết quả kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học lại cao "chót vót". Trong nhiều năm tổng điểm 3 môn thi (đặc biệt ở khối A là khối chiếm đông thí sinh nhất) của phần lớn thí sinh chỉ rơi vào khoảng 7-8/30 (trong khi “điểm sàn” được Bộ chọn lại dao động từ 13 đến 15?).

Để giải thích điều "lạ thường" đó người ta có thể đổ lỗi cho chất lượng học sinh, đội ngũ giáo viên, chương trình… Tuy nhiên, theo chúng tôi, nguyên nhân chính là đề thi của Bộ hàng năm thường không chuẩn, năm khó năm dễ, môn khó môn dễ. Theo lý luận về đánh giá trong giáo dục, chỉ cần nhìn vào phổ điểm ở các môn thi là đủ thấy sự không khách quan và không chuẩn của phần lớn đề thi do Bộ chuẩn bị trong nhiều năm qua.

Ba là, quy định "điểm sàn" theo sáng kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo làm cho nhiều trường đại học, cao đẳng ngoài công lập và cả các trường của địa phương rất khó khăn trong tuyển sinh, do nguồn tuyển từ "điểm sàn" trở lên ngày càng cạn kiệt, đặc biệt khi các trường đại học công lập "tốp trên" xác định điểm chuẩn vào trường áp sát "điểm sàn" của Bộ.

Theo chúng tôi biết, trên thế giới nhà nước không quy định "điểm sàn" hoặc nếu có quy định thì chỉ quy định "điểm sàn" cho từng nhóm trường công lập tuỳ theo đẳng cấp của chúng. Thí dụ như tại tiểu bang California (Hoa Kỳ) để duy trì ổn định chất lượng của các cơ sở giáo dục đại học công lập, chính quyền tiểu bang đã đưa ra quy định các trường thuộc hệ thống UC (gồm 9 trường được đào tạo tới cấp tiến sĩ) chỉ được tiếp nhận sinh viên nằm trong tốp 12.5% đầu bảng tốt nghiệp trung học, trong khi các trường thuộc hệ thống CSU (gồm 23 trường được đào tạo tới cấp thạc sĩ) được tuyển sinh viên nằm trong tốp 33% đứng đầu. Còn các trường thuộc hệ thống đại học cộng đồng (105 trường) và các trường tư không bị khống chế về nguồn tuyển, chỉ cần tốt nghiệp phổ thông trung học. Nhiều trường đại học nước ngoài khi tuyển sinh ở Việt Nam chỉ đòi hỏi người học có bằng tốt nghiệp phổ thông trung học hoặc tương đương là đủ.

Mặt khác, quy trình xây dựng "điểm sàn" của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong nhiều năm qua có nhiều sai sót. Nếu lý giải làm "điểm sàn" là để đảm bảo chất lượng đồng đều của thí sinh trúng tuyển thì "điểm sàn" cần phải xây dựng riêng cho từng vùng lãnh thổ. Còn nếu làm "điểm sàn" chung cho cả nước thì mặc nhiên đã xem hệ thống giáo dục đại học cả nước như một trường đại học khổng lồ, mà không phải thí sinh nào cũng có điều kiện để sẵn sàng đăng ký đến học ở những trường quá xa nhà. Cách làm đó cũng dẫn tới hậu quả là làm cho các chính sách của Đảng và Nhà nước về ưu tiên phát triển giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho các vùng khó khăn khó đi vào cuộc sống.

Khái niệm "điểm sàn" lại càng trở nên vô nghĩa khi đề thi không mang tính tiêu chuẩn.

Bốn là, kết qủa điểm thi tuyển sinh quá thấp và việc Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép các trường đại học, cao đẳng được tự hạ điểm chuẩn và không hạn chế số lần gọi nhập học cho đến gần hết năm trên thực tế sẽ không gây khó (thậm chí còn tạo thêm thuận lợi) cho số ít các trường đai học công lập thuộc "tốp trên", nhưng với các trường thuộc "tốp giữa" và "tốp dưới", trong đó có phần lớn các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập, thì nguy cơ không tuyển đủ chỉ tiêu và bị động về thời gian khai giảng đã trở nên rõ ràng, gây ra sự lãng phí to lớn về cơ sở vật chất và năng lực đào tạo.

Nhiều tháng qua báo chí liên tục đăng tải các tin tức đáng buồn trong mùa tuyển sinh 2012 với những luồng ý kiến dự báo về sự tồn vong của hệ thống trường ngoài công lập đã gây phức tạp cho tình hình, trong đó có dư luận xã hội nhìn nhận nền giáo dục Việt Nam phát triển không lành mạnh, không hội nhập với giáo dục thế giới.

Tại hội thảo về tuyển sinh do Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt nam tổ chức, với sự tham gia của gần 50 trường đại học, cao đẳng ngoài công lập (phía Bắc 19 trường, phía Nam 25 trường), lãnh đạo các trường đã bày tỏ trực tiếp những nguyện vọng và bức xúc về việc thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, đồng thời rất lo ngại cho sự tồn tại của những trường ngoài công lập đang gặp khó khăn do thiếu nguồn tuyển sinh nói riêng và của cả hệ thống các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập nói chung.

Từ những phân tích trên chúng tôi kiến nghị:

Một là, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm chủ trì tổng kết việc triển khai chủ trương xã hội hóa giáo dục nói chung và chủ trương phát triển hệ thống giáo dục đại học ngoài công lập nói riêng. Yêu cầu làm rõ việc bảo đảm nguồn lực của Nhà nước cho sự gia tăng nhanh về cả số trường và qui mô sinh viên của hệ thống trường đại học, cao đẳng công lập (từ 168 trường với 873.000 sinh viên ở năm học 2001 - 2002 lên 336 trường với 1873.000 sinh viên ở năm học 2011-2012), trong điều kiện nguồn tuyển sinh đã bão hòa và "điểm sàn" bị khống chế ngặt nghèo. Và nếu như Nhà nước thực sự đã bảo đảm được yêu cầu đó thì rõ ràng không cần thiết phải duy trì hệ thống trường đại học, cao đẳng ngoài công lập. Thật không có gì xót xa hơn khi một số lớn trường đại học ngoài công lập tuy có khá đầy đủ cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ giảng viên mà vẫn không thể hoạt động hoặc phải hoạt động lay lắt do cạn kiệt nguồn tuyển.

Đồng thời, chúng tôi cũng đề nghị làm rõ việc triển khai các chỉ thị của Chính phủ về các chính sách bảo đảm điều kiện cho hệ thống các trường ngoài công lập phát triển thuận lợi.

Hai là, về chính sách tuyển sinh.

Về lâu dài chúng tôi kiên trì đề nghị Thủ tướng chỉ thị cho Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm loại bỏ phương thức thi tuyển sinh “ba chung” đã không phù hợp, khẩn trương chuẩn bị triển khai Đề án nhập hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng làm một (như Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã hứa từ lâu khi còn là bộ trưởng) và thực hiện trao quyền tự chủ xét tuyển sinh cho các trường đại học, cao đẳng theo đúng tinh thần của Điều 34, Luật Giáo dục đại học. Bộ Giáo dục và Đào tạo không nên đẩy trách nhiệm tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT cho các địa phương mà phải xem đó là trách nhiệm chính trị quan trọng của mình, bằng mọi giá phải làm tốt.

Trước mắt trong kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng 2013 chúng tôi xin có một số đề nghị cụ thể như sau:

a/ Bộ GD-ĐT công khai phổ điểm của từng môn thi và phổ tổng điểm của ba môn thi đối với từng khối thi để xã hội có thể đánh giá tính khách quan và tính tiêu chuẩn của từng đề thi cũng như của các bộ đề thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

b/ Bỏ quy định "điểm sàn" hoặc chí ít phải lấy "điểm sàn tối thiểu" từ đỉnh phổ của tổng điểm ba môn thi đối với từng khối thi nếu kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng do Bộ tiến hành không đạt được các tính chất khách quan và tiêu chuẩn.

Trường hợp vẫn chấp nhận "cơ chế điểm sàn" Bộ cần có quy định nhiều mức “điểm sàn” cho phù hợp với cơ cấu vùng miền, cơ cấu phân tầng của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam hiện nay. Theo đó các đại học quốc gia, các trường đại học trọng điểm, các trường đại học xuất sắc cũng như các trường đại học trực thuộc trung ương để thực sự xứng đáng với đẳng cấp của mình, với sự ưu ái của nhà nước và xã hội phải chấp nhận mức "điểm sàn" cao hơn "điểm sàn tối thiểu", như một số quốc gia đã áp dụng. Riêng các trường ngoài công lập cũng như các trường địa phương, do không nhận ngân sách Trung ương, nên được quyền chọn mức “điểm sàn” tùy theo tuyên bố sứ mệnh của mình, miễn sao cao hơn “điểm sàn tối thiểu”.

c/ Có quy định thời hạn cụ thể của khoảng ba đợt gọi tuyển kế tiếp nhau và cho các trường được chủ động đăng ký gọi tuyển chỉ ở một trong ba đợt đó. Trong mỗi đợt, nhà trường được quyền gọi tuyển nhiều lần nhưng không được gọi vượt quá thời hạn quy định cho mỗi đợt để tránh gây rối.

Tháng 1/2013
Lê Viết Khuyến