Chuyển xếp hạng giáo viên theo thông tư mới mỗi nơi làm một kiểu

23/04/2021 06:48
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hy vọng rằng, Bộ Giáo dục sớm có hướng dẫn để những bất cập trong việc chuyển xếp hạng giáo viên sẽ được gỡ bỏ.

Ngày 2/2/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chùm Thông tư số: 01;02;03;04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập. Theo đó, giáo viên các cấp được chia thành 3 hạng.

Căn cứ vào vị trí việc làm đang đảm nhận cũng cần có thêm đặc cách cho những giáo viên có thành tích xuất sắc đã đảm nhận nhiệm vụ ấy (Ảnh P.T)

Căn cứ vào vị trí việc làm đang đảm nhận cũng cần có thêm đặc cách cho những giáo viên có thành tích xuất sắc đã đảm nhận nhiệm vụ ấy (Ảnh P.T)

Đó là: giáo viên mầm non hạng I, hạng II, hạng III; Giáo viên tiểu học hạng I, hạng II, hạng III; Giáo viên trung học cơ sở hạng I, hạng II, hạng III và giáo viên trung học phổ thông hạng I, hạng II, hạng III.

Tới thời điểm này (cuối tháng 4/2021) nhiều địa phương đã bắt đầu thực hiện việc chuyển xếp hạng giáo viên các cấp theo những thông tư quy định trên.

Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo mới chỉ ban hành các thông tư quy định việc xếp mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập chứ chưa có một văn bản hướng dẫn rõ ràng, cụ thể thống nhất cho cả nước.

Vì vậy, dẫn đến mỗi địa phương có cách nghĩ và làm khác nhau thậm chí mỗi trường trong một địa bàn cũng có nhiều cách vận dụng thông tư không thống nhất.

Dẫn đến nơi thì xét xếp chuyển hạng cho giáo viên vô cùng khắt khe vì vận dụng thông tư một cách máy móc, nơi lại khá thoáng dẫn đến có giáo viên hưởng lợi nhưng không ít thầy cô giáo lại rất thiệt thòi.

Mỗi hiệu trưởng có cách hiểu thông tư để vận dụng khác nhau

Năm 2015, hàng trăm ngàn giáo viên đã được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp hạng II theo quy định tại Thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16 tháng 9 năm 2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ quy định mã sổ, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học công lập.

Bởi thế, có hiệu trưởng khi chuyển xếp hạng lần này chỉ yêu cầu những giáo viên đã được xếp hạng trước đây bổ sung đầy đủ chứng chỉ là đề nghị phiên qua hạng mới (cùng hạng).

Có trường hiệu trưởng lại căn cứ vào từng nhiệm vụ quy định các thông tư để điều chỉnh hạng cho giáo viên.

Điều này, đã xiết chặt việc giữ hạng cũng như tạo ra nhiều bất công giữa người được giữ hạng và người bị xuống hạng.

Ví dụ cô giáo A. hiện đang làm tổ trưởng chuyên môn, mọi nhiệm vụ đang làm đều đáp ứng yêu cầu chỉ riêng chưa làm giám khảo hội thi giáo viên dạy giỏi nên không được xét trụ hạng II.

Có giáo viên là chủ tịch công đoàn nhà trường là Phó ban thi đua của hội đồng khoa học nhà trường nhưng hiệu trưởng nói rằng không chủ trì sinh hoạt chuyên môn vì thông tư có quy định “chủ trì các nội dung bồi dưỡng và sinh hoạt chuyên môn/chuyên đề ở tổ, khối chuyên môn…” nên không được xét trụ hạng.

Có hiệu trưởng lại hiểu quy định b trong điều 4 (hạng II): chủ trì các nội dung bồi dưỡng và sinh hoạt chuyên môn/chuyên đề ở tổ, khối chuyên môn;…chỉ đơn giản là giáo viên dạy minh họa chuyên đề sẽ trình bày chuyên đề mình đảm nhận trước tổ chuyên môn, sau khi thực nghiệm sẽ rút ra những ưu và tồn tại để rút kinh nghiệm cho việc triển khai những chuyên đề lần sau.

Bởi thế, giáo viên nào cũng có thể chủ trì các nội dung bồi dưỡng chuyên đề ở tổ, khối chuyên môn mà không nhất thiết đó phải là tổ trưởng.

Việc chuyển xếp theo các hạng đã bộc lộ khá nhiều bất cập và mất công bằng gây nhiều bức xúc cho giáo viên nhiều trường học

Một hiệu trưởng (đề nghị không nêu tên) chia sẻ: “Dù vẫn biết chưa thật sự công bằng khi có những giáo viên mới đề bạt làm tổ trưởng năm học này, vừa mới đảm nhận chức vụ nên thành tích cũng chưa có nhiều nhưng lại được xét hạng II.

Trong khi đó, có giáo viên với bề dày thành tích vượt trội, đã từng đảm nhận những nhiệm vụ nêu trong điều 4 của giáo viên hạng II, ngoài ra còn nhiều năm liền đạt giáo viên dạy giỏi các cấp, đạt chiến sĩ thi đua cơ sở, được giấy khen về nhiều hoạt động của ngành, được tăng lương trước thời hạn…

Nhưng chiếu theo quy định tại Điều 6. Nguyên tắc bổ nhiệm theo chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên tiểu học

1. Việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên tiểu học quy định tại Thông tư này phải căn cứ vào vị trí việc làm đang đảm nhận…thì các thầy cô giáo này không được trụ hạng mà bị rớt xuống hạng III thì thật là oan uổng.

Những đề xuất

Chỉ tính riêng cái việc giáo viên cùng giảng dạy như nhau, chịu trách nhiệm về chỉ tiêu chất lượng như nhau, chịu trách nhiệm về học tập cũng như rèn luyện phẩm chất đạo đức của học sinh như nhau, cùng tham gia các hoạt động ngoài giờ, cùng học tập bồi dưỡng các nội dung giống nhau…nhưng người hạng I, người hạng II, hạng III đã thật là bất hợp lý.

Và trong thực tế giảng dạy mới thấy rõ, vẫn có những giáo viên đang đề xuất hạng I, hạng II chất lượng giảng dạy, sự tâm huyết với nghề, sự tận tình với học sinh có người không bằng giáo viên hạng III, hạng IV (vì chưa đạt chuẩn đào tạo).

Bởi thế, nếu bỏ việc xếp giáo viên theo hạng mà thực hiện phụ cấp chức vụ cho một số tổ trưởng chuyên môn như trước đây sẽ hợp lý hơn nhiều.

Nếu không thể được, chúng tôi xin được đề xuất một số nguyện vọng để Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, hướng tới việc xếp chuyển hạng cho nhà giáo được công bằng hơn.

Thứ nhất, Bộ Giáo dục cần có văn bản hướng dẫn một cách cụ thể cho cả nước theo đó để các địa phương thực hiện một cách thống nhất.

Thứ hai, giữ nguyên hạng của những giáo viên đã được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp hạng II theo quy định tại Thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16 tháng 9 năm 2015, chỉ yêu cầu bổ sung đủ chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.

Thứ ba, nếu không giữ nguyên hạng của những giáo viên đã được bổ nhiệm trước đây cũng cần có những đặc cách xét trụ hạng cho những giáo viên đã từng làm tổ trưởng và có những thành tích nổi bật như giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, chiến sĩ thi đua cơ sở, giấy khen trong các phong trào hoạt động khác…

Thứ tư, cần quy định rõ, nếu giáo viên đang làm tổ trưởng được xét trụ hạng nhưng sang năm học mới không còn làm tổ trưởng có bị hạ hạng hay không?

Hy vọng rằng, Bộ Giáo dục sớm có hướng dẫn để những bất cập trong việc chuyển xếp hạng giáo viên sẽ được gỡ bỏ.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết