Cô gái khuyết tật giàu lòng hướng thiện

24/09/2012 07:02
Đỗ Quyên Quyên
(GDVN) - Tâm sự về mình, Liên chia sẻ: “Mỗi người có một cách đối mặt với cuộc sống. Ðiều quan trọng là chọn cho mình một lối đi để cảm thấy mình đang sống chứ không phải đang tồn tại”.
Đào Phương Liên, cô gái khuyết tật sinh năm 1987 trong một gia đình nghèo, bố và mẹ đều làm nghề nông tại Lập Thạch - Vĩnh Phúc. Trận sốt bại liệt “thập tử nhất sinh” từ ngày ba tháng tuổi đã khiến đôi chân của Liên đi lại rất khó khăn. Tuổi thơ của Liên phải chịu nhiều buồn tủi, mặc cảm cả về thể xác và tinh thần. Nhìn các bạn chạy nhảy, vui đùa, Liên không khỏi buồn lòng. Thế nhưng, bằng nghị lực sống cùng sự mạnh mẽ của con cháu Hai Bà Trưng, Liên đã nỗ lực vươn lên khẳng định mình. 

Lấy khiếm khuyết làm sức mạnh

Trong suốt những năm còn ngồi học trên ghế nhà trường, Phương Liên luôn là học sinh giỏi toàn diện. Lên cấp 3, Liên tham gia dự thi HSG môn Địa lý của tỉnh Vĩnh Phúc. Với mong muốn được góp sức mình vào các hoạt động cộng đồng, năm 2007, Liên đã thi đỗ vào khoa Công tác xã hội của Trường Đại học Công đoàn. Nhiều năm liên tiếp, Liên là sinh viên khá giỏi, trở thành gương mặt tiêu biểu trong hoạt động đoàn thể.
Đào Phương Liên (bên phải)- Chủ nhiệm CLB Sinh viên khuyết tật Hà Nội
Đào Phương Liên (bên phải)- Chủ nhiệm CLB Sinh viên khuyết tật Hà Nội 
Hiện tại, Đào Phương Liên đang làm việc tại Phòng kinh doanh Công ty vàng bạc đá quý Phúc Thiện. Dù công việc bộn bề nhưng Liên vẫn giữ vững vai trò Chủ nhiệm CLB SV khuyết tật Hà Nội, nhiệt tình tham gia tổ chức các hoạt động hướng thiện.
Cơ duyên đưa Liên đến với CLB sinh viên khuyết tật Hà Nội là do sự giới thiệu của Đoàn trường, dần dần CLB trở nên gần gũi như mái nhà của Liên vậy. CLB là một nhóm tự lực của những sinh viên, thanh niên khuyết tật bao gồm cả những sinh viên tình nguyện trên địa bàn Hà Nội được thành lập năm 2011, hoạt động trên tinh thần tình nguyện. Tham gia CLB từ năm 2008, là thành viên trong gia đình CLB, Liên được gặp gỡ, sẻ chia cùng nhiều thanh niên khuyết tật khác, đang theo học tại các trường trên địa bàn Hà Nội. Năm năm hoạt động trong CLB, nơi ấy thực sự đã trở thành mái nhà thân thiết của Liên. Ở đây mọi ngươi sống và học hỏi với phương châm “không có chữ khuyết tật trong cả tinh thần và hành động”
Truyền lửa nhiệt huyết

Với cương vị là chủ nhiệm CLB, Liên thường xuyên tổ chức sinh hoạt thường kỳ hàng tháng, thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa nhân dịp tết trung thu, tết thiếu nhi trong sự phối hợp cùng các CLB tình nguyện, Trung tâm bảo trợ xã hội. 
Sinh viên ra trường, tìm nghề đã khó nhưng còn tìm được công việc phù hợp với người khuyết tật còn khó khăn hơn gấp nhiều lần, nhất là việc chọn được ngành nghề cho phù hợp với sức khỏe. Nhiều sinh viên ra trường loại giỏi, kỹ năng giao tiếp tốt, có thể đáp ứng đủ yêu cầu của người tuyển dụng, nhưng họ lại bị từ chối bởi lý do duy nhất là họ bị khuyết tật. “Làm thế nào để cải thiện đời sống cho người khuyết tật" là điều khiến Liên luôn trăn trở. Phương Liên thường xuyên chia sẻ thông tin và tổ chức hội thảo việc làm nhằm giúp đỡ người khuyết tật định hướng và lựa chọn công việc phù hợp. Mặc dù đây là bài toán khó chung cho cả xã hội nhưng Liên đã cố gắng giúp đỡ được nhiều người khuyết tật có điểm tựa, thoát khỏi cảnh tuyệt vọng khi không có việc làm. 
Không theo nghiệp ca hát, chưa từng biểu diễn trên sân khấu lớn, nhưng cô chim sơn ca bé nhỏ của CLB lại đam mê âm nhạc theo một cách riêng: mãnh liệt mà đầy lòng nhân ái. Liên thường xuyên tham gia biểu diễn văn nghệ trên đường phố cùng các trung tâm nhân đạo của người khuyết tật.

Khán giả của Liên khá đặc biệt, họ là bất cứ ai, những người lao động vất vả hay công chức, người giàu có. Họ tất bật giữa dòng người trên đường phố nhưng không quên dừng lại, để thưởng thức âm nhạc, để đồng cảm, sẻ chia cùng những mảnh đời còn nhiều khó khăn. Sân khấu bé nhỏ, Liên cũng bé nhỏ, Liên hát như trút cả lòng mình, chạm tới trái tim người nghe. Sau biến cố của cuộc sống, nhiều khi âm nhạc trở thành người bạn lớn của Liên. Liên vin vào âm nhạc, sống trong những giai điệu mà tiếp tục đứng dậy, quay trở về với kiếp sống mưu sinh, những công việc tình nguyện. 

Số tiền quyên góp được, Liên dành tặng các bạn bị khuyết tật nặng như một món quà nhỏ. Nhưng Liên còn mong muốn nhiều hơn, đó là khi bạn cất tiếng hát, trong số mọi người lắng nghe thì có cả người khuyết tật, khi đó họ sẽ tự cất lên tiếng hát của mình, có thể sống được bằng nghề này, hoặc họ có thêm sự tự tin, động lực để cố gắng trong các công việc khác. 
Hình ảnh làm Liên nhớ nhất khi tham gia tình nguyện là một ngày đột nhiên mưa giông gió lớn khi chương trình về người khuyết tật Liên dàn dựng chuẩn bị bắt đầu. Khán giả là người khuyết tật vận nên họ đi lại rất khó khăn. Trước đường lên hội trường, mọi người đã xếp hàng dài, cùng giúp đỡ nhau để lên được cầu thang. Người khuyết tật nhẹ cõng người khuyết tật nặng, người khuyết tật tay cõng người khuyết tật chân, người đi xe lăn lại bám theo sau để tất cả cùng lên được cầu thang. 

Một mùa Tết yêu thương về với Trung tâm bảo trợ Vĩnh Phúc, Liên được tiếp xúc với những người già neo đơn, không nơi nương tựa cùng nhiều cảm xúc vui buồn, xót xa. Đó là một ngày trời lạnh căm mà các cụ chỉ phong phanh áo mỏng. Hình ảnh tuổi già xế chiều cô đơn giữa ngày tết khiến những việc làm của Liên cùng nhóm bạn như trang trí trung tâm, nấu bánh chưng, trao quà cũng trở nên nhỏ bé. Liên tự nhủ với lòng mình sẽ luôn nỗ lực từng ngày để sống và cống hiến. 

Tâm sự về mình, Liên chia sẻ: “Mỗi người có một cách đối mặt với cuộc sống. Ðiều quan trọng là chọn cho mình một lối đi để cảm thấy mình đang sống chứ không phải đang tồn tại”.

NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT

Việt Nam có hàng nghìn học sinh chết đuối thương tâm

Một học sinh chết trong giờ học; Một trưởng khoa gian lận điểm thi

Chùm ảnh: Chủ tịch nước trồng cây lưu niệm tại Trường ĐH KHXH & NV

Dạy bơi cho học sinh cấp I: Các trường... "tự bơi"

Giảng viên ĐH hẹn ngày chết; Giới trẻ Mỹ chuẩn bị đám tang của mình

Chủ tịch nước: "Cần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, thực chất"

ĐIỂM NÓNG

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

Đổi mới Giáo dục

Xem nhiều nhất trong tháng

Đỗ Quyên Quyên