Có những giáo viên muốn…lớn cũng không được

19/04/2020 06:33
Đăng Bình
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Người giỏi, người tài chẳng mấy người muốn vào sư phạm. Câu nói: “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” từ nhiều năm qua vẫn luôn là chân lý.

Trong thực tế, vẫn còn không ít giáo viên không…chịu lớn như những phản ánh trong bài viết “Vẫn còn đó một bộ phận giáo viên không… chịu lớn” của tác giả lê Mai đăng trên Giáo dục Việt Nam ngày 12/4.

Trong thực tế thì không phải giáo viên nào cũng có đủ năng lực dạy trực tuyến (Ảnh Báo Giáo dục Việt Nam).
Trong thực tế thì không phải giáo viên nào cũng có đủ năng lực dạy trực tuyến (Ảnh Báo Giáo dục Việt Nam).

Thật đáng buồn thay phải thú nhận rằng, vẫn còn một bộ phận giáo viên khác muốn …lớn cũng không được.

Nói điều này ra, chắc chắn sẽ nhận được sự nổi giận của một số người vì cho rằng bài viết đã làm tổn thương nhiều thầy cô giáo.

Thế nhưng, dù buồn, dù đau, dù bị tổn thương vì những lời nói thẳng thì sự thật vẫn cần được nói ra.

Bởi lỗi thầy cô muốn…lớn cũng không được không hẳn thuộc mình giáo viên mà do nhiều áp lực của nghề, do chế độ đãi ngộ không tốt, do sự trọng dụng người tài chưa phù hợp mang lại.

Thế nên người giỏi, người tài chẳng mấy người muốn vào sư phạm. Câu nói: “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” từ nhiều năm qua vẫn luôn là chân lý.

9 điểm 3 môn thi thậm chí chỉ 7 điểm 3 môn là đủ điều kiện vào trường cao đẳng sư phạm. 12 điểm 3 môn trong đó có 1 môn nhân hệ số 2 cũng đủ điều kiện vào trường đại học sư phạm nào đó…

Có những giáo viên muốn…lớn cũng không được ảnh 2
Có phải giáo viên không … chịu lớn?

Những thầy cô giáo này, sau 3 -4 năm đã trở thành những thầy cô giáo dạy bậc trung học. Thử hỏi, họ có đủ kiến thức, năng lực để giảng dạy trên lớp?

Không ít thầy cô vẫn tự tin nói: “Dạy đám học trò nhỏ thì có gì mà không dạy được?”.

Phải rồi, dạy thì ai chẳng dạy được nhưng dạy ra sao? Dạy như thế nào mới là điều đáng nói.

Những tiết dạy để đánh giá xếp loại luôn được các thầy cô chuẩn bị chu đáo đến từng chân tơ kẽ tóc. Có thầy cô bỏ hàng tháng trời soạn bài, nhờ đồng nghiệp tư vấn, góp ý thậm chí soạn hộ. Vậy nên, dự giờ xong ai mà chẳng được đánh giá tốt, tiết dạy hiệu quả.

Nay, mùa Covid-19, nhà trường yêu cầu giáo viên dạy online, quay video bài giảng đưa lên Youtube thì mới “cháy nhà ra…” vì chẳng phải thầy cô giáo nào cũng tự tin làm được.

Có cô bỏ công hết ngày này đến ngày khác soạn bài, học thuộc để chuẩn bị quay video. Do năng lực có hạn nên bài soạn không đạt yêu cầu, thức cả đêm để học nhưng khi giảng vẫn nói vấp và run bần bật vì không thật sự tự tin.

Có cô thức suốt đêm, có thầy ngồi miệt mài cả ngày hết kêu người này giúp đỡ, gọi người kia hỗ trợ…nhưng cuối cùng vẫn không thể bằng lòng với sản phẩm của mình.

Nghề giáo cần hội tụ đủ kiến thức, năng lực và sự nhiệt tình nhưng với cách mà xã hội đang đối xử với nhà giáo như hiện này sẽ chẳng thể chọn đâu ra nhiều thầy cô giáo như thế.

Và sẽ còn nhiều, rất nhiều thầy cô dù muốn cũng không thể…lớn thì thật đáng buồn thay.

Đăng Bình