Hiện nay không phải trường nào cũng đã tiến hành dạy trực tuyến.
Có trường đã thực hiện ngay từ những tuần thứ hai của kỳ nghỉ tết lịch sử; có trường đến giờ này vẫn “trên nóng, dưới lạnh”, chưa biết dạy trực tuyến là gì.
Việc triển khai dạy trực tuyến phụ thuộc vào địa phương chỉ đạo; còn giáo viên thực hiện như thế nào lại do hiệu trưởng có chỉ đạo quyết liệt hay không.
Hiệu trưởng rành công nghệ, phong trào dạy trực tuyến đạt hiệu quả tốt; hiệu trưởng công nghệ 0.4 thì dạy trực tuyến mạnh ai nấy làm, được chăng hay chớ, miễn có số liệu báo cáo đẹp.
Có nơi sau khi khảo sát thông tin, thấy số học sinh có điều kiện học trực tuyến thấp, đã “phấn khởi” báo cáo, không đủ điều kiện thực hiện dạy học trực tuyến vì học trò không có mạng, không có máy tính, không có điện thoại thông minh.
Việc triển khai dạy trực tuyến cũng có những chuyện cười ra nước mắt. (Ảnh minh hoạ: VOV) |
Việc báo cáo số liệu học sinh phản hồi có chính xác hay không, chỉ có …hiệu trưởng biết!
Việc triển khai dạy trực tuyến cũng có những chuyện cười ra nước mắt.
Thầy giáo T. chỉ còn hai năm nữa về hưu, khi nhà trường nhắn trên Zalo cài Zoom meeting để họp trực tuyến, triển khai dạy trực tuyến; sau một thời gian “bó tay chấm com” đã nhắn lại “chắc phải xin nghỉ hưu sớm”.
Có giáo viên khi được phân công dạy trực tuyến lại lớn tiếng đòi hỏi văn bản, thông tư quyết định này nọ, thực chất đằng sau đó là không có năng lực… không chịu lớn lên cùng thời đại.
Cũng có người cố gắng nhưng không chiến thắng được tuổi tác, đáng thông cảm; bên cạnh đó cũng có người lý sự cùn:
“Không dạy trực tuyến được cũng không thể xếp mình không hoàn thành nhiệm vụ, nếu năm nay không hoàn thành còn năm sau; dịch không thể kéo tận năm sau được; không lý gì mình bị cắt hợp đồng”.
Việc dạy trực tuyến cũng cười ra nước mắt, có giáo viên chỉ tải bài dạy trên kho dữ liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo hay trên Youtube, về phát lại, đường truyền chập chờn, học sinh chỉ vào gặp thầy rồi tạm biệt; một tiết học trực tuyến kiểu dạy cho có đã đuổi học sinh ra khỏi phòng học mãi mãi!
Trong bức tranh màu xám do Covid-19 vẽ ra cho thế giới, vẫn còn đó tác dụng tích cực giúp giáo viên, cán bộ quản lý đánh giá được nhân sự của mình và của chính mình.
Thực tế cũng có giáo viên trẻ, bằng cấp đẹp như tranh vẽ, nhưng khi đụng vào thực tế, sử dụng máy tính … mới lòi mặt bằng mua, chứng chỉ đóng tiền là có.
Cô giáo Cao Hồng Huệ, người truyền cảm hứng cho giáo viên dạy trực tuyến |
Có những giáo viên lớn tuổi, sắp về hưu có tinh thần tự học, tự trau dồi kiến thức, không giấy chứng chỉ nhưng sử dụng vi tính thành thạo, dạy trực tuyến giỏi được học trò và đồng nghiệp cảm phục.
Hiện thực là bức tranh hỗn độn trắng, đen khó phân biệt; chỉ có qua nước sôi lửa bỏng, thử thách qua khó khăn, dịch bệnh mới thấy ai là người đủ bản lĩnh cả tâm và tầm làm thầy học trò.
Thực tế có một bộ phận giáo viên không chịu lớn, không chịu học hỏi, cứ bám vào bình sữa “biên chế suốt đời” để “bú mớm”; không chịu tự cập nhật kiến thức, trang bị kỹ năng cho mình.
Với thời đại công nghệ, giáo dục cũng thay đổi thường xuyên; học sinh cập nhật nhanh và thường xuyên; nếu giáo viên không chịu lớn chắc chắn sẽ thụt lùi chứ không phải đứng tại chỗ.
Vì vậy, câu khẩu hiệu “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương tự học” càng đúng hơn trong thời gian dịch bệnh Covid-19 đang xảy ra.
Học sinh học trực tuyến đòi hỏi ý thức tự học tốt; giáo viên muốn dạy trực tuyến tốt cũng cần ý thức tự học tốt.
Giaó viên trường công lập hãy nhìn vào hàng chục ngàn giáo viên hợp đồng ngoài công lập nghỉ dạy không lương, đang bươn chải kiếm sống để thấy trách nhiệm của mình trước đất nước, xã hội và học trò.
Chắc chắn “bầu sữa” mà ai đó đang mong chờ sẽ cạn; hãy tự học để mình lớn lên là nhiệm vụ, nhu cầu của chính mỗi người thầy giáo hôm nay.