Còn duy trì yêu cầu sáng kiến kinh nghiệm thì ngành giáo dục còn lắm bất công!

03/11/2019 06:58
NGUYỄN NGUYÊN
(GDVN) - Phần lớn sáng kiến kinh nghiệm của ngành giáo dục hiện nay là sản phẩm sao chép, chắp vá nên gần như chẳng có tác dụng gì cho ngành.

Chưa bao giờ việc đánh giá, phân loại, xét thi đua viên chức ngành giáo dục lại có nhiều bất cập giống như bây giờ. Chỉ cần 1 sáng kiến kinh nghiệm đạt giải cấp trường (cấp trung học phổ thông) cấp huyện (cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở) là đương nhiên được phân loại xuất sắc, được xét danh hiệu thi đua cao nhất.

Vậy, sáng kiến kinh nghiệm là cái gì mà được đề cao đến thế? Sáng kiến kinh nghiệm sẽ đem lại những hiệu quả nổi trội nào cho ngành mà có giá trị  lớn đến như vậy?

Xin thưa ngay rằng, phần lớn sáng kiến kinh nghiệm của ngành giáo dục hiện nay là sản phẩm sao chép, chắp vá nên gần như chẳng có tác dụng gì cho ngành. Nếu có, sao chẳng bao giờ những sản phẩm đạt giải cao được áp dụng rộng rãi, được người viết áp dụng cho việc dạy học hàng ngày của mình?

Sáng kiến kinh nghiệm đang được tôn vinh quá cao trong ngành giáo dục (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Sáng kiến kinh nghiệm đang được tôn vinh quá cao trong ngành giáo dục 

(Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Nói thật, mỗi năm học đi qua, mỗi khi nhắc đến cụm từ sáng kiến kinh nghiệm thì chúng tôi lại buồn man mác. Nỗi buồn ấy cứ dai dẳng kéo từ năm này sang năm khác. Có điều, sáng kiến kinh nghiệm ngày càng được đề cao hơn các thành tích khác của người thầy.

Nhiều giáo viên họ làm công việc ở trường rất nhiệt tình, tích cực trong mọi nhiệm vụ được phân công. Họ có phương pháp giảng dạy hay, chuyên môn tốt nên thường xuyên có học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp huyện, trong các kỳ thi của ngành.

Chất lượng giảng dạy hàng năm cũng cao, thực hiện các tiết thao giảng chuyên đề được nhà trường, hội đồng bộ môn, tổ chuyên môn đánh giá cao. Nhưng, cuối năm chỉ được xét hoàn thành tốt nhiệm vụ và danh hiệu lao động tiên tiến vì họ không có sáng kiến kinh nghiệm.

Người thì phân công cái gì cũng thoái thác, giảng dạy lớp nào là học sinh lớp đó la trời vì phương pháp giảng dạy và cách quản lý học sinh.

Thế nhưng vì có sáng kiến kinh nghiệm nên cuối năm được phân loại viên chức ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được xét danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở trở lên, được xếp chuẩn nghề nghiệp xuất sắc, được xếp đảng viên ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ…!

Vì sao lại có những chuyện lạ vậy, bất công đến vậy? Bởi vì hướng dẫn của Nghị định 56 và Nghị định 88 sửa đổi của Chính phủ và các hướng dẫn thi đua của các Ủy bân nhân dân tỉnh, huyện, ngành giáo dục như thế.

Phải có sáng kiến kinh nghiệm được cấp có thẩm quyền công nhận thì đương nhiên được xét viên chức ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Khi được phân loại, đánh giá viên chức ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì xét thi đua, xét chuẩn nghề nghiệp, đánh giá đảng viên cứ vậy mà theo.

Còn duy trì yêu cầu sáng kiến kinh nghiệm thì ngành giáo dục còn lắm bất công! ảnh 2Sáng kiến kinh nghiệm là trên hết, các phong trào khác đâu có nhiều ý nghĩa

Thành ra, trong năm học mà giáo viên chỉ cần một sáng kiến kinh nghiệm đạt giải là các loại đánh giá khác đều được gán mác “xuất sắc” và mới được xét danh hiệu thi đua từ chiến sĩ thi đua cơ sở trở lên.

Không có sáng kiến kinh nghiệm thì an phận ở mức đánh giá, phân loại, xét thi đua ở mức thấp, giáo viên có ấm ức thì cũng chẳng có tác dụng gì vì hướng dẫn của các văn bản hiện hành nó đã thế rồi!

Chất lượng sáng kiến trôi nổi, được giải là hên xui

Có một giáo viên nói với chúng tôi rằng để thực hiện 1 sáng kiến kinh nghiệm thì giáo viên này mất…một buổi tối để thực hiện. Việc đầu tiên là lên mạng tìm một đề tài ưng ý và tải về.

Sau đó, thay đổi họ tên, đơn vị, đảo vị trí các đoạn văn trên xuống dưới, dưới lên trên và thay đổi kết quả đạt được theo giống kết quả giảng dạy của mình là in nộp. 

Người viết là vậy, người chấm thì đa số là lãnh đạo Phòng, Sở, họ cũng có rất nhiều việc nhưng được bộ phận chuyên môn phân công thì chấm. Trên cơ sở là 2 người chấm chung 1 đề tài nhưng không phải bao giờ họ cũng đều đọc cả.

Bởi, chỉ cần 1 người đọc và làm phiếu thống nhất là xong mà việc chấm sáng kiến kinh nghiệm của lãnh đạo Phòng, Sở là đem về nhà chấm. Vì thế, cũng chẳng ai kiểm định chất lượng sáng kiến, kiểm định được chất lượng người chấm như thế nào?

Mỗi người chấm mấy chục sáng kiến kinh nghiệm thì làm sao mà kỹ và sâu sát được, nhất là những người chấm những môn học không phải môn mà mình đào tạo nên chủ yếu là nhìn bố cục thấy hợp lý, nhìn thấy người viết quen thân là công nhận giải…

Chính vì vậy, nhiều giáo viên dưới cơ sở người ta chỉ thực hiện một hai lần thấy có nhiều bất công quá thì họ cạch mặt luôn, chẳng bao giờ viết lại nữa.

Còn duy trì yêu cầu sáng kiến kinh nghiệm thì ngành giáo dục còn lắm bất công! ảnh 3Sở Giáo dục Hải Dương hướng dẫn giáo viên viết sáng kiến kinh nghiệm

Những người có anh em, người thân, người quen làm ở Sở, ở Phòng thì thường xuyên viết và họ cũng thường xuyên đạt giải mỗi khi thực hiện…

Bất cập này giáo viên nào cũng thấy được và thường có rất nhiều thị phi sau mỗi lần các cấp lãnh đạo công bố kết quả sáng kiến kinh nghiệm, sau khi xét thi đua hàng năm nhưng cũng chẳng biết bao giờ mới chấm dứt được chuyện này?

Phải cần thay đổi cách đánh giá, phân loại, xét thi đua hiện nay.

Đánh giá, phân loại, xét thi đua của giáo viên hàng năm nếu được làm công bằng, đề cao thành quả của người thầy sẽ góp phần thúc đẩy được sự phát triển của ngành giáo dục.

Nói gì thì nói, người thầy đứng lớp thì cái tiêu chí đầu tiên phải là chất lượng giảng dạy của mình qua từng năm học. Mỗi khi kiểm tra đề chung của trường, học sinh của những giáo viên ấy đạt được điểm số cao hơn những giáo viên còn lại trong khối.

Người thầy ấy được tổ chuyên môn đánh giá cao trong việc đánh giá tay nghề hàng năm qua nhưng tiết chuyên đề, qua những tiết dự giờ của đồng nghiệp và quá trình tham gia các công việc được phân công của tổ chuyên môn và nhà trường một cách tích cực.

Người thầy ấy được học trò yêu mến, cảm phục, được đồng nghiệp đánh giá cao trong việc xây dựng mối đoàn kết phấn đấu trong đơn vị và tất nhiên không vi phạm, không làm điều gì trái với lương tâm, đạo đức của người thầy.

Còn nếu như việc đánh giá, phân loại, xét thi đua giáo viên hàng năm chỉ căn cứ vào sáng kiến kinh nghiệm đạt giải là giáo viên ấy được đánh giá người nổi trội hơn cả là còn tôn vinh sự giả dối, hình thức.

Muốn thay đổi được điều giả dối, hình thức, tôn vinh người thầy hàng năm một cách chính xác, công bằng thì việc đầu tiên phải điều chỉnh thay đổi một số văn bản hiện hành.

Mấu chốt của vấn đề này bắt đầu từ Nghị định 56 và Nghị định 88 sửa đổi của Chính phủ đã và đang quá đề cao sáng kiến kinh nghiệm trong mấy năm gần đây!

NGUYỄN NGUYÊN