Đại học Thái Nguyên thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia

23/09/2020 11:48
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao năng lực nghiên cứu khoa học của Đại học Thái Nguyên và các trường thành viên.

Chiều 22/9, Giáo sư Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên về định hướng phát triển Đại học Thái Nguyên và tình hình giáo dục địa phương.

Dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Thanh Hải - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Vũ Hồng Bắc - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; đồng chí Trịnh Việt Hùng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.

Về phía Đại học Thái Nguyên có Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Quang - Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Thái Nguyên, cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Giám đốc, Bí thư, Hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng các trường đại học, cao đẳng trực thuộc Đại học.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên về định hướng phát triển Đại học Thái Nguyên và tình hình giáo dục địa phương.Ảnh: ĐHTN.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên về định hướng phát triển Đại học Thái Nguyên và tình hình giáo dục địa phương.Ảnh: ĐHTN.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã nghe đồng chí Trịnh Việt Hùng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo tình hình phát triển giáo dục và đào tạo của tỉnh Thái Nguyên.

Báo cáo nêu rõ, những năm qua, hệ thống mạng lưới trường lớp của tỉnh đã phát triển đều khắp từ mầm non đến phổ thông và giáo dục chuyên nghiệp đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Từ năm 2016 đến tháng 12/2019, toàn tỉnh đã thành lập mới 29 trường, sáp nhập được 30 trường phổ thông; số trường đạt chuẩn quốc gia là 572/683 trường.

Tỷ lệ kiên cố hóa phòng học trên toàn tỉnh đạt 71,98%, 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày, đối với lớp 1 đã đảm bảo 1 lớp/phòng để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Với chủ trương “lấy chất lượng để duy trì và phát triển số lượng”, 5 năm qua, các chỉ số đánh giá đều đạt mức cao so với giai đoạn 2010-2015.

Chất lượng Giáo dục tỉnh Thái Nguyên có chuyển biến rõ nét, bền vững. Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đang tích cực triển khai chương trình Giáo dục phổ thông mới, trước hết là đối với lớp một.

Trao đổi về nguồn lực đầu tư cho giáo dục, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vũ Hồng Bắc khẳng định, mặc dù còn nhiều khó khăn song Thái Nguyên là một trong những tỉnh chi ngân sách địa phương cho giáo dục lớn và tăng qua từng năm. Năm 2020, nguồn ngân sách địa phương chi cho giáo dục là khoảng 3.700 tỷ đồng.

Với tiềm năng, thế mạnh, cũng như quyết tâm của địa phương, ông Vũ Hồng Bắc cho rằng, “Thái Nguyên phải tiếp tục khẳng định mình để trở thành trung tâm của vùng trung du miền núi phía Bắc”.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên mong muốn, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục có những hỗ trợ, quan tâm, ưu tiên để giáo dục và đào tạo Thái Nguyên phát triển.

Đánh giá cao kết quả giáo dục và đào tạo của tỉnh Thái Nguyên không chỉ trong năm học 2019-2020 mà trong cả nhiệm kỳ vừa qua, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, các chỉ số của giáo dục địa phương đã cơ bản đạt và vượt.

“Phải đặt trong cả khu vực miền núi phía Bắc còn nhiều khó khăn mới thấy kết quả đạt được là cố gắng lớn”, Bộ trưởng cũng chỉ ra một số kết quả quan trọng của giáo dục Thái Nguyên như chất lượng phổ cập giáo dục, khả năng tiếp cận giáo dục của học sinh các bậc học; chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn; các điều kiện đảm bảo chất lượng…

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Bộ trưởng, Giáo dục Thái Nguyên vẫn còn một số khó khăn nhất định, trong đó, các thiết chế nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ở địa bàn miền núi còn hạn chế.

Vẫn còn tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, tỷ lệ đạt chuẩn, trên chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 còn thấp; giáo dục mũi nhọn đã được cải thiện nhưng cần được đầu tư hơn nữa để hướng tới các giải thưởng quốc tế.

Để giải quyết bài toán khó khăn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất cho giáo dục, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị tỉnh Thái Nguyên xây dựng đề án phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và đề án đầu tư cơ sở vật chất cho giai đoạn 5 năm tới (2021-2026), từ đó nhìn rõ bức tranh thực trạng, có giải pháp căn cơ để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cũng như xác định nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất.

Bộ trưởng cũng lưu ý một số nhiệm vụ ngành Giáo dục Thái Nguyên cần thực hiện trong năm học mới như: triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1; tăng cường giáo dục đạo đức lối sống; tăng cường phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh; đảm bảo an toàn trường học…

Đại học Thái Nguyên là điểm sáng trong sự phát triển của địa phương

Đề cập đến một đề án quan trọng nữa mà tỉnh Thái Nguyên cần tập trung xây dựng và thực hiện trong giai đoạn 5, 10 năm tới, đó là đề án phát triển nguồn nhân lực địa phương.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, đề án này sẽ giúp Thái Nguyên chuẩn bị sẵn sàng về nguồn nhân lực cho từng nhóm ngành nghề cụ thể, đảm bảo cho sự phát triển kinh tế - xã hội lâu dài và bền vững.

Với vị thế của một đại học vùng đóng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên - là động lực phát triển không chỉ của tỉnh mà còn cả khu vực, theo Bộ trưởng, Đại học Thái Nguyên cần tham gia tư vấn, hỗ trợ địa phương trong quá trình xây dựng và triển khai cả 3 đề án: Phát triển đội ngũ giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất và đề án phát triển nguồn nhân lực.

Bộ trưởng lưu ý, Đại học Thái Nguyên cần căn cứ vào nhu cầu nguồn nhân lực của tỉnh Thái Nguyên và rộng hơn là cả khu vực để quy hoạch lại ngành nghề đào tạo. Đồng thời, căn cứ vào năng lực của các trường để thành lập các nhóm nghiên cứu, dần hình thành nhóm nghiên cứu mạnh.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý, Đại học Thái Nguyên cần căn cứ vào nhu cầu nguồn nhân lực của tỉnh Thái Nguyên và rộng hơn là cả khu vực để quy hoạch lại ngành nghề đào tạo. Đồng thời, căn cứ vào năng lực của các trường để thành lập các nhóm nghiên cứu, dần hình thành nhóm nghiên cứu mạnh. Ảnh: ĐHTN.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý, Đại học Thái Nguyên cần căn cứ vào nhu cầu nguồn nhân lực của tỉnh Thái Nguyên và rộng hơn là cả khu vực để quy hoạch lại ngành nghề đào tạo. Đồng thời, căn cứ vào năng lực của các trường để thành lập các nhóm nghiên cứu, dần hình thành nhóm nghiên cứu mạnh. Ảnh: ĐHTN.

Đánh giá cao việc Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) vừa qua đã nghiên cứu thành công bộ sinh phẩm xét nghiệm Covid-19, Bộ trưởng đề nghị: “Đại học Thái Nguyên cần tiếp tục tăng cường hợp tác với các cơ sở giáo dục đại học khác, nhất là của nước ngoài để triển khai các hoạt động nghiên cứu ứng dụng mang lại hiệu quả thiết thực. Bên cạnh đó, chủ động hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao ứng dụng theo đơn đặt hàng với tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh trong khu vực”.

Đối với mô hình 2 cấp hiện nay, Bộ trưởng nhấn mạnh, cần tiếp tục rà soát, đổi mới cách thức hoạt động, quản lý, tăng cường tính tự chủ cho các cơ sở thành viên, tạo điều kiện để các trường thành viên được tự chủ cao nhất nhưng vẫn đảm bảo những quy định có tính chất tập thể. Trong việc đầu tư cơ sở vật chất, cần tăng cường các nguồn lực dùng chung.

“Đại học Thái Nguyên rất quyết liệt gắn chặt chẽ với sự phát triển của địa phương, vì vậy, tôi đề nghị lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục quan tâm, tạo cơ hội cho sự phát triển của trường”.

Khẳng định, những trao đổi, đề nghị của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và đoàn công tác Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gợi mở nhiều vấn đề mà tỉnh Thái Nguyên có thể xem xét, triển khai trong giai đoạn tới, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải mong muốn, thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục có sự quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn để các đề án như đã được đề cập tại buổi làm việc sẽ được thực hiện trong thực tế.

Thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước

Đại học Thái Nguyên hiện có 07 trường đại học thành viên; trường Ngoại ngữ; Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật; Phân hiệu tại tỉnh Lào Cai, Khoa Quốc tế; 10 đơn vị trực thuộc (03 trung tâm, 04 viện nghiên cứu, nhà xuất bản, bệnh viện thực hành và tạp chí khoa học công nghệ).

Với 283 ngành đào tạo, trong đó có 32 ngành tiến sĩ, 61 ngành thạc sĩ, 24 chuyên ngành bác sĩ chuyên khoa và bác sĩ nội trú, 145 ngành đại học và 21 ngành cao đẳng; 09 ngành đào tạo chương trình tiên tiến được nhập khẩu từ nước ngoài; 15 chương trình đào tạo trọng điểm định hướng chất lượng cao. Ngoài ra còn có trên 30 chương trình liên kết đào tạo từ trình độ đại học tới tiến sĩ với nước ngoài.

Quy mô đào tạo của Đại học Thái Nguyên đang có gần 55.000 sinh viên trình độ đại học, trên 4.500 học viên sau đại học (học viên thạc sĩ, nghiên cứu sinh, bác sĩ chuyên khoa) và hơn 1.000 lưu học sinh quốc tế của 16 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Về kiểm định chất lượng, Đại học Thái Nguyên đã có 07/07 trường đại học thành viên đạt chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học.

Đã có nhiều đơn vị thành viên được nhận các danh hiệu thi đua, khen thưởng cao quý của cấp trên, đặc biệt, đến nay đã có 03 trường Đại học thành viên vinh dự được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động (Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Trường Đại học Nông Lâm, Trường Đại học Sư phạm).

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Quang - Giám đốc Đại học Thái Nguyên phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: ĐHTN.

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Quang - Giám đốc Đại học Thái Nguyên phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: ĐHTN.

Đại học Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Quang - Giám đốc Đại học Thái Nguyên cho biết: “Trong 5 năm, mỗi năm Đại học Thái Nguyên đào tạo được trên 8.500 cử nhân, kỹ sư và cao đẳng nghề; 1.350 Thạc sĩ và tương đương; 20-25 Tiến sĩ; 100-150 lưu học sinh nước ngoài. Đây là nguồn nhân lực quan trọng cung cấp cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng và cả nước.

Triển khai thực hiện 8 chương trình khoa học công nghệ, 45 đề tài cấp nhà nước, 3 dự án sản xuất thử nghiệm cấp Bộ. Đại học Thái Nguyên cũng đứng trong top 10 các trường đại học có công bố quốc tế tốt nhất Việt Nam, xếp hạng 3/35 về chỉ số nội lực.

Chú trọng công tác kiểm định chất lượng giáo dục, 7/7 trường đại học thành viên đã được cấp chứng nhận kiểm định chất lượng từ năm 2017; có 9 chương trình đào tạo được kiểm định đạt chuẩn quốc gia.

Công tác đào tạo và đảm bảo chất lượng. Hiện nay, Đại học có 283 ngành đào tạo, trong đó có 32 ngành tiến sĩ, 61 ngành thạc sĩ, 24 chuyên ngành bác sĩ chuyên khoa và bác sĩ nội trú, 145 ngành đại học và 21 ngành cao đẳng.

09 ngành đào tạo chương trình tiên tiến được nhập khẩu từ nước ngoài; 15 chương trình đào tạo trọng điểm định hướng chất lượng cao. Ngoài ra còn có trên 30 chương trình liên kết đào tạo từ trình độ đại học tới tiến sĩ với nước ngoài.

Tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy giai đoạn 2015 - 2020 đạt trung bình 8.500 sinh viên/năm. Tuyển sinh sau đại học (tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa) ổn định và luôn đạt 100% chỉ tiêu (trung bình giai đoạn 2015 - 2020 là 1.524 học viên/năm).

Đào tạo lưu học sinh nước ngoài tăng nhanh, hiện nay có 1.084 lưu học sinh của 16 quốc gia đang học tại Đại học Thái Nguyên.

Chất lượng tuyển sinh dần được nâng cao, năm 2020 ngưỡng điểm xét tuyển vào các trường đại học thành viên của Đại học Thái Nguyên từ 14,5 - 22,0 điểm, tăng từ 1,5 - 3,0 điểm so với năm 2019.

Công tác kiểm định chất lượng chương trình đào tạo cũng được chú trọng. 7/7 trường đại học thành viên của Đại học đã được cấp chứng nhận kiểm định chất lượng từ năm 2017.

Có 09 chương trình đào tạo được kiểm định đạt chuẩn quốc gia. Toàn Đại học có 08 chương trình đào tạo đang triển khai tổ chức kiểm định chất lượng theo chuẩn AUN-QA.

Trong giai đoạn 2015 - 2020, mỗi năm Đại học Thái Nguyên đào tạo được trên 8.500 cử nhân, kỹ sư và cao đẳng nghề; 1.350 thạc sĩ và tương đương, 20 - 25 tiến sĩ; 100-150 lưu học sinh nước ngoài.

Đây là nguồn nhân lực quan trọng cung cấp cho yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của Vùng và đất nước. Số cán bộ do đại học đào tạo đã phát huy tốt kiến thức chuyên môn, năng lực thực tiễn, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ và cả nước.

Đại học Thái Nguyên xây dựng phương hướng nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn 2030

Với mục tiêu tạo bước chuyển biến căn bản về chất lượng đào tạo và khoa học công nghệ, phát triển các ngành đào tạo trọng điểm, mũi nhọn đạt chuẩn kiểm định quốc gia, khu vực ASEAN và quốc tế.

Xây dựng và phát triển mô hình đại học điện tử; xây dựng Đại học Thái Nguyên trở thành bộ phận hữu cơ trong chiến lước phát triển kinh tế xã hội của Tỉnh Thái Nguyên và khu vực, tạo nền tảng đào tạo và nghiên cứu khoa học có chất lượng, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.

1. Nâng cao năng lực quản trị đại học; thực hiện tái cơ cấu bộ máy tổ chức theo hướng tinh, gọn, hiệu lực, hiệu quả.

2. Đầu tư đào tạo, bồi dưỡng, thu hút và sử dụng đội ngũ chuyên gia giỏi có khả năng xây dựng chương trình trọng điểm đạt chuẩn khu vực và quốc tế; xây dựng một số ngành đào tạo chất lượng cao, đặc thù, có khả năng cạnh tranh mạnh.

3. Tập trung nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ có sự tham gia của doanh nghiệp. Phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh để tạo ra các sản phẩm đặc trưng và ứng dụng vào thực tiễn sản xuất của tỉnh, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn.

Thành lập các trung tâm chuyển giao công nghệ, tư vấn để kết nối giữa hoạt động nghiên cứu với thực tiễn. Đầu tư mạnh các phòng thí nghiệm trọng điểm.

4. Nghiên cứu, đánh giá, nhận diện những biến động về kinh tế - xã hội để kịp thời đề xuất những giải pháp, những chính sách nhằm tham mưu cho các tỉnh trong việc xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Tích cực tham gia với chính quyền địa phương để lập dự báo nhu cầu nguồn nhân lực nhằm điều chỉnh và định hướng kế hoạch đào tạo của Đại học Thái Nguyên để đảm bảo cung cấp đủ nguồn nhân lực một cách kịp thời với chất lượng tốt cho nhu cầu phát triển của tỉnh Thái Nguyên và Vùng.

5. Đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất hiện đại, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin, phòng thí nghiệm trọng điểm có khả năng giải quyết những vấn đề chuyên sâu trong nghiên cứu và chuyển giao; phòng thực hành giảng dạy, thư viện hiện đại, nhà xưởng, đất đai phục vụ thực hành, thực tập, nghiên cứu khoa học.

Tập trung khai thác, sử dụng tối đa nguồn lực cơ sở vật chất của Đại học và các đơn vị thành viên. Làm tốt công tác quy hoạch đất đai, hạ tầng cơ sở vật chất (ký túc xá, phòng thực hành, khu vui chơi, khu dịch vụ sinh viên…) nhằm tạo môi trường giáo dục học tập, nghiên cứu, sinh hoạt đáp ứng yêu cầu người học.

6. Tăng cường nguồn lực tài chính ngoài ngân sách nhà nước. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, tìm kiếm, khai thác, huy động các nguồn lực từ tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và cơ sở vật chất.

7. Mở rộng hợp tác quốc tế trong trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; tăng cường trao đổi học thuật, trao đổi giảng viên, sinh viên, thu hút giảng viên, sinh viên nước ngoài đến làm việc và học tập; xây dựng môi trường làm việc quốc tế trong trong Đại học; nâng cao uy tín và khả năng cạnh tranh của Đại học trong khu vực và thế giới.

8. Xây dựng chương trình hợp tác toàn diện với tỉnh Thái Nguyên trong việc định hướng đầu tư, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, tư vấn chính sách…

Xác định Đại học Thái Nguyên là một thực thể hữu cơ không thể tách rời trong sự phát triển của Tỉnh và coi đây là lợi thế cạnh tranh của Tỉnh với các địa phương khác trong khu vực.

Tùng Dương