Giáo sư Phạm Hồng Quang tiếp tục được bầu làm Bí thư Đảng ủy Đại học Thái Nguyên

14/08/2020 18:33
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngày 13 và 14/8/2020 đã diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ Đại học Thái Nguyên lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Dự đại hội có đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên.

Đồng chí Vũ Hồng Bắc - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, đại biểu Quân khu I, đại biểu các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy và lãnh đạo Đại học Thái Nguyên qua các thời kỳ.

Kết quả đã bầu được 25 đồng chí vào ban chấp hành và 7 đồng chí vào thường vụ.

Đồng chí Phạm Hồng Quang tiếp tục được đại hội tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Đảng ủy Đại học Thái Nguyên.

Giáo sư Phạm Hồng Quang tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đảng uỷ Đại học Thái Nguyên. Ảnh: TL.

Giáo sư Phạm Hồng Quang tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đảng uỷ Đại học Thái Nguyên. Ảnh: TL.

Đại hội diễn ra trong không khí toàn ngành giáo dục - đào tạo tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TWcủa Hội nghị Trung ương 8 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá - hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Trong thời gian qua Đảng bộ, cán bộ, viên chức người học của Đại học Thái Nguyên đã cơ bản thực hiện thắng lợi các chủ trương, nhiệm vụ, mục tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ V.

Từng bước tạo đà vững chắc để xây dựng Đại học Thái Nguyên thành đại học trọng điểm, trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học chất lượng cao của vùng trung du, miền núi phía Bắc.

Đại hội có ý nghĩa quan trọng, định hướng cho toàn Đảng bộ, cán bộ viên chức, người học tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, phát huy tổng hợp sức mạnh.

Đẩy mạnh đổi mới giáo dục và đào tạo, nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học - công nghệ, xây dựng Đại học Thái Nguyên thành Đại học có uy tín, chất lượng cao của vùng và cả nước.

Kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ

Công tác đào tạo được xác định là nhiệm vụ then chốt, được Đảng ủy Đại học Thái Nguyên triển khai chỉ đạo gắn Đề án số 04 và Đề án số 07 với nội dung phát triển chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế, xây dựng đại học điện tử và học liệu điện tử gắn với đào tạo E-learning.

Mở mới 28 ngành học ở bậc đại học, đạt 121%. 17 chuyên ngành thạc sĩ, đạt 170%. Quy mô đào tạo đại học, cao đẳng đạt bình quân 60.296 học sinh sinh viên/năm, đạt 100,4%.

Quy mô đào tạo sau đại học đạt bình quân 5.125 người học/năm, đạt 102,0%. 80% giáo trình, bài giảng được số hóa, đạt 100%.

Có 230 môn học/học phần xây dựng học liệu E-learning, đạt 115%. Phát triển 21 chương trình đào tạo chất lượng cao (hoặc tương đương) và chương trình tiên tiến, đạt 210%.

Trong giai đoạn 2015-2019, mỗi năm Đại học Thái Nguyên đào tạo được trên 9.000 cử nhân, kỹ sư, cao đẳng và trung cấp nghề hệ chính quy, 1.350 thạc sĩ và tương đương, 20-25 tiến sĩ, 100-150 lưu học sinh nước ngoài và hàng chục nghìn người học tốt nghiệp đại học vừa làm vừa học.

Đây là nguồn nhân lực quan trọng cung cấp cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Vùng và đất nước, đặc biệt là vùng trung du, miền núi phía Bắc.

Về hoạt động khoa học công nghệ tiếp tục được đổi mới theo hướng nâng cao hiệu quả, gắn với sản xuất, đời sống và phục vụ đắc lực cho đào tạo. Công tác quản lý, đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật cho hoạt động khoa học công nghệ được tăng cường.

Thực hiện 56 chương trình khoa học công nghệ, đề tài cấp Nhà nước, dự án sản xuất thử nghiệm cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo, đạt 186% so với chỉ tiêu.

408 đề tài cấp Đại học, cấp bộ, đạt 102% so với chỉ tiêu. Có 8.695 bài báo khoa học được đăng tải trên các tạp chí, kỷ yếu hội nghị, hội thảo, trong đó có 7.170 bài được đăng trên các tạp chí trong nước, đạt 204%.

1.525 bài đăng trên các tạp chí quốc tế, đạt 169%. Có 775 bài được đăng trên các tạp chí trong danh mục ISI, Scopus, đạt 193%.

Có 22 sản phẩm khoa học công nghệ được công nhận sở hữu trí tuệ, đạt 110%. Thành lập 02 Trung tâm ươm tạo công nghệ và hỗ trợ khởi nghiệp, đạt 100%.

Đại học Thái Nguyên xếp thứ 9/35 trường được xếp hạng về chỉ số nghiên cứu. Về chỉ số nghiên cứu nội lực, trường có tỷ lệ nội lực là 55,92 với điểm chuẩn hóa là 92,34, xếp hạng 3/35 cơ sở giáo dục đại học.

Đã huy động được 3,44 triệu đô la từ nguồn hợp tác quốc tế cho hoạt động khoa học công nghệ; 89 tỷ đồng thuộc chương trình hợp tác với Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên; thu được hơn 200 tỷ đồng từ các chương trình, dự án chuyển giao khoa học công nghệ; 760 triệu đồng từ các chương trình khoa học công nghệ khác.

Đại hội Đảng bộ Đại học Thái Nguyên thành công rực rỡ. Ảnh: TL.

Đại hội Đảng bộ Đại học Thái Nguyên thành công rực rỡ. Ảnh: TL.

Kết quả nổi bật của công tác đối ngoại trong nhiệm kỳ qua là bước đầu xây dựng được môi trường học tập quốc tế tại trường thông qua việc tăng số lượng sinh viên quốc tế, trao đổi giảng viên, sinh viên, tăng mức độ quốc tế hóa các chương trình đào tạo.

Hợp tác quốc tế chuyển dần từ quan hệ xin tài trợ sang hợp tác, bình đẳng và cùng có lợi. Phát triển các đối tác uy tín trong triển khai các chương trình liên kết đào tạo quốc tế và giảng dạy bằng tiếng Anh.

Xây dựng thể chế hợp tác quản trị theo hướng tăng cường phân cấp, tạo sự chủ động cho các đơn vị thành viên. Thực hiện có hiệu quả các dự án quốc tế về bồi dưỡng và phát triển năng lực cho cán bộ, giảng viên của nhà trường.

Công tác khảo thí và đảm bảo chất lượng giáo dục được triển khai gắn với Đề án số 06 về đẩy mạnh đánh giá cơ sở giáo dục, chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra.

07/07 đơn vị thành viên được đánh giá ngoài và công nhận kiểm định chất lượng giáo dục; 77 chương trình đào tạo đánh giá chất lượng theo chuẩn đầu ra đối với sinh viên tốt nghiệp, đạt 96,3%. 93% môn học có ngân hàng câu hỏi, đề thi theo hệ thống tín chỉ.

100% sinh viên tốt nghiệp đạt chuẩn ngoại ngữ và tin học theo chuẩn đầu ra, đạt chỉ tiêu; đã triển khai đề án xếp hạng Đại học Thái Nguyên theo QS, thành lập Trung tâm Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục và xúc tiến thành lập Trung tâm thi Quốc gia của vùng.

Đã tổ chức trên 200 cuộc họp với địa phương, gửi 157.697 thông báo kết quả học tập, rèn luyện về gia đình. Tổ chức trên 4.480 lượt kiểm tra sinh viên nội trú và trên 217 lượt kiểm tra sinh viên ngoại trú.

Ngoài ra, sinh viên chính quy còn được theo dõi, quản lý thông qua sổ theo dõi nội trú và ngoại trú; đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý. chế độ, chính sách liên quan đến người học được quan tâm giải quyết kịp thời, đúng quy định.

Đã có trên 28.000 lượt sinh viên được cấp học bổng khuyến khích học tập với kinh phí trên 87 tỷ đồng, trên 35.000 lượt được hưởng trợ cấp xã hội, 2.277 lượt được cấp học bổng từ tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế (mỗi suất học bổng trị giá từ 1-30 triệu đồng).

Giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn trong trường học, tỷ lệ học sinh sinh viên xếp loại rèn luyện từ khá trở lên đạt trung bình 90,45. Xếp loại tốt nghiệp từ loại khá trở lên đạt trung bình 65,45%.

Công tác xây dựng bộ máy tổ chức và phát triển đội ngũ: Trong nhiệm kỳ qua, Đại học đã thành lập 5 đơn vị trực thuộc; các đơn vị thành viên thành lập 28 đơn vị, thực hiện sáp nhập, giải thể 19 đơn vị theo hướng tinh gọn, hiệu quả.

Các viện nghiên cứu trực thuộc Đại học Thái Nguyên được chuyển giao về các đơn vị thành viên quản lý toàn diện, phù hợp với chức năng nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu của đơn vị.

Đến nay, cơ cấu tổ chức bộ máy của Đại học gồm: Hội đồng Đại học, Ban giám đốc, Văn phòng và các Ban chức năng, 08 đơn vị thành viên, 01 phân hiệu, 02 khoa trực thuộc, 10 đơn vị nghiên cứu và phục vụ đào tạo.

Tính đến tháng 4/2020, tổng số cán bộ viên chức của trường là 3.969 người, trong đó có 2.543 người là cán bộ giảng dạy.

Có 397 cán bộ bảo vệ luận án tiến sĩ, nâng tổng số cán bộ có trình độ tiến sĩ của đại học lên 764 người, đạt 30,04%.

95 giảng viên được bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư, nâng tổng số giáo sư, phó giáo sư của Đại học lên 151 người (trong đó có 10 giáo sư), đạt tỉ lệ 6,0% giảng viên.

Số cán bộ giảng dạy trong độ tuổi quy định đạt chuẩn ngoại ngữ và tin học là 2.463/2.463 người, đạt 100%; thành lập Trường Ngoại ngữ thuộc Đại học Thái Nguyên.

Công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng Đảng viên, trong 5 năm qua, Đảng bộ Đại học Thái Nguyên luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng, chất lượng đội ngũ Đảng viên.

Qua đó góp phần quan trọng tạo chuyển biến tích cực trong xây dựng tổ chức đảng vững mạnh toàn diện. Công tác bồi dưỡng, đào tạo về lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên được đẩy mạnh.

Đảng ủy Đại học Thái Nguyên đã phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Trường Chính trị tỉnh Thái Nguyên mở được 1 lớp Cao cấp lý luận chính trị hệ không tập trung cho 70 cán bộ chủ chốt, 02 lớp Trung cấp Lý luận chính trị cho 175 cán bộ chủ chốt.

Tổ chức 21 lớp bồi dưỡng Lý luận chính trị cho 1.721 đảng viên mới và 5.744 quần chúng đối tượng kết nạp đảng; tổ chức 04 lớp tập huấn về công tác kiểm tra, giám sát, công tác tuyên giáo, công tác dân vận, công tác văn phòng cấp ủy cho hơn 300 lượt cán bộ làm công tác đảng trong toàn Đảng bộ.

Hiện nay, 100% cấp ủy viên cơ sở có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên, trong đó có 95,2% có trình độ từ thạc sĩ trở lên, 91,3% cấp ủy viên cơ sở có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên, trong đó có 84,1% có trình độ cao cấp lý luận chính trị.

100% cán bộ làm công tác văn phòng cấp ủy, công tác kiểm tra giám sát, công tác dân vận, công tác tuyên giáo được tập huấn về nghiệp vụ trên từng lĩnh vực.

Phát triển đảng viên mới hằng năm của Đảng bộ nhà trường đạt 18% so với tổng số đảng viên, vượt 2% (chỉ tiêu đề ra hằng năm kết nạp 16%/tổng số đảng viên).

100% Đảng bộ cơ sở được phân loại từ hoàn thành nhiệm vụ trở lên, 100% chi bộ trực thuộc được phân loại từ hoàn thành nhiệm vụ trở lên, không có chi bộ yếu kém. 99% đảng viên được phân loại từ hoàn thành nhiệm vụ trở lên, vượt 4%.

Ra mắt Ban chấp hành Đảng bộ Đại học Thái Nguyên. Ảnh: TL

Ra mắt Ban chấp hành Đảng bộ Đại học Thái Nguyên. Ảnh: TL

Mục tiêu, nhiệm vụ trong giai đoạn 2020 -2025

Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện, hiệu quả của Đảng bộ trên các lĩnh vực.

Phát triển quy mô đào tạo hợp lý, phù hợp với tiêu chuẩn giáo dục đại học, tạo bước chuyển biến căn bản về chất lượng và đào tạo, khoa học và công nghệ, đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế.

Tập trung phát triển các ngành đào tạo trọng điểm, mũi nhọn đạt chuẩn kiểm định quốc gia, khu vực ASEAN và quốc tế.

Mở mới từ 15-20 ngành học trình độ đại học, 6-8 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, 3-5 ngành trình độ tiến sĩ theo hướng tích hợp liên ngành và tính liên thông cao; phát triển 15-20 chương trình đào tạo chất lượng cao (hoặc tương đương).

Quy mô tuyển sinh hệ chính quy từ 9.000-10.000 chỉ tiêu/năm (trong đó, từ 1.400-1.600 thạc sĩ, từ 40-60 tiến sĩ, từ 150-200 bác sĩ chuyên khoa và bác sĩ nội trú); số hóa 80% giáo trình giảng dạy và tài liệu tham khảo của các môn học/học phần; 50% môn học/học phần có bài giảng E-learning.

Về công tác đối ngoại và chuyển giao công nghệ: Thành lập 1-2 trung tâm ươm tạo và hỗ trợ khởi nghiệp; 3-5 doanh nghiệp dịch vụ khoa học; 20-50 nhóm nghiên cứu mạnh hoặc chuyên sâu theo ngành, liên ngành.

Thực hiện 10-15 chương trình nghiên cứu theo Nghị định thư hoặc song phương; 05 chương trình nghiên cứu liên ngành cấp quốc gia hoặc tương đương; 60 sản phẩm được đăng ký sở hữu trí tuệ quốc gia, trong đó 30 sản phẩm sở hữu trí tuệ được cấp bằng.

Hằng năm, tăng 10% số lượng bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế và tương đương sách quốc tế; số bài báo trong nước đạt mức 1 bài/giảng viên/năm; số bài báo ISI và Scopus/giảng viên đạt mức 0,1 bài/giảng viên/năm.

Huy động nguồn kinh phí ngoài cho hoạt động khoa học công nghệ tăng 30% so với nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước.

Mở mới từ 15-20 chương trình hợp tác liên kết quốc tế về đào tạo; thu hút 1.700-2.000 giảng viên, sinh viên, học viên, nguyên cứu sinh quốc tế đến học tập, nghiên cứu, trao đổi học thuật, thực tập chuyên môn, giao lưu văn hóa… tại trường.

Cử 1.500 cán bộ, giảng viên, sinh viên/học viên đi học tập, trao đổi học thuật, thực tập chuyên môn…tại nước ngoài, triển khai từ 12-15 dự án hợp tác quốc tế.

Đại hội Đảng bộ Đại học Thái Nguyên diễn ra trong không khí dân chủ, an toàn, tiết kiệm. Ảnh: TL.

Đại hội Đảng bộ Đại học Thái Nguyên diễn ra trong không khí dân chủ, an toàn, tiết kiệm. Ảnh: TL.

Về công tác phát triển đội ngũ: Tinh giản bộ máy đảm bảo hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII.

Tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ từ 40- 42%. Tỷ lệ giảng viên đạt chức danh Giáo sư, Phó giáo sư từ 08-10%. 100% giảng viên và cán bộ viên chức trong độ tuổi quy định đạt chuẩn ngoại ngữ.

Phấn đấu có từ 01 đến 02 đơn vị tự chủ đảm bảo kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư. Khai thác các nguồn thu sự nghiệp từ các hoạt động dịch vụ đào tạo và xã hội hóa giáo dục, nguồn thu tăng từ 20%-30% mỗi năm. Ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn bộ công tác quản lý tài chính.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng cho cán bộ, đảng viên và người học gắn với nhiệm vụ chính trị của đơn vị.

Tuyên truyền, giáo dục về đạo đức, lối sống; gắn vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên với việc kiểm điểm, đánh giá và đề ra các biện pháp giải quyết vấn đề trong công tác xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII).

Đổi mới hình thức, phương pháp giáo dục chính trị, tư tưởng, gắn giáo dục chính trị, tư tưởng với thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, nhiệm vụ của các tổ chức đoàn thể.

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và Đảng viên.

Thực hiện đầy đủ, nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, nâng cao chất lượng các nghị quyết, quyết định, chỉ thị, quy chế ban hành. Đổi mới công tác kiểm tra, giám sát theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả.

Xây dựng quy chế hoạt động Ủy ban kiểm tra và cơ chế phối hợp hữu hiệu với các cơ quan chức năng của chính quyền để Ủy ban kiểm tra thực sự là cơ quan kiểm tra, giám sát chuyên trách của Đảng, giúp cấp ủy thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát trong Đảng.

Coi trọng việc phân công, quản lý, giám sát Đảng viên chấp hành Điều lệ Đảng và thực hiện chức trách, nhiệm vụ. Nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình thẳng thắn, trung thực, tính chiến đấu của tổ chức Đảng và Đảng viên.

Đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và Đảng viên.

Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, xem đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, trọng tâm của từng cấp ủy, cán bộ và Đảng viên.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát Đảng viên chấp hành Điều lệ Đảng, những điều Đảng viên không được làm và thực thi nhiệm vụ được giao. Xử lý nghiêm minh, kịp thời các khuyết điểm, sai phạm.

Chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, Đảng viên, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Đăng ký nội dung làm theo tấm gương của Bác một cách cụ thể, thiết thực. Mỗi cán bộ, Đảng viên nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý phải thật sự gương mẫu để cấp dưới noi theo.

Đẩy mạnh công tác phát triển Đảng, coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, lập trường chính trị, phẩm chất đạo đức cho thế hệ trẻ, nhất là xác định động cơ phấn đấu vào Đảng. Đưa quần chúng và Đảng viên dự bị vào các hoạt động thực tiễn để thử thách và rèn luyện.

Làm tốt công tác phát hiện, bồi dưỡng những Đoàn viên, hội viên ưu tú trong công tác, đời sống để tạo nguồn phát triển Đảng, trong đó đặc biệt chú ý quan tâm tới đội ngũ Đoàn viên thanh niên là học sinh sinh viên và cán bộ, giảng viên trẻ.

Tùng Dương