Đạo văn có thể bị phạt tù đến 3 năm

05/06/2011 01:50
(GDVN) - “Đạo văn” là ăn cắp”. “Một công trình nghiên cứu không thể cắt cúp của người này là sản phẩm của mình”.

(GDVN) - Cuốn sách “Tài năng và Đắc dụng” chưa kịp chìm lắng dần trước vụ việc xếp doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ ngang hàng các bậc vĩ nhân thì đến hôm nay, nhóm tác giả lại bị phát hiện “đạo văn”. Câu chuyện này còn gây khá nhiều tranh cãi và khiến không ít người phải đau đầu, rối trí.

{iarelatednews articleid='2158,3791,3713,3619,3701,3625,3589,3590'}

Nghiên cứu kiểu “ăn cắp”


Phóng viên báo GDVN có cuộc trò chuyện với ông Ngô Văn Sáu, Phó ban Quản lý nghiên cứu khoa học, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam về những chuyện đạo văn, đạo nhạc, đạo sách.

Ông Sáu thực sự đi hết từ bất ngờ này, đến bất ngờ khác khi nghe phóng viên nói về những  “thăng trầm” của cuốn sách “Tài năng và Đắc dụng”, khi một công trình nghiên cứu còn đặt nhiều dấu hỏi lên những nhà quản lý.

Nhiều năm gắn bó với ngành nghiên cứu khoa học, là người quản lý các đề tài nghiên cứu trong Viện Khoa học Xã Hội Việt Nam, ông nhấn mạnh “đạo văn” là ăn cắp”. “Một công trình nghiên cứu không thể cắt cúp của người này là sản phẩm của mình”.

Ông cũng thấy các nhà nghiên cứu bây giờ cần xem lại công trình của chính mình và phải có trách nhiệm với đề tài mình nghiên cứu.

Sau sự cố về Đặng Lê Nguyên Vũ, cuốn Tài năng và đắc dụng lại bị tố
Sau sự cố về Đặng Lê Nguyên Vũ, cuốn Tài năng và
đắc dụng lại bị tố "đạo văn"

Một công trình khoa học trong Viện Khoa học xã hội sẽ được đánh giá theo tiêu chí dựa vào hợp đồng nghiên cứu khoa học của hai bên ký kết với nhau. Nếu công trình cấp Nhà nước sẽ được Bộ Khoa học, Công Nghệ và Môi trường ký chủ nhiệm đề tài. Một phần dựa vào đề cương nghiên cứu của đề tài đã được nhà nghiên cứu vạch ra từ trước.

Nếu cuốn sách xuất bản, việc “đạo văn” trong cuốn sách sẽ do nhà xuất bản chịu trách nhiệm, có thể là nhóm biên tập hoặc giám đốc nhà xuất bản đó. Khi có kiện cáo “đạo văn” cần có một hội đồng thẩm định lại. Khi đó mới kết luận nhóm tác giả có “đạo văn” hay không.

Tại Viện Khoa học Xã hội Việt Nam có quy định cụ thể về việc nghiên cứu khoa học riêng viện, tuy nhiên việc đạo văn không có trong quy chế nhưng vẫn chưa một trường hợp nào vi phạm. Một công trình nghiên cứu trong viện luôn luôn được đánh giá nghiêm túc. Không có chuyện một công trình nghiên cứu khoa học lại xào xáo công trình của người đã nghiên cứu trước đó. Việc “đạo văn” không thể coi là nghiên cứu khoa học.

Có thể ngồi tù hoặc phạt 1 tỷ đồng


Theo luật sư Nông Thị Hồng Hà, Công ty Luật Hồng Hà (Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội), hành vi tự ý sao chép toàn bộ công trình khoa học của người khác và cho xuất bản dưới tên mình là hành vi xâm phạm quyền tác giả. Tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 15/1999/QH10ngày 19/6/2009, hành vi xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả được quy định tại Điều 170a:Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan.

Theo quy định tại Điều luật này, người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại, thì bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến hai năm.

Cá nhân sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình. Phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình.

Nếu người phạm tội thuộc vào trường hợp có tổ chức hoặc phạm tội nhiều lần thì bị phạt tiền từ bốn trăm triệu đồng đến một tỷ đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

P.Thúy