"Đẩy" HS ra ngoài đường vì đi muộn là phản giáo dục!

30/11/2011 07:48
Tường Vi
(GDVN) - “Chỉ vì đi muộn mấy phút mà bắt em phải đứng ngoài đường cả buổi thì thật quá nặng nề. Đây là hình thức kỉ luật cứng nhắc và thật vô lý.”

GS Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT DL Lương Thế Vinh, Hà Nội nhận xét về hình thức cấm học sinh vào trường khi đi muộn của trường THPT Trần Đăng Ninh (Ứng Hòa – Hà Nội).

Những ngày gần đây, tại cổng trường THPT Trần Đăng Ninh đầu giờ học vẫn xuất hiện hình ảnh những cô cậu học sinh mặc đồng phục đứng vật vờ tại cổng trường. Được biết, trường mới đưa ra quy định, nếu học sinh nào đến trường khi đã bắt đầu giờ học chính thức sẽ không được vào trường. Một chủ quán nước trước cổng trường cho hay, nhiều hôm, có học sinh phải đợi đến ca hai (lúc 14h30), khi trường chuyển sang dạy phụ đạo cho học sinh yếu và bồi dưỡng học sinh giỏi mới được vào.
Cổng trường sẽ đóng nếu học sinh đi học muộn 15 phút.
Cổng trường sẽ đóng nếu học sinh đi học muộn 15 phút.
Cũng từ khi có quy định trên, các hàng quán ven cổng trường càng tấp nập đông khách hơn. Các cô nữ sinh thì la lê hàng quà vặt ổi, cóc, Internet… còn các bạn nam thì trà đá, thuốc lá, hay chui vào quán bi - a, điện tử… Giáo sư Văn Như Cương - Hiệu trưởng trường THPT DL Lương Thế Vinh đưa ra nhận định: “Chỉ vì đi muộn mấy phút mà bắt em phải đứng ngoài đường cả buổi thì thật quá nặng nề. Đây là hình thức kỉ luật cứng nhắc và thật vô lý. Các em đi học muộn dù lí do gì cũng là thiếu sót từ phía các em. Nếu giờ học chính thức đã bắt đầu mà học sinh lại tự do vào lớp sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giảng bài cũng như tiếp thu bài của các bạn học sinh khác. Do đó, với các học sinh đi học muộn cần có hình thức kỉ luật để các em không tái phạm nữa”. “Khi các em đi học, gia đình đã trao trách nhiệm quản lý con em họ cho nhà trường. Việc nhà trường đẩy các em ra ngoài đường khi giờ học là phản giáo dục. Đặc biệt, nếu xảy ra chuyện tai nạn giao thông thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm?” Giáo sư Văn Như Cương băn khoăn. Đồng quan điểm với Giáo sư Cương, Chuyên gia tâm lý học Đinh Đoàn, đồng thời là Hiệu trưởng trường PTCS Xã Đàn (Hà Nội), cho biết: “Có rất nhiều lí do khiến các em đi học muộn. Có khi là những lí do rất khách quan như tắc đường, xe thủng xăm, chả lẽ cũng phạt các em nặng như vậy sao? Trong mỗi trường hợp, chúng ta cần phải xem xét lí do để có hình thức hợp lí nhất.”
Một số học sinh đang "vật vờ" ở quán nước gần trường
Một số học sinh đang "vật vờ" ở quán nước gần trường
Phạt quét nhà, tưới cây khi đi học muộn PGS TS Nguyễn Thị Minh Thái, Giảng viên Khoa Báo chí - Truyền thông - Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân Văn chia sẻ: “Đây là một việc làm không nên và không được phép. Luật Giáo dục Việt Nam không cho phép đuổi học sinh ra khỏi trường khi đang giờ học. Trách nhiệm của nhà trường là quản lý học sinh trong giờ học. Chứ đẩy các em ra ngoài đường, không ai có thể  đảm bảo mọi chuyện đều tốt đẹp. Có khi các em bị dụ dỗ làm những việc phạm pháp chỉ vì những lúc đứng lang thang không có việc gì ở cổng trường.” Tuy nhiên, theo PGS TS Nguyễn Thị Minh Thái, với học sinh, đi học muộn cần phải có một hình thức kỉ luật thật nặng để các em sợ, mà tránh không tái phạm nữa. Thầy Văn Như Cương cho hay, tại trường THPT Lương Thế Vinh nếu học sinh đi học muộn quá giờ truy bài (15 phút đầu giờ) sẽ bị ngồi “uống nước trà” với các thầy giáo, cô giáo cho đến hết tiết đó. Như vậy các em sẽ bị mất một tiết học cũng là một hình phạt thích đáng với các em.
GS Văn Như Cương: Học sinh trường tôi đi học muộn sẽ bị phạt lao động!
GS Văn Như Cương: Học sinh trường tôi đi học muộn sẽ bị phạt lao động!
Song trên thực tế những ngày thực hiện, có khi có 4, 5 em học sinh cùng bị phạt ngồi tại phòng chờ, các em nói chuyện riêng, bàn tán gây mất trật tự. Do đó, trường đã nhanh chóng “khắc phục sự cố” bằng hình thức kỉ luật cao hơn. Là bắt các em vi phạm đi lao động công ích như quét phòng học, lau cửa, quét sân, tưới cây… Đồng quan điểm trên, thầy Văn Như Cương cho biết: “Khi các em bị phạt lao động, thứ nhất, là vừa cảnh cáo tội em đi học muộn, thứ hai là có thể rèn luyện tính lao động cho các em. “Những khi nhìn các cô cậu học trò quét nhà là tôi lại thấy đáng buồn. Đến cầm cái chổi thế nào các em cũng không biết.” - Thầy Văn Như Cương tâm sự. Từ khi áp dụng hình phạt nặng hơn, tình trạng học sinh đi học muộn đã giảm hẳn. Nếu tái phạm nhiều lần, nhà trường sẽ yêu cầu phụ huynh đến làm bản cam kết đưa con đi học đúng giờ. Tuy nhiên Hiệu trưởng trường THCS Xã Đàn, thầy Đinh Đoàn cho biết: “Với tình hình giao thông ở Hà Nội, đặc biệt là các trường tại trung tâm thành phố rất khó tránh khỏi chuyện có học sinh đi học muộn. Do đó nhà trường cũng cần có chính sách mềm dẻo với các em học sinh.”
 Ông Vũ Trí Thức - Hiệu trưởng trường THPT Trần Đăng Ninh cho biết, từ đầu năm học này nhà trường đã công bố những việc học sinh được làm và không được làm. Hiện tượng học sinh ở trường đi muộn là có. Buổi sáng, học sinh phải có mặt trước 7h15 để truy bài. Nếu học sinh đi học muộn trong 15 phút đầu giờ truy bài, nhà trường vẫn mở cổng cho vào. Những học sinh này sẽ phải viết bản tường trình nhà trường sẽ thông báo cho giáo viên chủ nhiệm, các em được về lớp. Nếu vi phạm nhiều lần thì sẽ bị phạt bằng các hình thức như lao động hoặc tưới cây.

"Còn đối với những học sinh đi học muộn sau khi đã bắt đầu vào giờ học thì không được vào trừ trường hợp đặc biệt. Do học sinh của trường đông nên việc cho học sinh vào khi đã vào giờ lên lớp sẽ ảnh hưởng tới những học sinh khác". Những học sinh vắng mặt tại lớp buổi nào sẽ được báo ngay về cho cha mẹ học sinh cuối buổi hôm đó.
Tường Vi