ĐH Ngoại thương vẫn là niềm mơ ước của nhiều sĩ tử

06/07/2012 17:12
K. Ngân
(GDVN) - “Nếu không đỗ năm nay, năm sau em sẽ quyết tâm thi lại để vào bằng được, em thích ĐH Ngoại thương từ khi vào cấp 3 vì em thấy môi trường ở đó rất năng động và là một trong những trường hàng đầu đào tạo về kinh tế”, thí sinh Đỗ Hà Thu (chuyên Anh, THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định) dự thi vào Khoa Kinh tế Đối ngoại chia sẻ.
Một lớp học có gần 90 % hồ sơ ĐKDT ĐH Ngoại thương
Vừa ra khỏi phòng thi khối A1 (Toán, Lý, tiếng Anh), thí sinh Đỗ Hà Thu tươi cười vì đề tiếng Anh “dễ thở” hơn đề Vật lý hôm qua. Không phải là khối chính, nên Hà Thu muốn thử sức và rèn luyện tâm lý để thi khối D vào Khoa Kinh tế Đối ngoại của Trường ĐH Ngoại thương.
Thí sinh Đỗ Hà Thu (chuyên Anh, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định) quyết tâm thi ĐH Ngoại thương (ảnh Kim Ngân).
Thí sinh Đỗ Hà Thu (chuyên Anh, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định) quyết tâm thi ĐH Ngoại thương (ảnh Kim Ngân).

Ở khối A1, cô học trò chuyên Anh, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) Hà Thu cũng nộp hồ sơ dự thi Khoa Kinh tế Quốc tế (ĐH Ngoại thương). “Năm nay có thêm khối A1, em cũng chưa biết kết quả thế nào, Toán làm được nhưng Lý thì khó quá. Đề Anh dễ hơn năm ngoái, em làm được khoảng 90%”, Hà Thu chia sẻ.

Hỏi về lý do muốn thi vào trường này, Hà Thu nói: “Chị gái trước cũng học Ngoại thương nên đã tiêm nhiễm vào đầu em niềm yêu thích ngôi trường này. Khi em mới vào cấp 3, mỗi lần chị về quê, chị đều kể chuyện học ở đây như thế nào, thầy cô ra sao…khiến em rất thích và mơ ước đỗ vào khoa Kinh tế Đối ngoại”.
Lúc nộp hồ sơ thi đại học, Hà Thu đắn đo giữa hai Trường ĐH Kinh tế và ĐH Ngoại thương, nhưng quyết định vẫn chọn theo sở thích ban đầu bởi theo Thu thì đó là môi trường năng động, thoải mái và rèn luyện sinh viên về mọi mặt.

Theo Hà Thu trong lớp có đến gần 90% hồ sơ đăng ký dự thi vào trường ĐH Ngoại thương. Hà Thu chia sẻ thêm: “Em sẽ không hối hận vì lựa chọn thi vào trường này, bởi đó là sở thích, ước mơ của em”.

“Trượt” thì năm sau tiếp tục thi lại

Vượt chặng đường hơn 100 cây số ra Hà Nội dự thi vào khoa Kinh tế đối ngoại (ĐH Ngoại thương), thí sinh Hoàng Văn Hiệp (Trường THPT Triệu Sơn, Thanh Hóa) cười tươi chia sẻ: "Sau môn thi Hóa hôm nay, khả năng đỗ vào trường của em chắc chỉ khoảng 50%. Nhưng nếu không đỗ thì năm sau em vẫn tiếp tục thi ĐH Ngoại thương vì đây không chỉ là ước mơ của em mà còn là ước mơ của bố mẹ và anh em”, chàng trai này khẳng định.
Hiệp tâm sự: "Anh trai em đang học tại Học viện An ninh, anh định hướng cho em vào khoa Kinh tế đối ngoại của trường này bởi theo anh ấy thì môi trường ở đây thuận lợi cho việc học tập, ra trường cũng có nhiều cơ hội, điều kiện làm việc tốt".
Thí sinh Hoàng Văn Hiệp (THPT Triệu Sơn, Thanh Hóa) tươi cười nói rằng sẽ thi đến bao giờ đỗ được vào ĐH Ngoại thương (Kim Ngân).
Thí sinh Hoàng Văn Hiệp (THPT Triệu Sơn, Thanh Hóa) tươi cười nói rằng sẽ thi đến bao giờ đỗ được vào ĐH Ngoại thương (Kim Ngân).
Bản thân Hiệp cũng đã tìm hiểu rất kỹ về trường Ngoại thương. Theo Hiệp, đây là môi trường học tập năng động, không chỉ đào tạo kiến thức chuyên ngành mà còn rèn luyện kỹ năng mềm cho sinh viên tốt, đặc biệt là cải thiện việc học tiếng Anh của em.
Hiệp nói rằng: “Nếu đỗ trường khác em cũng không học, mà quyết tâm ôn thi lại để năm sau thi tiếp”.
Cũng giống như Hiệp, thí sinh Vương Bá Cường (Trường THPT Hoài Đức A, Hà Nội) dự thi vào Khoa Kinh tế đối ngoại (ĐH Ngoại thương) là do gia đình định hướng từ trước.
Vương Bá Cường (Hoài Đức, HN) chọn Kinh tế của ĐH Ngoại thương vì đó là ước mơ của em (ảnh Kim Ngân).
Vương Bá Cường (Hoài Đức, HN) chọn Kinh tế của ĐH Ngoại thương vì đó là ước mơ của em (ảnh Kim Ngân).
“Em thích làm kinh tế và đó là lý do tại sao em chọn ĐH Ngoại thương. Em phân vân giữa ĐH Kinh tế và ĐH Ngoại thương, nhưng em thấy môi Trường ĐH Ngoại thương phù hợp với em hơn”, Cường cho hay.
Mặc dù tin tưởng vào sức học của con nhưng nhiều phụ huynh không khỏi lo lắng vì điểm chuẩn vào khoa, vào trường của ĐH Ngoại thương rất cao. Chị Thoa (mẹ của thí sinh Phúc Văn Tịnh – THPT Hưng Nhân, Hưng Hà, Thái Bình, dự thi vào khoa Kinh tế đối ngoại) chia sẻ: “Lúc cháu đăng ký dự thi, tôi cũng khuyên và không yên tâm vì điểm vào trường khá cao. Nhưng cháu đã quyết tâm thì gia đình ủng hộ đến cùng”.
Năm 2012, ĐH Ngoại thương tỷ lệ “chọi” khu vực phía Bắc dự kiến khoảng 1/ 4,16; Tỷ lệ “chọi” khu vực phía Nam là 1/3,88.
Bà Lê Thị Thu Thủy, Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Ngoại thương cho biết, số lượng hồ sơ ĐKDT đông nhất là khối ngành Kinh tế, đặc biệt là ngành Kinh tế đối ngoại.
K. Ngân