Dự thảo quy chế tuyển sinh mới trường tư vui mừng, trường công lo lắng

20/12/2017 07:04
Phương Linh
(GDVN) - Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 11 Võ Minh Tuấn Kiệt cho rằng, nếu học sinh phải kiểm tra thêm đánh giá năng lực thì sẽ gây áp lực cho các em.

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở, tuyển sinh trung học phổ thông.

Theo đó, một số trường sẽ được cho phép tuyển sinh trung học cơ sở (tuyển lớp 6) bằng phương thức xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực, thay vì cấm tuyển sinh lớp 6 dưới mọi hình thức như hiện nay áp dụng.

Điều kiện dự kiến để thực hiện việc này, là các cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh đã công bố.

Học sinh tham gia làm bài khảo sát năng lực tiếng Anh lớp 6 ở Trường Trần Đại Nghĩa (ảnh: TNO)
Học sinh tham gia làm bài khảo sát năng lực tiếng Anh lớp 6 ở Trường Trần Đại Nghĩa (ảnh: TNO)

Các trường ngoài công lập lên tiếng ủng hộ chủ trương này của Bộ Giáo dục và Đào tạo, vì nó thể hiện rõ việc trao quyền tự chủ cho cơ sở giáo dục, trong đó có tự chủ về tuyển sinh.

Tuy nhiên cũng lãnh đạo cơ sở giáo dục công lập và cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương tỏ ra lo lắng.

Ngày 19/12, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Hiệu trưởng một Trường trung học cơ sở thuộc quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá: Đây là một dự thảo không khả thi để thực hiện.

Theo cô giáo này, việc kiểm tra, đánh giá năng lực này chỉ nên áp dụng cho các trường chuyên, do lâu nay họ vẫn làm các bài khảo sát năng lực, như là ở Trường Trần Đại Nghĩa tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Còn nếu áp dụng đại trà, đối với những trường có số học sinh đăng ký đông hơn chỉ tiêu tuyển thì sẽ rất khó làm, nhất là đối với những quận vùng ven của Thành phố Hồ Chí Minh. 

Dự thảo quy chế tuyển sinh mới trường tư vui mừng, trường công lo lắng ảnh 2

Những điều chỉnh mới trong dự thảo quy chế tuyển sinh lớp 6, lớp 10

Cũng theo nữ Hiệu trưởng này, Trường giỏi, trường chuyên thì thực sự không có nhiều, còn nếu áp dụng rộng rãi thì không thiết thực, làm cho xã hội phân hóa giàu nghèo nhiều hơn.

Những trường nào nổi tiếng là học sinh cứ đua nhau cố gắng đăng ký vào.

Cũng tương tự như trường hợp cấm dạy thêm học thêm tràn lan, không đúng quy định như hiện nay, học sinh nào nhà giàu sẽ thuê giáo viên về nhà dạy, còn nhà nghèo thì không thể làm được việc này.

Vấn đề chính là nếu bảo kiểm tra, đánh giá năng lực thì có thật sự đúng là đánh giá được năng lực của học sinh hay không? Hay là lại có thể thêm một khe hở để học sinh hay phụ huynh “chạy” điểm cộng thêm để cộng vào điểm chính?

Cuối cùng, vị nữ Hiệu trưởng này muốn rằng, vấn đề chính để học sinh đăng ký không vượt chỉ tiêu tuyển sinh, lãnh đạo của ngành cần phải biết phân tuyến học sinh cho đúng.

Còn thầy Võ Minh Tuấn Kiệt – Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, dự tháo này nếu được áp dụng đại trà cho các trường sẽ gây thêm áp lực cho học sinh và phụ huynh.

Dự thảo này chỉ nên áp dụng đối với các trường chuyên, chứ còn các thường thường thì lâu nay là phân bổ, phân tuyến học sinh theo từng địa bàn học, sẽ không thể xảy ra chuyện học sinh đăng ký vượt quá chỉ tiêu, do đã có thống kê hết dịp cuối năm học.

Đối với các trường chuyên, đây có thể coi là một phương pháp, hướng để chọn lại học sinh, có thể làm được, nhưng chắc chắn sẽ gây thêm áp lực cho học sinh và phụ huynh, do họ cũng muốn cho con em của mình học ở một môi trường tốt.

Phương Linh