Dừng đề án 322: Nhiều gia đình hoang mang, thất vọng

24/05/2012 06:04
Kim Ngân (Thực hiện)
(GDVN) - "Chúng tôi chỉ có một mong muốn là Bộ, Nhà nước bằng mọi cách tạo điều kiện cho các cháu đi học nước ngoài theo đúng chương trình, chứ không để dừng giữa chừng để các cháu bơ vơ như thế này được. Rất hoang mang, thất vọng!".
Trước quyết định dừng đề án 322 vào ngày 15/05, không chỉ các ứng viên sốc, hoang mang mà những bậc phụ huynh cũng thất vọng, chạy ngược chạy xuôi cầu cứu. Báo Giáo dục Việt Nam đã có cơ hội được trò chuyện cùng họ để hiểu thêm nỗi niềm, mong muốn của bậc làm cha làm mẹ muốn gửi đến Bộ GD& ĐT.

Từ ngày nhận quyết định chỉ có nước mắt và nước mắt… 

Lo lắng cho con gái, cô Bình (mẹ của em Đoàn Thị Vĩnh Hạnh) vội vàng khăn gói, bỏ bê công việc ở quê, 5h sáng bắt xe từ Quảng Trị ra Hà Nội. Bức xúc với quyết định dừng học bổng 322, đồng nghĩa với việc tháng 9 này, Hạnh và gần 50 sinh viên nữa không thể du học nước ngoài như mong muốn và nỗ lực gần 2 năm qua.

“Tôi không hiểu các đồng chí nghĩ gì mà lại làm thế. Khi nhận được quyết định, cháu và gia đình tôi thực sự đau đớn, chỉ có nước mắt và nước mắt, càng nghĩ mà càng đau đớn, xót xa. Các cháu là những người xuất sắc của trường đại học, được Nhà nước chọn đi học ở nước ngoài. Đến giờ chuyện lại diễn ra ngược lại, các cháu thất vọng, hoang mang, mất ăn mất ngủ”, cô Bình xót xa nói.


Bắt xe 5h sáng từ Quảng Trị ra Hà Nội, cô Bình (mẹ của em Đoàn Thị Vĩnh Hạnh) tha thiết mong muốn Bộ GD & ĐT, Chính phủ cố gắng đưa các em du học theo như chương trình, đền đáp công sức các em hi vọng, cố gắng. (ảnh Kim Ngân).
Bắt xe 5h sáng từ Quảng Trị ra Hà Nội, cô Bình (mẹ của em Đoàn Thị Vĩnh Hạnh) tha thiết mong muốn Bộ GD & ĐT, Chính phủ cố gắng đưa các em du học theo như chương trình, đền đáp công sức  các em hi vọng, cố gắng. (ảnh Kim Ngân).

Cô Bình kể trong nước mắt, những cháu ngồi đây là những học sinh xuất sắc, đoạt giải quốc gia hay thủ khoa các trường đại học. Bản thân Hạnh là thủ khoa 28/30 Trường ĐH Y – Dược Huế năm 2010, đoạt giải quốc gia môn Toán, gia đình cũng rất hãnh diện, vui mừng khi cháu có tên trong danh sách nhận học bổng 322 của Chính phủ.

Gần hai năm học tiếng ở Hà Nội, Hạnh cũng chỉ về quê được hai lần. Mẹ của Hạnh tâm sự rằng: “Cháu gọi điện về nói: Mẹ ạ, học tiếng Pháp khó lắm, con bị stress, giờ nhìn bốn bức tường đều là từ tiếng Pháp, ngủ cũng lẩm bẩm đọc tiếng Pháp. Ở trên này, con tủi thân vì giọng quê mình. Con ra chợ mua mớ rau, họ không nghe rõ nên họ không trả lời con. Nghe những lời như thế, tôi ứa nước mắt thương con, nhưng luôn động viên để cháu yên tâm học”.

Gửi tâm nguyện đến Cục trưởng Đào tạo với nước ngoài Nguyễn Xuân Vang, mẹ của Hạnh tha thiết đề nghị: “Tôi cũng chỉ là một công nhân nhưng tôi mong các lãnh đạo Bộ, Nhà nước hãy cảm thông và giải quyết cho các cháu. Hãy cho các cháu một câu trả lời chính xác, theo chương trình là mồng 3/9 cháu nhập học trường ĐH Lyon (Pháp), nếu đợi đề án mới được duyệt thì đến bao giờ nữa?”.


Bác Ngô Văn Dũng (bố của SV Ngô Mai Hạnh – ĐH Ngoại ngữ, ĐH QGHN) không thể tin được học bổng của Nhà nước lại bị dừng như thế.
Bác Ngô Văn Dũng (bố của SV Ngô Mai Hạnh – ĐH Ngoại ngữ, ĐH QGHN) không thể tin được học bổng của Nhà nước lại bị dừng như thế.


Trả lời của Cục trưởng Vang không hợp lý, không thỏa đáng?


“Gia đình hết sức hãnh diện và dốc toàn tâm toàn lực cho các cháu hoàn thành hồ sơ, đi học tiếng Pháp gần hai năm trời. Mới đây, cháu nhận được giấy xác nhận nhập học từ trường ĐH bên Pháp và cũng đã hoàn thành hết hồ sơ để chuẩn bị tháng 9 đi. Thế mà, 15/5 có quyết định dừng đề án, cháu hoang mang, không khí gia đình như có tang”, bác Ngô Văn Dũng (bố của SV Ngô Mai Hạnh – ĐH Ngoại ngữ, ĐH QGHN) chưa hết bàng hoàng kể lại.
Bác nói thêm: “Dự án 322 là học bổng theo kinh phí của Nhà nước, chúng tôi không ngờ Nhà nước lại dừng cấp kinh phí hoặc có thể chuyển các cháu sang những nước khác. Giờ 2 năm trời vất vả của 47 em ở đây coi như đổ xuống sông xuống biển. Thất vọng! Quá thất vọng!”.

Theo vị phụ huynh này thì cách trả lời của Cụ trưởng Nguyễn Xuân Vang không thấy hợp lý, không thỏa đáng. Bởi vì, nếu hết chỉ tiêu 2000 người đi du học, vậy tại sao còn tuyển sinh ứng viên 322 và cấp kinh phí đào tạo tiếng trong gần 2 năm? Cuối 2010 đã có hội nghị tổng kết, đến năm 2011 vẫn gửi thông tin chuẩn bị đi du học và mới đây trường bên Pháp cũng đã nhận cháu, vậy không có lý nào lại dừng đề án đột ngột như thế cả.

Chia sẻ về việc Bộ chuyển các em kiếm học bổng MEXT từ các nước Cuba, Srilanka, Nga, Nhật, Ma – rốc, bác Dũng nói: “Thời gian và sức trẻ của các cháu có hạn. Nếu đi, các cháu sẽ phải mất thêm 1 năm, 2 năm nữa để học tiếng”.

Bác Dũng cũng như hàng trăm phụ huynh khác đều mong muốn Nhà nước, Bộ bằng mọi cách tạo điều kiện cho các cháu đi học nước ngoài theo đúng chương trình.

Nếu Vụ trưởng là một người cha, có để con mình đi những nước đó không?

Chị Tuyết (chị gái của Lê Thị Hồng Nhung – 1 ứng viên du học Pháp) bất bình nói rằng: “Các em bỏ ra hai năm học tiếng Pháp đâu phải dễ, giờ nếu đi những nước khác thì phải học mấy năm nữa. Tôi rất bức xúc. Tôi hỏi, nếu Cục trưởng là một người cha có để con mình đi những nước Liên Bang Nga, Cuba, Ma – rốc hay không?”.


Chị Tuyết (phải) - chị gái của ứng viên trong diện nhận học bổng 322 mấy ngày nay rất bức xúc vì quyết định dừng dự án một cách đột ngột (ảnh Kim Ngân).
Chị Tuyết (phải) - chị gái của ứng viên trong diện nhận học bổng 322 mấy ngày nay rất bức xúc vì quyết định dừng dự án một cách đột ngột (ảnh Kim Ngân).


Chị Tuyết cũng bộc bạch rằng, gần 2 năm chỉ tính riêng tiền học thêm tiếng Pháp của các em ít nhất 20 triệu rồi, chưa kể tiền nhà, tiền ăn ở trên Hà Nội, rồi tiền thi chứng chỉ TCF tiếng Pháp, tiền hồ sơ, phỏng vấn... Có không ít nhà phải bán trâu, bò, cắm sổ đỏ ở quê để gửi tiền cho con học, mong con được đi du học ở nước ngoài. Nhưng giờ…

“Các em học 5 buổi tiếng Pháp/ tuần, bắt buộc các em phải bảo lưu học ở trường đại học, chứ sức đâu mà theo được. Trường bên Pháp đã có email nhận và thông báo ngày khai giảng, gia đình cũng gọi điện thuê trọ bên đó. Giờ đề án dừng giữa chừng nói hết chỉ tiêu, không có kinh phí vậy thì các em đi đâu về đâu, làm sao chúng tôi không bức xúc được”, chị Tuyết cho hay.


Cô Thủy (mẹ của ứng viên Nguyễn Hương Trà) xót xa, đau đớn khi thấy con lo lắng, hoang mang, mất hy vọng từ ngày nhận được thông báo không được đi du học Pháp nữa.(Ảnh Kim Ngân).
Cô Thủy (mẹ của ứng viên Nguyễn Hương Trà) xót xa, đau đớn khi thấy con lo lắng, hoang mang, mất hy vọng từ ngày nhận được thông báo không được đi du học Pháp nữa.(Ảnh Kim Ngân).

Còn cô Thủy, mẹ của em Nguyễn Thị Hương Trà vượt chặng đường từ Thái Nguyên lên Hà Nội và cũng không đồng ý với cách giải quyết của Bộ GD & ĐT. Cô run run nói: “Không thể hiểu được tại sao lại dừng, rất bất cập. Đây là đề án chuẩn bị kỹ càng, có bề dày lịch sử, không lý nào lại bảo hết chỉ tiêu, các cháu đành phải dừng lại không được đi du học nữa. Quyết định này đưa chúng tôi vào con đường cùng, các cháu giờ không biết phải xoay xở thế nào. Mong Nhà nước, mong Bộ GD & ĐT xem xét cho các cháu vẫn được đi trong năm nay theo đúng nguyện vọng ban đầu. Từ ngày nhận được thông báo đến giờ, cháu cũng như gia đình đều chạy ngược chạy xuôi cầu cứu các lãnh đạo, các cơ quan, chỉ mong cho các cháu tiếp tục thực hiện ước mơ gần 2 năm trời”.

Mọi thông tin phản ánh, khiếu nại tiêu cực trong giáo dục, mời quý độc giả gửi về địa chỉ email của tòa soạn:

http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Hom-thu-bay-to-y-kien-to-giac-tieu-cuc-trong-giao-duc/161144.gd

Kim Ngân (Thực hiện)