Gặp người cả đời nghiên cứu và giảng dạy văn

17/02/2012 10:00
Minh Cường/Đất Việt
(GDVN) - Ngôi nhà nằm sâu trong ngõ khá yên tĩnh và kín đáo. Của mở, một ông già bình dị với nụ cười đôn hậu hiện ra đó chính là GS. Hà Minh Đức.
Cụm công trình của GS.NGND Hà Minh Đức là thành tựu đặc biệt xuất sắc, ... (ảnh internet)
Cụm công trình của GS.NGND Hà Minh Đức là thành tựu đặc biệt xuất sắc, ... (ảnh internet)
Khi biết GS Hà Minh Đức được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN năm 2010, tôi tìm đến nhà ông vào một buổi sáng giữa tháng giêng trong cái tiết trời se lạnh và mưa phùn không dứt. Đến phố Yên Lạc (Hà Nội) hỏi NGND.GS Hà Minh Đức không mấy ai là không biết. Nhà ông nằm sâu trong ngõ khá yên tĩnh và kín đáo.

Cửa mở, một ông già bình dị với nụ cười đôn hậu hiện ra. Ông nhẹ nhàng mời tôi vào nhà. Ông bảo “Tôi chỉ có duy nhất một cô con gái và hiện hai vợ chồng tôi ở cùng với vợ chồng cô con gái cùng hai đứa cháu ngoại”.
Bước sang tuổi 78, giờ ông không được khỏe, đặc biệt là đôi mắt. Đã qua nhiều lần phẫu thuật nhưng giờ ông không thể nhìn rõ được. Ông cho biết, từ tết đến giờ, ngoài đi tới bệnh viện ông không dám ra ngoài vì đau mắt nên rất sợ ánh sáng. Căn phòng khách nhỏ trên gác hai được bài trí thật đơn giản nhưng sạch sẽ, ngăn nắp, đậm chất nho nhã của một trí thức. Gian bên trong là một kho sách la liệt các tác phẩm văn học, văn hóa, những công trình nghiên cứu, những bằng khen, giải thưởng, tranh ảnh kỷ niệm. Cái không gian yên tĩnh ấy thật hợp với ông- một người có trên nửa thế kỷ nghiên cứu và giảng dạy văn học Việt Nam.Một kho tàng đồ sộ về Hồ Chí Minh Khi nghiên cứu sự nghiệp văn thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, GS Hà Minh Đức đã có góc nhìn riêng, vừa khoa học lại vừa thời sự. Dù nghiên cứu sau các bậc tiền bối như Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Xuân Diệu, Chế Lan Viên… nhưng GS Hà Minh Đức vẫn tìm ra cách khai thác và cách xử lý tư liệu riêng, lại được sự giúp đỡ chí tình của nhà thơ Hoàng Trung Thông nên năm 1979, công trình “Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà thơ lớn của dân tộc” do NXB Khoa học Xã hội phát hành đã ra đời. Theo GS Đức tự đánh giá, đó là công trình có thể chưa thật xuất sắc bởi nếu xét từng bài thì không thể bằng các bài đơn lẻ của các bậc tiền bối đi trước nhưng nhìn tổng thể thì đó là một công trình nghiên cứu công phu, phong phú, nêu được vấn đề tương đối cơ bản và được dư luận chấp nhận. Được đà nghiên cứu, năm 1985, GS Đức tiếp tục cho ra đời “Tác phẩm văn của Hồ Chí Minh” gồm truyện ngắn Hồ Chí Minh, ký Hồ Chí Minh, tiểu phẩm Hồ chí Minh và được chính GS Nguyễn Khánh Toàn viết lời tựa cho tập sách với khẳng định đấy là một cuốn sách được viết nghiêm túc, dù thấy còn một số vấn đề cần phải bàn thêm về văn chương Hồ Chí Minh. GS Hà Minh Đức bồi hồi nhớ lại: Lúc đó, tôi mới tròn 40 tuổi nhưng tôi hiểu rằng “xin được chữ của thầy Nguyễn Khánh Toàn hoàn toàn không phải việc dễ, tôi rất biết ơn sự quan tâm, khích lệ từ người thầy của mình”. Sau đó, GS Đức tiếp tục viết và năm 2000 tập hợp lại thành cuốn tiểu luận “Văn thơ Hồ Chí Minh” bao gồm thơ chúc thọ Hồ Chí Minh, thơ tứ tuyệt Hồ Chí Minh, trí tuệ trong thơ Hồ Chí Minh…. Không chỉ nghiên cứu về sự nghiệp văn thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau khi về khoa Báo chí trường ĐH KHXH&NV Hà Nội với cương vị Chủ nhiệm khoa, GS Hà Minh Đức lại thấy mình cần phải tiếp tục nghiên cứu về sự nghiệp báo chí của Người. Ông lại vượt khó, viết tiếp công trình “Báo chí Hồ Chí Minh” gồm 4 quyển do NXB Chính trị quốc gia phát hành năm 2000. Cũng như khi nghiên cứu về văn thơ Hồ Chí Minh, trước ông cũng đã có nhiều người viết báo chí Hồ Chí Minh nhưng chủ yếu viết dưới dạng biên niên, còn ông chọn một hướng đi riêng, viết về đặc điểm và phong cách báo chí Hồ Chí Minh trên sự kết hợp hài hòa của hai trục: trục thời gian năm tháng và trục những vấn đề báo chí mà cụ Hồ đã rất sắc sảo khi phát hiện. “Qua công trình “Báo chí Hồ Chí Minh”, tôi rút ra được rằng báo chí Hồ Chí Minh là luôn luôn nhất quán với nhiệm vụ bảo vệ độc lập dân tộc và xây dựng một xã hội bình đẳng, dân chủ; kể từ tờ Người Cùng Khổ cho đến các tác phẩm báo chí sau này, phản ánh đúng hiện thực của đất nước qua những chặng đường lịch sử, các tác phẩm của Người in dấu rất rõ tầm tư tưởng, cách suy nghĩ và trình độ nghệ thuật báo chí Hồ Chí Minh đã đạt đến trình độ cao”. GS Đức nhận xét. 50 năm cho một tác phẩm Khi nhắc đến sự nghiệp nghiên cứu của mình, GS Đức cho rằng, ông chịu ảnh hưởng rất lớn từ những người thầy mà ông may mắn được thụ giáo và cả đời ông luôn kính trọng như Hoài Thanh, Nguyễn Khánh Toàn… và đặc biệt là cố GS Đặng Thai Mai. “Năm 1957, tôi được giữ lại trường và tôi được GS Đặng Thai Mai hết sức quan tâm giúp đỡ. Tôi đi theo môn lý luận văn học của thầy, sau đó là văn học Việt Nam. Thầy căn dặn tôi nhiều thứ và đấy là một tấm gương sáng mà tôi may mắn được học. Sau này, dù phát triển theo nhiều hướng đi khác thầy nhưng tôi vẫn luôn nhớ đến lời và tính cẩn thận của thầy. Nếu đưa cho thầy một bài viết mà không đề ngày là thấy không cầm, không đọc. Thầy bảo tôi, chữ đầu tiên của bất kỳ viết cái gì cũng phải đề ngày và chữ cuối cùng phải là xuất xứ của nó”. GS Đức bồi hồi nhớ lại. Theo GS Đức, nghiên cứu khoa học xã hội không thể vội vàng mà cần sự lắng đọng của thời gian. Như tác phẩm “Tự lực văn đoàn- trào lưu và tác giả”, NXB Giáo dục xuất bản năm 2007 nhưng trước đó từ năm 1956, trên tờ Sinh viên Việt Nam, ông đã có một bài viết dài về Tự lực văn đoàn. Sau đó, việc nghiên cứu về Tự lực văn đoàn bị ngắt quãng do thời cuộc bởi trước năm 1986 không khí chung là xã hội không chấp nhận Tự lực văn đoàn. Ông bảo, đề tài Tự lực văn đoàn là đề tài mà ông rất thích, nhưng vì thời cuộc khó khăn và phức tạp nên đôi lúc trùng xuống, nhưng ông vẫn nuôi hy vọng rằng sẽ có lúc nó lại được khai thác trở lại. Đúng như thế, 50 năm sau, Tự lực văn đoàn trào lưu và tác giả đã hoàn thành. Sau khi in ra được nhiều học giả ca ngợi và được xã hội chấp nhận. Hay từ khi đặt bút nghiên cứu bài đầu tiên về Hồ Chí Minh đến bài viết cuối cùng trong tác phẩm “Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà thơ lớn của dân tộc”năm 1979 ông đã phải chuẩn bị rất công phu, phải mất 7 năm nghiên cứu trước đó mới hoàn thành. Không chỉ nghiên cứu về văn học, báo chí; GS Hà Minh Đức còn nghiên cứu sâu về văn hóa Việt Nam. Ông cho biết, sang thế kỷ 21, vấn đề đặt ra là phải nghiên cứu văn hóa Việt Nam một cách bình đẳng và khai thác tối đa những giá trị của nó. Với công trình nghiên cứu chuyên sâu “Một nền văn hóa văn nghệ đậm đà bản sắc dân tộc với nhiều loại hình nghệ thuật phong phú” (2005) ông đã rút ra được đặc điểm văn hóa Việt Nam rất phong phú, đa dạng tích lũy từ hàng nghìn năm lịch sử, trong đó nhấn mạnh đến 3 cái ưu trội của văn hóa Việt Nam là văn học (với nhiều danh nhân như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Hồ Chí Minh); lễ hội (với hàng nghìn lễ hội phong phú, chủ yếu gắn liền với các anh hùng, nói lên cái gắn bó, đoàn kết của dân tộc) và bàn tay vàng (thể hiện trong toàn bộ hoạt động nghệ thuật như trạm, trổ, xây dựng đình, đền, miếu lăng, các nghề thủ công) Khoa học trong văn học là cái quy luật GS Hà Minh Đức cho rằng, tính khoa học trong văn học rất khác so với các bộ môn khác, bởi nó không dễ nhận ra. Không tự nhiên một người trở thành một nhà văn lớn, không tự nhiên một người có một tác phẩm hay mà ngoài tố chất bẩm sinh người đó còn có mạch dân tộc truyền vào, tinh hoa của đất nước cùng với sự đan cài các khuynh hướng khác nhau như đấu tranh, chống đối, đối lập theo anh đến cả cuộc đời. Tất cả không phải ngẫu nhiên mà đó là một quy luật. Ngoài ra, làm người nghiên cứu văn học không đơn giản, phải tìm hiểu rành rẽ quá trình vận động của văn học như vận động giữa văn học và cuộc sống, vận động giữa những tác động của các yếu tố của một dân tộc mà có tính truyền thống đến văn hóa, giải thích tại sao các nước lại có các truyền thống văn hóa khác nhau…. Nhưng ông cũng nhận rằng “Điều làm tôi cảm thấy nguy nhất hiện nay là giới trẻ đang dần rời bỏ quá khứ, xem nhẹ quá khứ, xô vào hiện đại, hậu hiện đại. Dư luận văn chương chúng ta trong mấy chục năm qua nhiều lúc bị cuốn đi theo yêu cầu nóng của xã hội nên không tránh khỏi bồng bột, thiếu khách quan”. Và ông đã chủ trương viết đúng lòng mình, không viết khác những điều mình suy nghĩ, cũng tránh thái quá, khi muốn khen những điều đáng khen và chê những điều đáng chê, luôn hết sức thận trọng khi viết về những vấn đề mà mình đã theo đuổi nghiên cứu. Và ông, GS Hà Minh Đức đã rất xứng đáng với những danh hiệu, giải thưởng cao quý mà Nhà nước đã dành cho ông: Giáo sư, Nhà giáo nhân dân, giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN cho những thành tựu về nghiên cứu và giảng dạy của ông suốt hơn nửa thế kỷ.
GS Hà Minh Đức sinh năm 1935 tại Thanh Hóa. Ông tốt nghiệp và bắt đầu làm công tác giảng dạy đại học từ năm 1957.

Ông học cùng với Phan Cự Đệ, Nguyễn Đình Chú, Nguyễn Hải Hà, Trần Văn Bính.

Ông được xét giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN năm 2010 cho cụm công trình:

- Sự nghiệp văn học, báo chí Hồ Chí Minh và một số vấn đề lý luận, thực tiễn văn hoá, văn nghệ Việt Nam, bao gồm Nhóm công trình ( Sự nghiệp văn thơ Hồ Chí Minh, báo chí Hồ Chí Minh (chuyên luận và tuyển chọn)) và Nhóm công trình (Tự lực văn đoàn trào lưu và tác giả (Phần chuyên luận);

- Một nền văn hóa văn nghệ đậm bản sắc dân tộc với nhiều loại hình nghệ thuật phong phú).

Hội đồng xét Giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN năm 2010 đã nhận xét: Cụm công trình có những kiến giải khoa học sâu sắc và có sức thuyết phục cao, khái quát những đóng góp to lớn của tác giả Hồ Chí Minh cho sự nghiệp văn học và báo chí của dân tộc; có ảnh hưởng sâu rộng trong việc nghiên cứu văn hoá, văn học Việt Nam thế kỷ XX với những giá trị rất cao về văn học sử cũng như phương pháp luận nghiên cứu.
Minh Cường/Đất Việt