Giảng dạy mà không làm mới giáo án thì khác nào đi lùi?

05/11/2016 06:50
Hằng Dương
(GDVN) - Xã hội luôn biến đổi, nếu giáo viên không cập nhật kiến thức mới, những phát minh, phát hiện mới trong giáo án thì đó sẽ là sự thụt lùi đáng sợ.

LTS: Sau khi báo điện tử Giáo Dục Việt Nam đăng bài viết: Bài học cũ, năm nào cũng thiết kế bài dạy mới để làm gì?! của cô giáo Phan Tuyết, đã có nhiều ý kiến phản biện quan điểm trên.

Dưới đây là bài viết thể hiện quan điểm của cô giáo Nguyễn Hằng Dương (giáo viên tại Đà Nẵng).

Tôn trọng tranh luận đa chiều, Tòa soạn đăng tải bài viết này, trân trọng gửi đến quý độc giả.

Mới đây, cô giáo Phan Tuyết có bài viết thể hiện quan điểm cho rằng việc bắt giáo viên soạn mới giáo án hàng năm trong khi nội dung vẫn như cũ là một điều bất cập.

Từ phản ánh này, cô giáo Phan Tuyết cũng kiến nghị chỉ những giáo viên thay đổi môn dạy, đối tượng học mới nên thay giáo án.

Còn nếu nội dung bài giảng vẫn như thế thì không cần thay mới nhằm giúp tiết kiệm tiền bạc, thời gian, công sức.

Học sinh vẫn luôn hứng thú với những bài giảng mới, có tính thời sự. (Ảnh: AN)
Học sinh vẫn luôn hứng thú với những bài giảng mới, có tính thời sự. (Ảnh: AN)

Bản thân là một giáo viên tôi không đồng tình với quan điểm này.

Tất cả các bộ môn, dù là khối khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội thậm chí là thể dục, hát nhạc cũng đều có cái mới để dạy.

Kiến thức là vô cùng chứ không phải là phạm trù “bất biến”.

Vì vậy trách nhiệm của người dạy học là phải luôn luôn cập nhật.

Bài học cũ, năm nào cũng thiết kế bài dạy mới để làm gì?! (GDVN) - Nội dung bài cần soạn vẫn giống năm trước, giáo viên vẫn dạy khối lớp ấy, vậy tại sao không cho phép sử dụng lại bộ giáo án cũ?

Bài học cũ, năm nào cũng thiết kế bài dạy mới để làm gì?!

(GDVN) - Nội dung bài cần soạn vẫn giống năm trước, giáo viên vẫn dạy khối lớp ấy, vậy tại sao không cho phép sử dụng lại bộ giáo án cũ?

Về kiến thức, giáo dục luôn phải cập nhật

Nếu nói rằng, kiến thức môn học, đối tượng học không thay đổi nên không cần soạn mới giáo án. Đây là quan điểm sai lầm.

Thử hỏi, nếu bạn dạy bộ môn địa lý. Năm nay dân số thế giới, dân số Việt Nam thế này, nhưng năm sau đã thay đổi.

Vậy bạn không soạn giáo án thì làm sao có thể cung cấp những kiến thức mới, kiến thức đúng cho học sinh?.

Nếu bạn dạy lịch sử cũng vậy, lịch sử thế giới hiện đại có sự biến đổi, nếu bạn không cập nhật để bổ sung vào giáo án của mình thì học sinh làm sao có cái nhìn toàn diện được đây?

Nếu bạn dạy toán học, vật lý, hóa học… các nhà nghiên cứu đang từng ngày, từng giờ mày mò, nghiên cứu ra các phương pháp mới vậy mà bạn cứ ứng dụng và giảng dạy cái cũ thì bạn đang thụt lùi một cách đáng sợ.

Còn nếu các bạn dạy đạo đức, giáo dục công dân… bao nhiêu vấn đề mới, những tệ nạn mới mà xã hội đang phải đối mặt.

Nếu các bạn cứ dửng dưng chẳng đưa vào giáo án thì bạn sẽ dạy cho học sinh những kiến thức, những kỹ năng cũ rích chỉ dành cho thế hệ cũ mà thôi...

Xã hội luôn biến đổi, nếu các bạn không cập nhật kiến thức mới, những phát minh, phát hiện mới thì đó sẽ là sự thụt lùi đáng sợ.

Về phương pháp giảng dạy, giáo dục luôn phải biết làm mới mình

Song song với lượng kiến thức mới mẻ - lượng kiến thức vô biên mà những người làm giáo dục luôn phải cập nhật thì phương pháp giảng dạy cũng phải thay đổi.

Trước đây thời tôi đi học, các thầy cô chỉ soạn giáo án bằng cách viết tay vào cuốn sổ giáo án. Nhưng nay soạn “tay” đã không còn phù hợp mà phải là soạn giáo án điện tử.

Học sinh, sinh viên ngày càng có khả năng tự tìm tòi, tự học cao hơn bởi các kênh thông tin ngày càng nhiều. Chính vì vậy, giáo viên cũng phải luôn biết cách làm mới mình trong phong cách giảng dạy, trong cách soạn giáo án mới mẻ, thu hút.

Thay vì chỉ giảng kiến thức bằng lời nói, giáo viên lồng vào các video hay những hình thức khác.

Và tôi tin, sẽ có những phương pháp hoàn toàn mới mẻ mà “ngày mai” người làm thầy cô chúng ta sẽ và phải bắt kịp.

Dùng giáo án cũ sẽ dễ dẫn tới sai về kiến thức và thui chột nhiệt huyết

Việc soạn mới giáo án trong mọi hoàn cảnh luôn là không thừa. Việc giáo viên dùng giáo án cũ sẽ là một việc rất đáng lo sợ và nguy hiểm. Nguy hiểm về cả kiến thức, nguy hiểm về cả sự nhiệt huyết.

Tại sao lại như vậy?

Thiết nghĩ, cái suy nghĩ kiến thức không thay đổi. Đó là một sự chây ỳ trong việc tìm tòi, học hỏi. Mà nếu giáo viên như vậy, thì làm sao truyền lửa cho thế hệ học sinh.

Kiến thức ngày hôm qua, chưa chắc đã là đúng khi áp vào ngày hôm nay. Vì vậy, đừng bao giờ tự nghĩ rằng cái mình biết, cái mình soạn ra, cái mình đã dạy cho thế hệ học sinh những năm qua tuyệt nhiên là chính xác, không cần thay đổi, không cần chỉnh sửa.

Soạn mới giáo án không những giúp thầy cô củng cố kiến thức mà nó còn là cách giúp thầy cô thêm nhiệt huyết với nghề. Có thay đổi và cập nhật không ngừng thì chúng ta mới đem đến kiến thức mới, chính xác và thu hút đối với học sinh.

Hằng Dương