Ngày 6/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố Dự thảo Thông tư Ban hành Điều lệ trường tiểu học, để lấy ý kiến góp ý rộng rãi, thay thế cho Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ trường tiểu học hiện hành.
Điều 28, khoản 2 Dự thảo Thông tư Ban hành Điều lệ trường tiểu học: Nhiệm vụ của giáo viên có ghi:
“Giáo viên cốt cán là người có chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, có uy tín trong nhà trường, được hiệu trưởng hoặc cơ quan quản lí giáo dục đề cử.
Ngoài các nhiệm vụ quy định tại khoản 1 của Điều này, giáo viên cốt cán còn làm nòng cốt trong sinh hoạt chuyên môn; hướng dẫn, tư vấn đồng nghiệp trong giảng dạy, giáo dục và phát triển nghề nghiệp”.
Đây là một điểm mới của Dự thảo Thông tư Điều lệ trường tiểu học so với Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ trường tiểu học hiện hành; trong Điều lệ trường tiểu học cũ không có thông tin này.
Giáo viên cốt cán có nhiệm vụ gì? (Ảnh minh hoạ: Baothuathienhue.vn) |
Tôi đề nghị sửa đổi như sau: “Giáo viên cốt cán là giáo viên có phẩm chất đạo đức tốt; hiểu biết về tình hình giáo dục; có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ tốt; có uy tín trong tập thể nhà trường; có năng lực tham mưu, tư vấn, hỗ trợ, dẫn dắt, chia sẻ đồng nghiệp trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ và trong hoạt động bồi dưỡng phát triển năng lực nghề nghiệp.
Ngoài các nhiệm vụ quy định tại khoản 1 của Điều này còn thực hiện các nhiệm vụ sau:
a) Hỗ trợ, tư vấn cho đồng nghiệp trong trường phát triển phẩm chất, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên, phù hợp với điều kiện nhà trường, địa phương;
b) Hỗ trợ, tư vấn cho đồng nghiệp trong trường các vấn đề liên quan đến đảm bảo và nâng cao chất lượng dạy học, giáo dục cho học sinh; tham gia biên soạn tài liệu chuyên đề môn học, tài liệu hướng dẫn (cho giáo viên, học sinh); tổ chức hướng dẫn các đề tài nghiên cứu khoa học cho học sinh theo yêu cầu của người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông và cơ quan quản lý;
c) Hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp trong trường về các hoạt động xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch giảng dạy môn học; về việc thực hiện các khóa đào tạo, bồi dưỡng giáo viên qua mạng internet; về bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ giáo viên trong trường hoặc các trường trên địa bàn; tham gia tập huấn, bồi dưỡng giáo viên theo yêu cầu hàng năm của ngành (cấp phòng, sở, Bộ);
d) Tham mưu, tư vấn cho cấp quản lí trực tiếp về công tác xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương nhằm bảo đảm mục tiêu, chất lượng dạy học, giáo dục và nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên; tham gia tổ chức, báo cáo chuyên môn, nghiệp vụ tại các hội nghị chuyên đề, các buổi sinh hoạt chuyên môn của trường hoặc các trường trên địa bàn;
e) Thực hiện kết nối, hợp tác với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, các đơn vị nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học giáo dục (đặc biệt là khoa học sư phạm ứng dụng)”.
Tại sao lại sửa đổi như thế?
Sau khi tập huấn ở Bộ về, giáo viên cốt cán sẽ tập huấn lại như thế nào? |
Một là: Giáo viên cốt cán hay đã được gọi là giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán; đã được quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình lựa chọn rất cụ thể trong Điều 12, Thông tư Số: 20/2018/TT-BGDĐT.
Hai là: Nếu để như dự thảo sẽ có cách hiểu quá giản đơn về giáo viên cốt cán; Hiệu trưởng sẽ chọn giáo viên cốt cán không đúng tiêu chuẩn, tiêu chí; chọn giáo viên cốt cán theo “bằng lòng”, không theo năng lực, phản tác dụng.
Ba là: Chưa bao giờ vai trò giáo viên cốt cán được coi trọng như hiện nay, giáo viên cốt cán được Bộ Giáo dục và Đào tạo bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về chương trình mới, làm hạt nhân truyền tải, lan tỏa đến giáo viên địa phương.
Có thể nói, giáo viên cốt cán là cánh tay nối dài của lãnh đạo ngành giáo dục đến cơ sở giáo dục tiểu học.
Bốn là: Thể hiện tính kế thừa, liên thông của Thông tư Số: 20/2018/TT-BGDĐT trong Thông tư Ban hành Điều lệ trường tiểu học mới.
Chọn đúng giáo viên cốt cán, nhà trường có thêm một nhà tư vấn cao cấp; giáo viên có thêm người bạn quý, người thầy giỏi; địa phương có thêm nhà chiến lược trong chỉ đạo, điều hành giáo dục.