Giờ học trực tuyến "môn phụ", nhiều học trò bật máy điểm danh xong đi chơi

27/09/2021 06:44
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khi các thầy cô nhận được sự đồng hành của phụ huynh thì dù công việc giảng dạy có vất vả, khó khăn đến đâu cũng vẫn được giải quyết một cách thật hiệu quả.

Do dịch bệnh kéo dài, hiện nay nhiều tỉnh thành đã và đang tổ chức dạy học trực tuyến. Có lẽ trong ngành ai cũng biết, cũng hiểu về chất lượng thì dạy học trực tuyến không thể nào so sánh với dạy học trực tiếp. Tuy thế, chất lượng học trực tuyến đến đâu, đạt được mức độ nào lại phụ thuộc rất lớn vào ý thức học tập của học sinh, sự quan tâm, sâu sát của các bậc phụ huynh.

Học sinh lớp 1 tại Trường Trần Quốc Toản thuộc xã Đắk Drông, huyện Cư Jut) tại Đắk Nông (Ảnh minh họa: Đỗ Quyên)

Học sinh lớp 1 tại Trường Trần Quốc Toản thuộc xã Đắk Drông, huyện Cư Jut) tại Đắk Nông (Ảnh minh họa: Đỗ Quyên)

Tuy nhiên trong thực tế đã và đang giảng dạy trực tuyến vài tuần qua, một số đồng nghiệp của chúng tôi đã “vén bức màn” phía sau những lớp học được báo cáo 100% sĩ số tham gia học tập trực tuyến đầy đủ mà thấy buồn.

Sĩ số đủ nhưng nhiều em mở máy cho có

Mới sau vài buổi học trực tuyến, thầy giáo H. giáo viên một trường trung học cơ sở tại Bình Thuận rất vui vì sĩ số học sinh tham gia lớp học gần như đầy đủ 100%.

Môn thầy H. dạy là môn học mà theo cách gọi của nhiều người là môn phụ nhưng khi thấy các em tham gia học đầy đủ như vậy, quả thật đó chính là niềm vui lớn của những người thầy.

Trong khi giảng, thầy H. luôn mời học sinh tương tác vừa tạo cho tiết học đỡ nhàm chán, vừa để quản lý các em.

Thế nhưng chỉ vài hôm sau, nhiều màn hình không được bật mở khi học. Giáo viên yêu cầu thường nhận được câu trả lời hư camera hay mẹ lấy điện thoại nên em học bằng vi tính không có camera…

Nhiều tiết học, thầy H. mời học sinh trả lời nhưng những tiếng gọi tên của thầy cứ như rơi vào khoảng lặng mà chẳng có hồi âm. Đôi khi khá lâu sau mới có em lên tiếng trong cơn ngái ngủ bị đánh thức.

Có lần, bị giáo viên dồn bức buộc phải bật camera thì thấy học sinh ấy không ngồi ở bàn học mà đang ngồi ở tiệm cắt tóc.

Cùng chung cảnh với thầy H., cô giáo T. giáo viên một trường trung học phổ thông cũng than phiền. Chỉ vài ngày đầu, học sinh còn tham gia học tích cực. Sau đó, có lẽ biết được những “lợi thế ẩn mình” của học trực tuyến nên nhiều em đăng nhập xong để đó và đi đâu không biết. Nếu yêu cầu bật camera thì vô vàn lý do được liệt ra nên thầy cô cũng chịu.

Cô T. nói, hình như chúng có thỏa thuận với nhau cách đối phó với giáo viên. Ví như phân công luôn một nhóm chuyên trả lời các câu hỏi khi thầy cô đặt ra. Vài ngày khác lại đổi sang nhóm khác nhưng giáo viên mời những học sinh khác phát biểu sẽ không bao giờ thấy hồi âm.

Bất ngờ với kết quả học tập trực tuyến của học sinh vùng khó

Cô giáo Trịnh Thị Hệ ở Đắk Lắk sau 2 tuần dạy trực tuyến cho biết, trong mỗi giờ học (học sinh lớp 1) các em học rất sôi nổi, nhiều bạn giơ tay phát biểu, viết bảng con, vở...hết giờ học trực tuyến lại làm bài tập, luyện viết để trả bài cho cô nên chất lượng đạt được cũng khá tốt.

Cô giáo Đinh Tâm, giáo viên dạy lớp 1 Trường Trần Quốc Toản thuộc (xã Đắk Drông, huyện Cư Jut) tại Đắk Nông cũng cho biết:

Phụ huynh luôn đồng hành cùng các con trong mỗi giờ học trực tuyến, sau mỗi buổi học cha mẹ còn kèm cho con đọc, viết bài, chụp hình bài làm gửi cô giáo mỗi ngày nên kết quả học tập của lớp là trên cả tuyệt vời.

Lớp 1 của cô chủ nhiệm có 28 em. Trong đó có 1 em không có phương tiện học lại học rất chậm nên mỗi ngày cô đặc cách hướng dẫn trực tiếp riêng. Một số em khác, cô giáo động viên phụ huynh liên hệ với người thân xung quanh nhà cho các bé mượn phương tiện học hoặc dùng nhờ internet.

Có 2 em tham gia lớp học không đều, cô gặp riêng phụ huynh vận động, sẵn sàng giúp đỡ bất cứ lúc nào khi phụ huynh cần.

Mỗi khi giờ học bắt đầu, 27 em tham gia học là có chừng ấy phụ huynh ngồi bên để học cùng. Nhờ có ba hoặc mẹ ngồi bên, các con học hành chăm chỉ hơn. Chỉ qua tuần đầu tiên, giờ thì chất lượng học tập đã tiến bộ rõ rệt. Các em học vì vui, vì ham thích chứ không phải học vì bị ép buộc.

Người viết hỏi cô Tâm bí quyết nào để tạo hứng thú cho các em như vậy, cô Đinh Tâm cho biết: “Thiết kế nhiều trò chơi học tập, biến giờ học kiến thức nhàm chán thành trò chơi. Các em hứng thú chơi cũng chính là đang học kiến thức”.

Sau mỗi buổi học, cô Tâm giao bài cho các bé, cùng với sự giúp đỡ của phụ huynh ngày nào các con cũng hoàn thành bài vở khá tốt.

Nét chữ của học sinh vùng khó sau vài tuần học trực tuyến như thế này thật sự đáng khen (Ảnh Đỗ Quyên)

Nét chữ của học sinh vùng khó sau vài tuần học trực tuyến như thế này thật sự đáng khen (Ảnh Đỗ Quyên)

Nói rồi, cô giáo Tâm cho tôi xem những bài viết của các em mới vào lớp 1. Những nét chữ dù chưa thật sự đúng mẫu, chưa thật đẹp nhưng với các em học sinh vùng khó mà phải học trực tuyến thì thật sự đáng khen ngợi.

Có sự hợp tác của phụ huynh, học trực tuyến mới thật sự hiệu quả

Chúng ta vẫn cho rằng, học sinh bậc trung học lớn rồi nên tự học. Vì thế, cha mẹ cũng ít quan tâm đến việc các em học thế nào. Nhiều gia đình giao máy cho con và dành riêng luôn một phòng để con yên tĩnh học nhưng có biết đâu con mình lại mở máy ngồi chơi game, có em nằm ngủ ngon lành, em lại để máy đó và đi chơi…

Những học sinh thiếu ý thức học tập như này, khi học trực tiếp giáo viên cũng phải theo sát. Ngồi trong lớp có thầy cô mà vẫn còn không chịu học, nay học trực tuyến không có sự giám sát của phụ huynh thì mong gì các em học hành nghiêm túc.

Sau mỗi buổi học, phụ huynh luôn đồng hành cùng các con (Ảnh Đỗ Quyên)Sau mỗi buổi học, phụ huynh luôn đồng hành cùng các con (Ảnh Đỗ Quyên)

Chúng ta vẫn lo, học sinh lớp 1, lớp 2 học trực tuyến sẽ không hiệu quả vì các em quá nhỏ. Tuy thế, nếu có sự quan tâm, giám sát của phụ huynh thì kết quả đạt được cũng khá tốt.

Qua những gì chúng tôi trải nghiệm và sự phản ánh của nhiều đồng nghiệp đã cho thấy rằng học sinh học trực tuyến đạt chất lượng cao hay thấp không phụ thuộc nhiều vào cấp học lớn hay nhỏ mà phụ thuộc vào chính việc hợp tác của các bậc phụ huynh.

Khi các thầy cô nhận được sự đồng hành của phụ huynh thì dù công việc giảng dạy có vất vả, khó khăn đến đâu cũng vẫn được giải quyết một cách thật hiệu quả.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện câu chuyện, góc nhìn của tác giả.

Đỗ Quyên