Gốc gác vụ tiêu cực thi ở Bắc Giang nhìn từ góc độ tâm lí

09/06/2012 06:36
Xuân Trung
(GDVN) - “Đây không phải là một hiện tượng phổ biến nhưng nó là một hiện tượng nổi cộm để báo động một vấn đề về chuyện thi cử của ngành giáo dục không nghiêm túc ở nhiều nơi, như thế là đáng báo động”.
TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lí giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng Trường THPT DL Đinh Tiên Hoàng chia sẻ ý kiến về vụ tiêu cực trong thi cử vừa qua tại Bắc Giang.
Không thể áp đặt cách xử lí

Khi có thông tin về việc tiêu cực tại Bắc Giang vừa qua, TS Nguyễn Tùng Lâm nhận định, năm nào cũng có một câu chuyện ngắn về thi cử là điều đáng buồn. 

Ở góc độ nào đó là Hiệu trưởng của một trường THPT dân lập, TS Lâm cho rằng việc xử lí vụ tiêu cực ở Bắc Giang nên tôn trọng ý kiến của Hội đồng thi Trường THPT DL Đồi Ngô (Bắc Giang): “Hiện nay nhiều ý kiến muốn áp đặt cho Hội đồng ở Bắc Giang phải thế này thế kia, tôi nghĩ là chưa thỏa đáng. Mỗi một cơ quan, cơ sở có điều kiện xử lí theo điều kiện của họ chứ không thể anh đứng ở ngoài mà buộc làm theo ý kiến của anh, cái đó cũng không đúng”, TS Lâm cho biết.

TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội. Ảnh Xuân Trung
TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội. Ảnh Xuân Trung

Theo TS Lâm, việc đáng bàn ở đây mà chúng ta cần gấp rút làm đó là làm thế nào để ngành giáo dục từ sang năm phải đổi mới thi, chứ không thể đợi sau 2015: “Hy vọng sau sự việc của Bắc Giang chúng ta sẽ có một chiến dịch phát động làm thế nào để cho mùa thi thực sự phải là mùa thi nghiêm túc. Ở đâu đó gian dối đã là đều không tốt nhưng riêng với ngành giáo dục lại càng nguy hiểm với thế hệ trẻ”, TS Lâm báo động.
Bốn mấu chốt để có được kỳ thi tốt nghiệp nghiêm túc

TS Nguyễn Tùng Lâm cho biết, sau sự việc tiêu cực trong thi cử tại Bắc Giang đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận vấn đề thật thấu đáo hơn. Việc có nhiều ý kiến sau 5 năm thực hiện hai không trong thi cử, tới thời điểm này nhiều người cho rằng không cần thiết tiến hành thi tốt nghiệp do kết quả chỉ là hình thức. Vấn đề này, TS Lâm trao đổi, thứ nhất, việc thi tốt nghiệp vẫn phải được giữ lại: “Đi học là phải kiểm tra, phải thi, nhưng thi dưới hình thức nào mà vẫn an toàn, vẫn chặt chẽ thì đó là bài toán phải phấn đấu được”.
Theo TS Lâm, để hạn chế trong tiêu cực thi cử trước hết phải làm cho người học thấy được vai trò mình là người tự giác học, có học mới có kiến thức, không có chuyện cả năm không học và chỉ ngồi đợi đối phó với kỳ thi. Nếu vẫn còn tình trạng “ngồi chờ” này thì chuyện “nóng” trong thi cử sẽ không thể chấm  dứt. 

“Tôi xin báo động, hiện nay có tình trạng từ phổ thông tới đại học, thi vào thì khó nhưng vào rồi thì không chịu học để rồi tiêu cực để tìm cách kiếm mảnh bằng. Do vậy chúng ta phải đẩy việc học thực, quy luật học thực là học cho cá nhân, có ông thầy giỏi mấy mà người học không học thì ông thầy cũng chịu. Người bẩn thì tôi có thể tắm, dội nước cho anh được, nhưng thiếu kiến thức thì không thể nhồi nhét được”, TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.

Và, để có một động cơ cho người học  học đúng, quan điểm của TS Lâm cho rằng, từ nay phải chấm dứt chuyện kể thành tích, người học tới đâu thì kết quả tới đó, không được tính, không được kể. 

Ngoài ra, theo TS Lâm người dạy cũng hết sức có ý thức làm sao thay đổi cách dạy của mình để cho việc học là phương pháp chứ không phải chỉ là nhồi nhét. 

TS Nguyễn Tùng Lâm cũng chia sẻ, từ nay về sau để cho các kỳ thi tốt nghiệp được nghiêm túc hơn thì khâu tổ chức thi cũng cần được khoa học hơn. Tức là phải hỏi những phần người học hiểu, không có tình trạng ra đề có trong sách để thí sinh có cơ hội chép thành tài liệu: “Công nghệ của chúng ta giờ cho phép làm việc đó, nhân nhiều bản lên, mỗi học sinh một đề thì không có chuyện quay cóp”, TS Lâm đề xuất.

Muốn có được đề thi như thế trong năm, nhà trường, thầy cô, học sinh cần phải được làm quen dần dần chứ không thể ra bất ngờ được.

“Quan điểm của tôi thi là đánh giá năng lực của con người ứng phó với một tình huống rất cụ thể, cuộc đời cần như thế chứ không phải tất cả các kiến thức. Do vậy mới biết Bộ Giáo dục không dám ra đề có trọng tâm, đó là cái dở vì chúng ta rèn là rèn tư duy, rèn cách giải quyết vấn đề chứ không phải rèn anh nhớ nhiều hay ít kiến thức, vì không ai dạy thông minh được”, TS Nguyễn Tùng Lâm thẳng thắn chỉ ra chỗ chưa hợp lí trong các ra đề hiện nay.
Liên quan tới vụ tiêu cực thi cử tại Bắc Giang có sự “đóng góp” một phần không nhỏ của giám thị, chính giám thị là “cánh tay” tiếp sức cho thí sinh vi phạm qui chế thi. Nhận định về vấn đề này ở góc độ tâm lí, TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, trong tổ chức thi người coi thi cũng cần phải có cái Tâm, phải có danh dự mới khác quan được.
Chia sẻ về thành vi, tâm lí của thí sinh khi sử dụng bút quay ghi lại những hình ảnh vi phạm qui chế thi tại Bắc Giang, TS Lâm dẫn dắt vấn đề khi cho rằng ngay từ thời còn là  học sinh phổ thông học sinh đã có những biểu hiện đáng buồn.Cụ thể, theo giải thích của TS Lâm rằng, ở cấp I các thầy cô không có trình độ, dạy máy móc, tất cả học sinh đều nghe thầy cô: “Về tâm lí học tôi thấy hết sức đau xót, tôi thấy cần ưu tiên đào tạo lại cho số giáo viên cấp này nhiều hơn. Tiếp theo cho tới cấp II lại chia các bộ môn không cụ thể dẫn tới tình trạng thả nổi. Những hệ quả từ các cấp học trên dẫn tới lên cấp III bắt đầu có biểu hiện đối phó với kỳ thi quốc gia”.

Theo TS Lâm nếu ở cấp II học sinh không có nề nếp sẽ dẫn đến ba thứ rất nguy hiểm:  Không có kiến thức cơ bản, không có nề nếp, và đặc biệt hoàn toàn không có năng lực tư duy, từ đó đi thi hoàn toàn chờ được bảo bài, chờ cô nhắc, chép bài mẫu. Dẫn đến học sinh không tự tin. “Chúng ta thử hình dung ra một thế hệ công dân luôn luôn chờ đợi, không tin ở mình thì chỉ có đi làm nô lệ, không làm được việc gì khác”, TS Lâm khẳng định.
Xuân Trung