HH các trường ĐH, CĐ NCL tiếp tục là cơ quan phản biện uy tín

23/05/2013 07:28
Xuân Trung
(GDVN) - Sáng 22/5, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL (gọi tắt là Hiệp hội) đã có buổi tổng kết công tác hoạt động từ sau Đại hội nhiệm kỳ thứ II. Theo lãnh đạo Hiệp hội, thời gian qua mọi chính sách liên quan tới các trường NCL đều được Hiệp hội phản biện trên tinh thần xây dựng.
Đáng kể nhất là góp ý cho Dự thảo Luật Giáo dục đại học, Hiệp hội đã chủ động tổ chức các hội thảo lấy ý kiến hội viên đóng góp, sau đó tổng hợp thành ý kiến chung của Hiệp hội. Trên tinh thần nhìn thẳng và xây dựng, những ý kiến này đã được gửi lên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Theo lãnh đạo Hiệp hội, với mục đích góp ý cho Dự thảo Luật để có thể thúc đẩy sự nghiệp đổi mới, phát triển ngành giáo dục nói chung, giáo dục đại học nói riêng, trong hoàn cảnh hiện tại là cả một vấn đề không đơn giản, không thể một sớm  một chiều mà giải quyết được. Đáng chú ý, một vài nội dung quan trọng đóng góp của Hiệp hội đã được Ban soạn thảo tiếp thu và thể hiện vào trong Luật Giáo dục đại học.

Nối tiếp thêm cánh tay phản biện, Hiệp hội đã kiến nghị thực hiện mức thuế ưu đãi cho các trường ĐH, CĐ NCL. Nội dung này nằm trong Nghị định 69/2008 của Chính phủ. Hơn nữa, thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục ở mỗi địa phương đối với mỗi trường. 

Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL Trần Hồng Quân tặng hoa chúc mừng các hội viên. Ảnh Xuân Trung
Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL Trần Hồng Quân tặng hoa chúc mừng các hội viên. Ảnh Xuân Trung

Sự bất cập trong Nghị định 69/2008 này còn ở chỗ, một vài trường được hiện mức thuế doanh nghiệp (10%), còn lại hầu hết các trường còn gặp trở ngại vì Quyết định 1466/QĐ-TT ngày 10/10/2008 về tiêu chí 55 mét đất/sinh viên, nên vẫn phải đóng mức thuế doanh nghiệp là 25%.

Trước sự bất cập này, Hiệp hội đã có những động thái tích cực kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan xem xét, giải quyết để chính sách ưu đãi về thuế đến với các trường. Tiếng nói của Hiệp hội đã được các cơ quan lắng nghe, giải quyết. Minh chứng, mới đây Chính phủ đã ký quyết định điều chỉnh tiêu chí về số mét vuông đất thay bằng mét vuông sàn xây dựng, cụ thể chỉ còn 2 mét vuông sàn/sinh viên.

Về vấn đề thiếu hụt nguồn tuyển sinh trong thời gian qua, hầu hết các  trường ĐH, CĐ NCL đều khó khăn trong khâu tuyển sinh, sự tồn tại của các trường bị đe dọa. Nguyên nhân chính và chủ yếu là điểm sàn xác định không đúng, dẫn đến cạn kiệt nguồn tuyển, nếu phổ điểm của các môn thi được công khai, thì việc xác định mưc độ khó, dễ của đề thi hằng năm cũng như việc xác định điểm sàn có phù hợp hay không sẽ được minh bạch. Hiệp hội đã có nhiều kiến nghị quan trọng gửi tới Bộ GD&ĐT và Thủ tướng Chính phủ, cụ thể, ngày 17/1/2013 bằng văn bản số 03/HH-VP Hiệp hội đã có kiến nghị tới Thủ tướng một số giải pháp tháo gỡ. 

Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT phải làm việc trực tiếp với Hiệp hội. Đáng chú ý, sau buổi làm việc này Bộ GD&ĐT đã có thông báo tới các trường chủ động xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh riêng để trình Bộ. Tới tới thời điểm này 10 trường đã có đề án, trong đó có 5 trường đã trình Bộ. 

Với các đề án này, Bộ GD&ĐT đã  đưa ra trước dư luận để để đong đếm, trong đó có cả sự đồng tình ủng hộ, góp ý thêm cũng như chê bai, chưa tin tưởng hoặc bác bỏ. Hiện tại 5 trường ĐH NCL đang chờ đợi trả lời của Bộ.

Ngoài những hoạt động trên, Hiệp hội còn tham gia, tổ chức, phối hợp làm việc với các cơ quan cấp cao phụ trách chung và toàn ngành giáo dục. Trong đó làm việc với Ban tuyên giáo Trung ương (3 lần). Đóng góp ý kiến cho dự thảo văn bản trình Hội nghị Ban chấp hành Trung ương về Đổi mới căn bản và toang diện nền giáo dục, đào tạo. Bên cạnh đó, Hiệp hội đã tổ chức nhiều Hội thảo mang tính góp ý, phản biện và xây dựng cho ngành giáo dục, được tổ chức từ Bắc vào Nam.

Theo lãnh đạo Hiệp hôi, hiện số hội viên không ngừng tăng lên, điều đó chứng tỏ vị thế và uy tín của Hiệp hội ngày càng được củng cố và tăng lên đáng kể. Một số hội viên và trường hội viên đã có nhiều đóng góp đáng kể, thiết thực, hiệu quả cho sự hoạt động của Hiệp hội. 

Trong thời gian tới, Hiệp hội sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ của mình, tiếp tục đề nghị Bộ GD&ĐT cùng các bộ, ngành có liên quan kịp thời trình Chính phủ ban hành các văn bản dưới luật để Luật Giáo dục đại học sớm đi vào cuộc sống; tiến hành tổ chức Hội thảo với 17 trường ĐH Dân lập về nội dung liên quan; tiếp tục tổ chức Hội thảo góp ý cho Dự thảo Nghị quyết về cải cách giáo dục…
Xuân Trung