Làm giáo viên chủ nhiệm, tôi cam kết không một em nào bị “bỏ quên” trong lớp

28/11/2019 06:10
Tùng Dương
(GDVN) - Sau 8 năm giảng dạy tại trường, cảm thấy mình đã đủ độ chín tốt nhất, có sự độ lượng với học sinh, đồng cảm với phụ huynh…nên tôi đã nhận công tác chủ nhiệm.

Giáo viên chủ nhiệm phải là người hiểu được tâm lý lứa tuổi của học sinh, cũng như tâm lý nguyện vọng của từng học sinh mà tâm lý ấy lại gắn với từng hoàn cảnh riêng.

Giáo viên chủ nhiệm phải bao quát nhiều vấn đề của học sinh ngoài vấn đề học tập, như đạo đức lối sống, tâm tư nguyện vọng, chuyện tình bạn, những vướng mắc trong các mối quan hệ.

Học sinh luôn muốn cô chủ nhiệm thấu hiểu, chia sẻ, vậy nên khi làm giáo viên chủ nhiệm thì tôi nghĩ mình không chỉ là một cô giáo, mà mình còn là một người bạn đáng tin cậy để học sinh có thể thổ lộ, chia sẻ những điều mà các em tin rằng cô sẽ giữ bí mật, hỗ trợ học sinh tốt nhất có thể, về tâm lý cũng như nhiều khía cạnh khác”, cô Hà cho biết.

Cô Lưu Thị Thu Hà: Giáo viên chủ nhiệm phải bao quát nhiều vấn đề của học sinh ngoài vấn đề học tập, như đạo đức lối sống, tâm tư nguyện vọng, chuyện tình bạn, những vướng mắc trong các mối quan hệ. Ảnh do nhân vật cung cấp.
Cô Lưu Thị Thu Hà: Giáo viên chủ nhiệm phải bao quát nhiều vấn đề của học sinh ngoài vấn đề học tập, như đạo đức lối sống, tâm tư nguyện vọng, chuyện tình bạn, những vướng mắc trong các mối quan hệ. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Lưu Thị Thu Hà - giáo viên Ngữ văn, chủ nhiệm lớp 10 D2 trường Trung học phổ thông Việt Đức, Hà Nội, chia sẻ:

“Năm 2009 tôi thi tuyển và được vào giảng dạy tại trường Trung học phổ thông Việt Đức, Hà Nội, sau mấy năm dạy bộ môn, tôi được Ban giám hiệu nhà trường đề nghị làm công tác chủ nhiệm.

Làm công tác chủ nhiệm thì mình phải toàn tâm toàn ý, hơn nữa nếu mình đã lập gia đình và con con rồi thì sẽ dễ đồng cảm với nỗi niềm, mong muốn của các vị phụ huynh. Tự xét thấy chưa đủ những yếu tố như vậy nên tôi đã từ chối.

Sau 8 năm giảng dạy tại trường, cảm thấy mình đã đủ độ chín tốt nhất, có sự độ lượng với học sinh, đồng cảm với phụ huynh…tôi đã nhận công tác chủ nhiệm.

Và được như ngày hôm nay thì bản thân tôi thấy mình rất may mắn vì có được một môi trường công tác rất tốt, ban giám hiệu luôn tạo điều kiện cũng như các đồng nghiệp luôn động viên, giúp đỡ tôi trong những ngày đầu bước chân vào nghề, cũng như trong suốt thời gian tôi làm việc.

Giáo viên chủ nhiệm giỏi, vì sao khó lắm?
Giáo viên chủ nhiệm giỏi, vì sao khó lắm?

Những ngày đầu tiên trên cương vị chủ nhiệm lớp, tôi rất hồi hộp, giờ đây mình sẽ là nhân vật trung gian đóng vai trò kết nối giữa gia đình với nhà trường.

Mình cần phải thật hài hòa rất nhiều mối quan hệ giữa cô với trò, giữa bố mẹ và con, nhiều khi các phụ huynh cũng cầu cứu để cô có thể hỗ trợ, giúp bố mẹ hiểu con hơn.

Trong buổi họp đầu năm thì phụ huynh cũng xì xào rằng cô chủ nhiệm trẻ quá, nhưng tôi đã tự tin cam kết trong cuộc họp đó là không có một học sinh nào bị “bỏ quên” trong lớp của tôi.

Tất cả các em đều được trải nghiệm nhiều vai trò, nhiều vị trí như phát động phong trào thi, làm trưởng nhóm, tổ chức hoạt động của lớp, không phải cứ lớp trưởng được làm tất cả, mà bạn đó sẽ đóng vai trò kết nối cô với các bạn.

Có nhiều em học rất giỏi nhưng lại chưa nhiệt tình trong công tác chung của lớp, vậy nên tôi cố gắng đưa các em này vào những hoạt động như khiêu vũ, thể thao…mặc dù ban đầu các em đều từ chối.

Tôi khuyến khích, động viên rằng chưa biết rồi em sẽ biết, quan trọng là bây giờ phải thử làm đã, việc này tôi được các phụ huynh rất ủng hộ.

Những bạn đã học giỏi thì bố mẹ các em thường muốn con mình hoạt động tích cực và sôi nổi hơn, còn đối với những em đã hoạt động sôi nổi thì tôi lại hướng đến mục tiêu học tập”.

Những ngày đầu tiên trên cương vị chủ nhiệm lớp, tôi rất hồi hộp, giờ đây mình sẽ là nhân vật trung gian đóng vai trò kết nối giữa gia đình với nhà trường. Ảnh do nhân vật cung cấp.
Những ngày đầu tiên trên cương vị chủ nhiệm lớp, tôi rất hồi hộp, giờ đây mình sẽ là nhân vật trung gian đóng vai trò kết nối giữa gia đình với nhà trường. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Biến học tập thành niềm vui

Sáng kiến dạy tích hợp của cô giáo Hà là thông qua môn Ngữ văn thì học sinh sẽ hiểu biết hơn về kiến thức văn hóa, địa lý, lịch sử…

Bên cạnh những tiết học Văn sâu sắc, lắng đọng khiến cho học sinh thăng hoa trong cảm xúc, thì cũng cần phải có những tiết học vui vẻ, không áp lực.

“Thay vì tiết học khô khan, tôi đã sáng tạo lồng ghép thành một buổi talkshow "Tại sao không", qua đó biến những tiết học văn về lịch sử thành một sân chơi theo mô hình của chương trình mà các em đã được xem trên ti vi.

Tôi hướng dẫn các em tự tổ chức như phân công MC, phân công viết kịch bản, bạn nào phụ trách hậu trường, làm khách mời…

Giáo viên trẻ làm chủ nhiệm dễ hay khó?
Giáo viên trẻ làm chủ nhiệm dễ hay khó?

Tất cả được lồng ghép khéo léo, bàn ghế trong lớp cũng được kê theo mô hình của trường quay truyền hình khiến cho các em rất thích.

Với cách tổ chức như vậy, trong đó sẽ có những tình huống vui nhộn, đối đáp, tranh luận thoải mái, các em sẽ nhớ kiến thức một cách tự nhiên rất nhanh, chơi mà học.

Có nhiều em đã bộc lộ kỹ năng, tố chất làm MC, tổ chức chương trình hoặc viết kịch bản, mà trước đó các em không hề biết.

Cũng có nhiều giáo viên thắc mắc rằng không phải học sinh lớp nào cũng làm được như vậy.

Theo tôi thì mỗi thầy cô có một thế mạnh và những mối quan hệ riêng, dựa trên đặc thù của môi trường sư phạm, đặc thù đối tượng của lớp học đó, đồng thời dựa trên năng lực và thế mạnh của chính mình.

Khi đã tổng hòa những cái đó thì tự nhiên mỗi thầy cô sẽ có ý tưởng đưa ra những dự án khác nhau, sao cho phù hợp với đối tượng đó.

Trong giờ giảng, tôi luôn lưu ý học sinh ghi chép cẩn thận, nắm chắc kiến thức để làm bài, nhưng để cho những kiến thức đó ghi nhớ thì không hề đơn giản.

Cô Lưu Thị Thu Hà và học sinh lớp 10 D2 trong ngày khai giảng. Ảnh do nhân vật cung cấp.
Cô Lưu Thị Thu Hà và học sinh lớp 10 D2 trong ngày khai giảng. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Những giờ học Văn nếu là tiết 1 hoặc tiết 5 thì các em rất buồn ngủ, đây cũng là thử thách đối với giáo viên dạy Ngữ văn, vậy nên tôi thường tạo cho học sinh cảm giác háo hức, chờ đợi xem hôm nay cô sẽ nói gì?

Vào lớp, tôi phát vấn tình huống ngay từ đầu bằng những câu hỏi gần gũi với học sinh, ví dụ khi dạy bài thơ Sóng của nhà thơ Xuân Quỳnh: Tôi lồng ghép tình yêu tuổi học trò, để thấy cái dữ dội và dịu êm, ồn ào và lặng lẽ ấy trong tình yêu…các em rất thích thú và chia sẻ khi nào thì con dịu êm lặng lẽ, khi nào con ồn ào dữ dội.

Ngoài ra tôi cho các em nghe bài thơ đó đã được phổ nhạc, nghe bài hát về Sóng, được xem phim, xem video để từ những tình huống đó các em cùng thảo luận.

Khi tôi dạy về tác giả tác phẩm, nếu đã từng đến đó thì tôi sẽ chụp ảnh, quay video rồi tự dựng thành những clip ngắn, ví dụ như học về Hàn Mạc Tử thì tôi sẽ chia sẻ những cảm xúc của mình khi đến khu tưởng niệm đó với các em.

Phân công giáo viên chủ nhiệm theo năng lực, không theo độ tuổi
Phân công giáo viên chủ nhiệm theo năng lực, không theo độ tuổi

Video sẽ như một hành trình đến với tác giả, giúp các em cảm nhận được những hình ảnh thực tế, điều này cũng làm cho giờ giảng phong phú hơn, rất vui nhưng cũng rất xúc động.

Tôi quan niệm tất cả các tác phẩm đều phải được gắn với đời sống, ngay như bài Mỵ Châu - Trọng Thủy tôi cũng lồng ý thức công dân và bản thân học sinh cũng được hiểu sâu sắc rằng đã là công chúa thì phải hiểu được sức nặng của vương miện ở trên đầu mình, và phải có trách nhiệm với cương vị mà mình đang mang.

Tôi nói rằng các em sau này sẽ ở nhiều vị chí khác nhau, trách nhiệm càng nhiều thì phải nhớ rằng nguy cơ và ảnh hưởng của những việc mình gây ra sẽ càng lớn.

Học sinh rất thích giờ học văn với những liên hệ, chia sẻ mọi chuyện trong cuộc sống như vậy”, cô Hà nêu quan điểm.

Luôn dành thời gian tương tác với học sinh

Không những dành thời gian cho các em ở trên lớp mà ngay cả khi về nhà hoặc bất cứ lúc nào nhận được điện thoại, tin nhắn của các em là tôi đều trả lời.

“Các em không chỉ hỏi về môn của tôi dạy, mà nhiều khi còn hỏi những môn khác nữa, về ý tưởng này, ý tưởng kia, hỏi về tình bạn, về sách vở…cô có góp ý gì không ạ?

Khi xác định là chủ nhiệm thì mình phải vô tư, không mưu cầu bất cứ điều gì, xác định là mình cứ cho đi không đòi hỏi. Ảnh do nhân vật cung cấp.
Khi xác định là chủ nhiệm thì mình phải vô tư, không mưu cầu bất cứ điều gì, xác định là mình cứ cho đi không đòi hỏi. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Thậm chí có những hôm rất khuya nhưng khi các em đã nhắn tin hỏi ý kiến, điều này đồng nghĩa là các em tin tưởng mình tuyệt đối thì mới xin cô tư vấn.

Tôi cũng hiểu được tâm lý các em, khi đã có một vấn đề vướng mắc về bạn bè, hoặc chỉ một câu nói hay hiểu lầm cũng có thể khiến cho các em bị suy sụp, bối rối.

Những lúc như vậy thì các em rất cần mình, nhiều khi các em không tâm sự với bố mẹ mà chỉ tâm sự với giáo viên chủ nhiệm, vậy nên tôi thường xuyên tương tác với học sinh.

Để hiểu và gần gũi được học sinh, tôi thường xem nhưng trang mạng các em hay vào, tìm hiểu nhưng bộ phim hay bài hát mà các em thích, tìm các hot trend, trào lưu mà các em hay dùng, từ đó sẽ có sự đồng điệu và hiểu các em hơn.

Khi xác định là chủ nhiệm thì mình phải vô tư, không mưu cầu bất cứ điều gì, xác định là mình cứ cho đi không đòi hỏi, cũng chính vì vậy mà không chỉ học sinh trong lớp, mà các em ở 4 lớp tôi dạy bộ môn cũng rất là yêu quý tôi.

Làm giáo viên chủ nhiệm, tôi cam kết không một em nào bị “bỏ quên” trong lớp ảnh 8

Tôi đã làm giáo viên chủ nhiệm 2 lớp cùng một lúc

Tôi luôn tự nhủ làm việc gì cũng phải làm tốt nhất có thể, phải toàn tâm toàn ý, đã không làm thì thôi và đằng nào cũng phải làm thì làm vui nhất.

Tôn trọng sự khác biệt

Giảm áp lực tăng hứng thú học tập, khi hỏi học để làm gì thì sẽ có nhiều em nói rằng học để đi thi, kết quả thi thì phụ huynh và nhà trường nhìn thấy, nhưng chắc chắn rằng giờ học văn có hay đến đâu thì học sinh cũng cần phải có kiến thức nhất định để đáp ứng được yêu cầu của các kỳ thi.

Nhưng như vậy thì liệu giờ học văn có trở nên khô khan hay không khi giáo viên thì đọc, học trò ghi chép mỏi tay?. Giờ học có những hoạt động rất vui mà lại không đọng được gì trong đầu của học sinh thì các em khó có thể làm bài được.

Vậy nên trong các hoạt động, một mặt phải đảm bảo tính hiệu quả nhưng không cho học sinh cảm giác áp lực, muốn làm được như vậy thì các hoạt động giáo dục và tất cả những điều mình mong muốn ở học sinh đều phải được tiến hành một cách nhuần nhuyễn, tự nhiên và các em không có cảm giác căng thẳng.

Tôi là người rất thích và khuyến khích học sinh phản biện, những phản biện đó là tư duy đa chiều của học sinh trước một vấn đề, các em không bị ảnh hưởng một cách khuôn mẫu và lệ thuộc vào quan điểm của người khác.

Tôi chấp nhận tất cả các ý kiến phản biện nhiều chiều đó, nhưng chỉ yêu cầu học sinh thuyết trình làm sao để cả cô và các bạn trong lớp cảm thấy thuyết phục, là được”, cô Hà chia sẻ.

Năm 2007, cô Hà tốt nghiệp lớp Cử nhân tài năng, trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Hiện nay cô Lưu Thị Thu Hà là giáo viên dạy môn Ngữ văn, chủ nhiệm lớp 10 D2 - trường Trung học phổ thông Việt Đức, Hà nội.

Danh hiệu đã đạt được.

1.    Đạt danh hiệu giáo viên suất sắc nhất trong những giáo viên suất sắc năm 2019, của đợt xét duyệt giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo”, do sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phối hợp với Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội, tổ chức.

Đây là danh hiệu cao quý và đáng tự hào đối với mỗi nhà giáo,  ghi nhận sự tâm huyết và những đổi mới sáng tạo mà giáo viên đã thực hiện trong thời gian vừa qua.

2.    Được tặng bằng khen đặc biệt về chuyên đề sáng tạo có tính ứng dụng.

3.    Được Liên đoàn lao động Thành phố Hà Nội tặng bằng khen, công nhận là 1 trong 15 giáo viên cấp Trung học phổ thông tiêu biểu nhất năm 2019.

Tùng Dương