Lắm tình huống oái oăm sẽ phát sinh khi 2-3 thầy cùng dạy 1 môn

30/03/2021 06:20
NGUYỄN CAO
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Lúc ấy, sẽ thực hiện bảng điểm chung hay riêng, ai là người vào điểm? Sổ học bạ của học sinh chẳng lẽ 2-3 giáo viên cùng ký tên cho 1 môn học?

Năm học 2021-2022 tới đây thì ngành giáo dục sẽ triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 6. Điều mà nhiều giáo viên đang băn khoăn là có 5 môn học hiện nay được tích hợp thành 2 môn học mới sẽ được sắp xếp giáo viên dạy như thế nào?

Giáo viên đang được tập huấn chương trình mới ở những modul đầu tiên thì vẫn được định hướng giáo viên môn nào (hiện nay) sẽ dạy phân môn đó (chương trình mới).

Chuyện này cũng na ná như một gia đình có 2, 3 đứa con đã ra riêng lâu nay thì bây giờ cha mẹ yêu cầu về sống chung với nhau trong một nhà. Nhưng, tiền bạc, sinh hoạt, ăn uống thì vẫn…độc lập với nhau vậy.

Hai nhóm tác giả của 2 phân môn được bố trí ở 2 vị trí khác nhau (Ảnh: N.C.)

Hai nhóm tác giả của 2 phân môn được bố trí ở 2 vị trí khác nhau (Ảnh: N.C.)

Sách giáo khoa vẫn chia các phân môn riêng biệt

Hiện nay, sách giáo khoa lớp 6 (bản mẫu) đã về các địa phương để giáo viên cốt cán đóng góp ý kiến và các đường lik sách giáo khoa cũng đã được gửi đến email giáo viên ở các nhà trường đóng góp ý kiến nên đa phần giáo viên đã được tiếp cận đầy đủ cả 3 bộ sách.

Nghe các tác giả sách giáo khoa giới thiệu thì các môn tích hợp rất hay, rất phù hợp với xu thế nhằm tránh đi những kiến thức trùng lặp ở các môn học hiện nay. Vì thế, khi giảng dạy sẽ tiện lợi cho giáo viên và học sinh.

Tuy nhiên, nhìn vào nhóm biên soạn sách giáo khoa ở mỗi cuốn sách tích hợp thì chúng tôi thấy các tác giả ở các phân môn vẫn độc lập với nhau.

Chẳng hạn như sách Khoa học tự nhiên 6 (Cánh Diều) có 12 tác giả. Trong đó, tác giả Mai Sỹ Tuấn (Tổng Chủ biên- giảng viên môn Sinh học); tác giả Nguyễn Văn Khánh ( Đồng chủ biên- giảng viên môn Vật lí); tác giả Đặng Thị Oanh (Đồng chủ biên- giảng viên môn Hóa học).

Sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý (Cánh Diều) có 10 tác giả. Trong đó, tác giả Đỗ Thanh Bình (Tổng chủ biên phần Lịch sử); tác giả Nguyễn Viết Thịnh (Tổng chủ biên phần Địa lí).

Như vậy, chúng ta có thể thấy về cơ bản thì các tác giả sách giáo khoa đang giảng dạy môn nào thì đảm nhận viết nội dung phân môn đó và mỗi cuốn sách đều có sự đóng góp của hàng chục tác giả.

Điều đặc biệt là trong sách giáo khoa Lịch sử và Địa lí (Cánh Diều) còn sắp xếp 2 nhóm tác giả của 2 phân môn đứng riêng biệt. Nội dung sách cũng được chia làm 2 phần rõ ràng. Phần Lịch sử được bố trí từ trang 4 đến trang 98; phần Địa lí từ trang 99 đến trang 192.

Nhìn vào cách bố trí này, giáo viên thấy 2 phân môn: Lịch sử và Địa lí đứng hoàn toàn độc lập với nhau, giống như là gộp 2 môn học hiện nay vào 1 cuốn sách vậy. Bởi, thực tế thì chương trình môn học này cũng chỉ được bố trí 4 chủ đề cho 4 năm học ở cấp trung học cơ sở.

Rõ ràng, việc “tích hợp” 5 môn học (chương trình năm 2000) thành 2 môn học tích hợp (chương trình 2018) có phần khiên cưỡng, gượng ép và những tác giả chương trình, tác giả sách giáo khoa cũng chưa có những chính minh cụ thể về tính ưu việt của 2 môn học này...

Hai phân môn Lịch sử và Địa lí được bố trí ở 2 phần riêng biệt (Ảnh: N. C.)

Hai phân môn Lịch sử và Địa lí được bố trí ở 2 phần riêng biệt (Ảnh: N. C.)

Nhất là khi gộp môn Lịch sử và môn Địa lí hiện nay thành môn học Lịch sử và Địa lí cũng đã thể hiện nhiều bất cập.

Môn Lịch sử là một môn khoa học xã hội nhưng môn Địa lý thì dù có nhiều nội dung xã hội nhưng nếu xếp môn Địa lý vào môn khoa học tự nhiên sẽ chuẩn xác hơn.

Bởi thực tế, chương trình môn học Địa lý của cấp trung học cơ sở chủ yếu đề cập những vấn đề liên quan đến quy luật tự nhiên, vị trí địa lý, khí hậu của quốc gia, khu vực và thế giới.

Việc xếp một môn khoa học xã hội với một môn chủ yếu cung cấp kiến thức, giải thích các hiện tượng tự nhiên thành một môn học “tích hợp” là một sự gượng ép không cần thiết.

Sắp xếp, bố trí giảng dạy ở các nhà trường sẽ khó khăn

Việc gộp 5 môn học hiện nay thành 2 môn tích hợp đã được dự báo là khó khăn từ khi chương trình mới đang ở giai đoạn…dự thảo. Tuy nhiên, những góp ý, phản biện của nhiều nhà khoa học, nhiều chuyên gia và giáo viên không làm thay đổi được quyết tâm của Bộ.

Khi chương trình chính thức được thông qua và hiện nay thì hình hài sách giáo khoa của 2 môn học tích hợp ở cấp trung học cơ sở hiện nay đã rõ ràng. Chỉ còn khoảng 5 tháng nữa là những sản phẩm này chính thức đưa vào giảng dạy ở các nhà trường.

Việc phân công giáo viên giảng dạy, sắp xếp thời khóa biểu dù có thể khó khăn nhưng chắc chắn Bộ sẽ có hướng dẫn cụ thể cho công việc này.

Nhưng, 2- 3 thầy dạy một cuốn sách sẽ nảy sinh nhiều bất cập trong quá trình phân công giáo viên đảm nhận các chuyên đề và việc ra đề, chấm bài kiểm tra.

Thôi thì bài kiểm tra thường xuyên thì mỗi phân môn mỗi cột nhưng theo Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT thì kiểm tra định kỳ chỉ còn 2 bài. Một bài kiểm tra giữa kỳ và một bài kiểm tra cuối kỳ. Khi đó, 2-3 phân môn sẽ ráp vào một đề kiểm tra hay mỗi phân môn được tách ra để kiểm tra riêng?

Nếu kiểm tra chung thì kiến thức môn nào thì giáo viên đó chấm nhưng một bài kiểm tra mà 2-3 giáo viên chấm ở 2-3 mạch kiến thức hay sao?

Lúc ấy, sẽ thực hiện bảng điểm chung hay riêng, ai là người vào điểm? Sổ học bạ chẳng lẽ 2-3 giáo viên cùng ký tên cho 1 môn học?

Rõ ràng, thêm 2 môn tích hợp sẽ kéo theo rất nhiều bất cập đi kèm. Nếu bố trí 1 giáo viên 1 sách thì chắc chắn sẽ rất khó cho giáo viên phổ thông.

Bởi mỗi cuốn sách giáo khoa môn tích hợp có tới 10-12 tác giả viết mà họ đều là người có học hàm học vị cao mà còn vất vả, khó khăn thì giáo viên trung học cơ sở chỉ có học vị cao đẳng và đại học thì làm sao làm chủ kiến thức của 2-3 phân môn để giảng dạy?

Nếu bố trí 2-3 thầy dạy 1 sách thì các trường đại học có nhất thiết phải tuyển sinh và đào tạo chuyên ngành tích hợp hay không? Khi đã đào tạo giáo viên tích hợp (1 người đảm nhận 1 sách) thì cớ gì sách giáo khoa vẫn được bố trí mỗi phân môn ở mỗi phần riêng biệt?

Rõ ràng, 2 môn tích hợp ở cấp trung học cơ sở đã và sẽ bộc lộ nhiều bất cập từ khi chưa bắt đầu thực hiện. Dù giáo viên chúng tôi hy vọng mọi thứ sẽ ổn thỏa nhưng không tránh khỏi những băn khoăn, lo lắng về 2 học này trong những năm học tới đây.

NGUYỄN CAO