Người ta mua bằng giả để làm gì?

27/02/2019 06:16
Vũ Ninh
(GDVN) - Có một dạo dư luận xã hội xôn xao về việc quan chức nọ, thủ trưởng kia, thạc sĩ, tiến sĩ dùng bằng giả ung dung tại vị.

Bằng cấp giả là ung nhọt của xã hội

Trong quá trình tiếp xúc với những đối tượng dùng và làm bằng giả, phóng viên rất bất ngờ trước thái độ thỏa hiệp với sự gian trá và mánh lới của họ.

Năm 2018, trên cả nước đã phát hiện nhiều quan chức, cán bộ sử dụng bằng giả, ung dung tại vị cho đến khi bị phát hiện.

Theo phóng viên có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này:

Thứ nhất: Công nghệ làm bằng giả, chứng chỉ và các loại giấy tờ giả hiện nay rất tinh vi.

Theo như phóng viên tìm hiểu các đối tượng chỉ cần cung cấp thông tin cá nhân chỉ khoảng 3-4 tiếng đồng hồ một tấm bằng đại học sẽ được ra lò.

Bằng giả in ấn rất chuẩn chỉ có chữ ký tươi, tem 3D, 5 cánh, 6 cánh như thật và không thể phát hiện bằng mắt thường.

Thậm chí có những đối tượng mạnh miệng tuyên bố phôi, con dấu và tem là thật 100%.

Người ta mua bằng giả để làm gì? ảnh 1Bằng đại học, chứng chỉ các loại chỉ cần tiền là...mua được

Thứ hai: Cơ chế kiểm tra bằng cấp hiện nay còn đang lỏng léo.

Chính vì thế mới có những chuyện người này người kia tại vị đến 20-30 năm mới bị phát hiện dùng bằng giả.

Hiện nay thi công chức hoặc nộp hồ sơ vào các cơ quan tuyển dụng người ứng tuyển chỉ cần nộp bằng và các loại chứng chỉ.

Do đó đây là kẽ hở dành cho các đối tượng có ý đồ xấu.

Bởi lẽ rất khó để cơ quan tuyển dụng có thể phát hiện ra tấm bằng là thật hay giả nếu như chỉ nhìn bằng mắt thường.

Thứ 3: Hiện nay cuộc chạy đua về bằng cấp đang diễn ra hết sức khốc liệt.

Nhớ lại cách đây mấy năm công luận lên tiếng phê phán “Chiến lược cán bộ công chức khối chính quyền đến năm 2020”do UBND của một tỉnh, thành nọ ban hành.

Theo đó, chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 100% cán bộ chính quyên thuộc diện tỉnh uỷ, thành uỷ quản lý có trình độ tiến sĩ.

Điều này dẫn đến một tình trạng người làm được việc nhưng lại không có bằng thì cố gắng chạy cho được hoặc mua một cái bằng.

Trường hợp thứ hai là những người dùng bằng cấp vào những mục đích khác như đi du học, lao động xuất khẩu…hoặc đơn giản chỉ là để…oai với thiên hạ

Bằng cấp giả là ung nhọt của xã hội ( Ảnh: Vũ Ninh)
Bằng cấp giả là ung nhọt của xã hội ( Ảnh: Vũ Ninh)

Một nhà báo nổi tiếng từng công khai chỉ trích việc chạy theo bằng cấp của một số quan chức, cán bộ Việt Nam hiện nay.

Trong đó nhà báo này cho rằng danh vọng, phẩm hàm càng cao thì trách nhiệm càng lớn.

Bên cạnh đó vị này cũng đặt vấn đề: Mỗi năm báo chí lại nhắc đến câu chuyện Việt Nam có rất nhiều giáo sư, tiến sĩ nhưng lại không có vị trí và chỗ đứng trên bản đồ khoa học quốc tế thậm chí đóng góp có thể nói là bằng Không.

Điều này làm cho xã hội không khỏi hoàn nghi về chất lượng của các loại bằng cấp và sản phẩm giáo dục.

Ngoài ra nhà báo cũng đưa ra những dẫn chứng: Ở Việt Nam ta trước đây có nhiều vị thực tài, tầm cỡ quốc tế nhưng bằng cấp lại rất khiêm tốn chẳng hạn như giáo sư Trần Đại Nghĩa (kỹ sư), giáo sư Tạ Quang Bửu (cử nhân), giáo sư Tôn Thất Tùng (bác sĩ)….Như vậy đâu phải cần bằng cấp, phẩm hàm thật đẹp, thật oách mới cống hiến được cho xã hội.

Nâng cao chất lượng luận văn Thạc sĩ, luận án Tiến sĩ

Việc chạy đua bằng cấp, phẩm hàm liên quan chặt chẽ đến cơ chế đãi ngộ cụ thể là lương và yêu cầu của vị trí công việc.

Vì thế mới dẫn đến tình trạng người học không học được thì tìm cách chạy chọt, chạy hội đồng…

Không chạy được thì cách đơn giản và mất ít tiền hơn là thuê người học hộ, thi hộ làm luận án, luận văn hộ.

Ngay đến bản thân những người làm thuê luận văn, luận án mặc dù thỏa hiệp vấn đề này nhưng cũng không thể lý giải nổi.

Nhắc lại cô sinh viên năm 3 trường Ngoại thương trong một nhóm làm thuê luận án, luận văn trần tình:

Người ta mua bằng giả để làm gì? ảnh 3Xâm nhập đường dây làm luận văn, luận án từ Thạc sĩ đến Tiến sĩ

"Trước đây nếu không làm công việc này em nghĩ chỉ có sinh viên mới thuê người làm bài hộ ai ngờ có cả thạc sĩ, tiến sĩ cũng thuê người làm hộ luận văn, luận án.

Họ thường lý giải là do công việc bận bịu, không thu xếp được thời gian hoặc việc học nhàm chán, nặng lý thuyết".

N.Q.H một tay cò trong đường dây làm bằng cấp, chứng chỉ giả các loại cho biết:

"Mỗi ngày tôi làm đến 30-40 bộ bằng cấp giả.

Ở cái xã hội này bây giờ người ta dùng (bằng cấp giả) đầy".

Trong bài phân tích của Tiến sĩ Trần Thị Bích Liễu bàn về chất lượng đa số luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ bị đánh giá là kém. Bà đưa ra 4 câu hỏi lớn cần giải mã.

Ai muốn có bằng thạc sĩ và luận án tiến sĩ?

Học để có bằng hay học để phục vụ công việc tốt hơn và vì sao?

Vì sao học viên vẫn được cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ dù chất lượng nghiên cứu không đảm bảo?

Làm gì để có “chất lượng thật” của luận văn thạc sĩ, tiên sĩ ở Việt Nam?

Bằng cấp, học hàm giả sẽ khiến cho xã hội cảm thấy mất lòng tin vào chất lượng giáo dục (Ảnh: Vũ Ninh)
Bằng cấp, học hàm giả sẽ khiến cho xã hội cảm thấy mất lòng tin vào chất lượng giáo dục (Ảnh: Vũ Ninh)

Tiến sĩ Liễu cũng chỉ ra rằng để có chất lượng thật của luận văn, luận án và cao hơn là chất lượng của sản phẩm giáo dục mà cụ thể là Thạc sĩ và Tiến sĩ cần phải đảm bảo tính hệ thống của việc yêu cầu cao đối với chất lượng đào tạo.

Cần ban hành các chế độ chính sách, chuẩn đánh giá đến việc thực thi và kiểm soát thực hiện.

Về phía người học trước hết phải có trách nhiệm với chính việc học của mình, phải biết hổ thẹn với lương tâm và xã hội.

Ngoài ra cũng cần nâng cao chế độ hướng dẫn luận văn thạc sĩ và tiến sĩ để nâng cao trách nhiệm và quyền lợi của người chấm từ đó hạn chế tiêu cực phát sinh.

Vũ Ninh