“Nhàn rỗi” như sinh viên kế toán đi thực tập

29/03/2012 18:00
Huyền Trang
(GDVN) - Sinh viên chuyên ngành kế toán khó có cơ hội rèn nghề, nhưng thực tế không ít người đã không thực sự coi trọng kỳ thực tập của mình. 
Hiếm hoi cơ hội rèn nghề
Cũng như bất cứ một ngành nghề nào, những kỳ kiến tập, thực tập luôn là cơ hội để sinh viên có cơ hội làm quen với môi trường làm việc, rèn luyện kỹ năng của ngành nghề mình theo học.
Sinh viên chuyên ngành kế toán cũng vậy, sau những ngày cặm cụi làm sổ sách lý thuyết ở trường, trong thời gian thực tập sẽ được làm việc với những giấy tờ, chứng từ, số liệu, báo cáo có thật của cơ quan mình đến thực tập.
Trải qua những vòng thi loại, Tươi – sinh viên lớp K44D3 khoa Kế toán trường Đại học Thương Mại, đã chính thức được nhận vào thực tập tại Công ty Kiểm toán ATC. Công việc hàng ngày của Tươi trong thời gian thực tập là lập các file kiểm toán, đối chiếu số liệu thống kê, xem xét các chứng từ, làm các báo cáo nhỏ. 
Lần đầu tiếp xúc với những số liệu và báo cáo thực, Tươi cũng không tránh được việc mắc phải những sai sót, xong cô bạn luôn được các anh chị trong công ty chỉ bảo tận tình. Không hiểu hay mắc lỗi ở đâu, đều có thể hỏi và được hướng dẫn làm cho đến khi chính xác.
Tươi xác định: “Đây là thời gian quý báu để mình được thực hành và học hỏi, nên mình luôn cố gắng tận dụng và làm tốt nhất. Mình muốn tích lũy kinh nghiệm từ bây giờ, để sau này không bị bỡ ngỡ trước những câu hỏi của nhà tuyển dụng”
Rất ít sinh viên kế toán có cơ hội được làm việc trong kỳ thực tập (nguồn Internet)
Rất ít sinh viên kế toán có cơ hội được làm việc trong kỳ thực tập (nguồn Internet)
Trải qua 2 vòng thi loại, Nguyễn Trí Trung (sinh viên khoa kế toán trường ĐH Kinh tế Quốc Dân) cũng đã chính thức có tên trong danh sách sinh viên thực tập của Công Ty TNHH Dịch vụ tư vấn Tài Chính Kế toán và Kiểm toán.
Trung hào hứng khi được làm việc như một nhân viên thực sự. Trong nửa đầu của kỳ thực tập bạn đã được cùng các anh chị trong công ty đi về các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Hưng Yên, Thái Bình để làm việc với khách hàng.
“Được tự mình làm những báo cáo tài chính cho khách hàng, tuy cũng áp lực, nhưng mình thấy rất vui vì mình được các anh chị trong công ty tin tưởng”
Và mặc dù là sinh viên thực tập, nhưng hàng tháng Trung vẫn nhận được lương từ công ty, mức lương tính theo năng lực làm việc. Song, những cơ hội được làm việc, tiếp xúc với các số liệu, báo cáo thực không phải là nhiều
Cốt để xin dấu
Không phải sinh viên kế toán nào cũng xác định mình phải tích lũy được kinh nghiệm, học hỏi được nhiều kỹ năng sau kỳ thực tập. “Các bạn xin vào thực tập được ở một công ty nào đó, cốt để xin dấu xác nhận cuối đợt”, Dũng – Cựu sinh viên khoa Kế toán trường Cao Đẳng Kinh tế Kỹ Thuật Công Nghiệp Hà Nội nhớ lại nói.
Trong khoảng thời gian 3 tháng thực tập của mình, Huyền (lớp KT3B, Khoa Kế Toán, trường CĐ Nghề Cơ Điện Hà Nội) đã tranh thủ đi làm thêm thay vì đến công ty thực tập. Cô bạn chia sẻ: “Có đến công ty ngày đầu để nộp giấy tờ, và có lẽ chỉ trở lại vào ngày cuối cũng của đợt thực tập để xin dấu thôi là được”.
Vừa kết thúc thời gian thực tập, Thơm (sinh viên khoa Kế Toán trường ĐH Thủy Lợi) cũng đã xin được dấu xác nhận của Công ty TNHH đầu tư và thương mại Trang Linh. “Cả đợt thực tập mình không phải đến công ty, người ta cũng không cần mình đến, mình có người quen ở đó, nên nhờ nộp giấy tờ và xin xác nhận luôn” – Thơm chia sẻ.
Mặc dù hiếm khi có cơ hội rèn luyện nghề, nhưng đa số sinh viên kế toán không coi trọng kỳ thực tập quan trọng của mình (ảnh Internet).
Mặc dù hiếm khi có cơ hội rèn luyện nghề, nhưng đa số sinh viên kế toán không coi trọng kỳ thực tập quan trọng của mình (ảnh Internet).
Khi được hỏi vì sao không coi trọng thời gian đến công ty thực tập của mình, rất nhiều bạn đã trả lời rằng: "Công ty không cần mình, không nhiệt tình giúp mình, hơn nữa mình cũng chỉ xin dấu là chính, sau này ra trường, vào nghề, mình sẽ được học hết."
Rõ ràng “Việc sinh viên kế toán đi thực tập có nghiêm túc hay không phụ thuộc khá nhiều vào nơi đến thực tập. Ở đó có tin tưởng bạn, nhiệt tình với bạn, tạo cơ hội cho bạn được làm việc và rèn luyện mình hay không” - Chị Thanh, Nhân viên kế toán Công Ty Ty Cổ phần Tư vấn Thương mại và công nghệ AMIC khẳng định.
Tuy nhiên, không thể vì thế mà sinh viên kế toán nói riêng và các ngành nghề khác nói chung không có trách nhiệm và xem nhẹ thời gian thực tập của mình. Chúng ta nên chủ động hơn trong công việc của mình. “Vì vẫn luôn có những công ty sẵn sàng và nhiệt tình giúp đỡ sinh viên rèn nghề. Điều quan trọng là bạn luôn biết tìm kiếm những cơ hội, và giành cơ hội đó về cho mình”, Tươi sinh viên kế toán ĐH Thương Mại bộc bạch.
Huyền Trang